Nỗi lo thường trực
Hàng chục ngư dân tại phường Tràng Cát, quận Hải An, Hải Phòng có đơn kêu cứu gửi tới PLVN cho biết, từ nhiều đời nay, người dân tại đây chỉ sinh sống bằng nghề đánh bắt cá và cào ngao bán cho các thương lái.
Khu vực Gò Công vốn là ngư trường truyền thống. Năm 2013, nhận thấy việc thả nuôi ngao giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên bà con dọn bãi, đầu tư nuôi ngao mục đích xóa đói, giảm nghèo với tổng diện tích gần 500ha với số tiền đầu tư con giống và trang thiết bị gần 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoảng tháng 10/2017 cho đến nay, liên tục có hàng chục tàu đến khu vực bãi ngao hút cát, ban đầu còn cách xa vài trăm mét, sau đó lấn sâu vào trong bãi; làm đổ cọc, bẻ cờ, hư hại các chòi canh. Đặc biệt, từ tháng 1/2021 cho đến nay, bất kể ngày đêm, liên tục có một số tàu, sà lan có cả gàu xúc tiến vào khu vực bãi ngao để khai thác cát, bất chấp sự phản ứng của bà con ngư dân.
Ngồi trên căn chòi canh ngao vừa được đầu tư cả trăm triệu đồng, anh Nguyễn Mạnh Thắng cùng các ngư dân hướng ánh mắt mệt mỏi về bãi nuôi ngao, ai nấy đều không khỏi thở dài, lo lắng. Anh Thắng kể, nhờ bãi nuôi ngao này mà nhiều ngư dân có công ăn việc làm, giúp nhiều người thoát nghèo và làm giàu chân chính. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện những tàu vào hút cát, anh Thắng và hàng chục hộ nuôi ngao, đánh bắt hải sản tại đây đứng ngồi không yên, bởi số tiền đầu tư quá lớn vào bãi ngao đều từ vay vốn ngân hàng và huy động từ người thân.
“Việc khai thác cát đã gây thiệt hại rất lớn đến ngao giống nuôi thả, nhiều tàu hút cát còn hút cả ngao chúng tôi lên, làm đổ cọc lưới bảo vệ, đổ chòi canh. Khi chúng tôi ra ngăn cản thì họ phớt lờ, nhiều tàu còn thách thức lại khi cho rằng đây là mỏ cát đã được TP cấp phép, trong khi số tiền chúng tôi đầu tư xuống đây đã lên tới hàng chục tỷ đồng”, anh Thắng ngậm ngùi cho biết.
Cùng chung nỗi lo với anh Thắng, bà Nguyễn Thị Yêu cho biết, bà và gia đình vừa sắm được một chiếc thuyền đánh bắt hải sản trị giá hơn 200 triệu đồng. Số tiền này gia đình bà phải vay mượn quá nửa, nếu cứ để các tàu khai thác cát như hiện nay thì những người dân như bà Yêu hết kế sinh nhai và sẽ lâm vào cảnh nợ nần.
Với mong muốn bảo vệ tài sản chính đáng của mình, anh Thắng cùng hàng chục ngư dân đã nhiều lần trình báo lên đồn biên phòng và các cấp chính quyền để có biện pháp can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn, gây thiệt hại nặng nề trong việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Dấu hiệu chuyển nhượng dự án trái phép?
Theo tìm hiểu của PV, ngày 29/12/2010, UBND TP Hải Phòng đã cấp Giấy phép số 2274/GP-UBND cho Cty CP Thương mại và Đầu tư Tân Vũ được khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp khu vực Gồ Nam, cửa sông Lạch Tray. Tổng diện tích khu vực khai thác là 96ha với trữ lượng hơn 3,9 triệu m3, thời hạn khai thác là 18,5 năm kể từ ngày được cấp phép.
Ngày 2/7/2014, UBND TP Hải Phòng tiếp tục cấp Giấy phép sửa đổi bổ sung số 1467/GP-UBND điều chỉnh mục tiêu cung cấp cát làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, kể từ khi được cấp phép, Cty Tân Vũ không hề thông báo đến chính quyền địa phương và người dân, không duy trì mốc giới phao tiêu, không gắn biển cảnh báo. Điều này dẫn đến việc người dân không biết được khu vực nào là mỏ, khu vực nào được phép canh tác.
Điều đáng lưu ý, tại giấy phép khai thác và giấy phép sửa đổi bổ sung, UBND TP Hải Phòng đã nêu rõ: “Nghiêm cấm việc chuyển nhượng dự án cho DN khác dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, phía Cty Tân Vũ đã có dấu hiệu chuyển nhượng dự án thông qua hình thức bán quyền khai thác mỏ cát cho nhiều DN khác, vi phạm nghiêm trọng quy định ghi trong các giấy phép đã được cấp.
Cụ thể, ngày 26/10/2018, Cty Tân Vũ đã ký Hợp đồng kinh tế số 26/10/2018/HĐKT/TV-PS và Phụ lục hợp đồng kinh tế số 17/6/2019/PL-HĐKT với Cty CP Xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn.
Tại hợp đồng này, Cty Tân Vũ cho phép Cty Phong Sơn được quyền khai thác cát đen dùng làm vật liệu san lấp với khối lượng được quyền khai thác tạm tính trước khi khảo sát thực tế là 2 triệu mét khối.
Từ hợp đồng “bán quyền” khai thác này, Cty Phong Sơn lại tiếp tục ký hợp đồng mua bán khai thác tài nguyên cát với một đơn vị khác. Theo hợp đồng số 19.11/HĐKTTN/2020 giữa Cty Phong Sơn và Cty CP Thương mại, Khai thác khoáng sản và Xây dựng Hải Nam Hà Nội, phía Cty Hải Nam được phép khai thác cát đen làm vật liệu san lấp trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Cty Tân Vũ và Cty Phong Sơn.
Việc bán quyền khai thác dự án chưa dừng tại đây, khi mà ngày 25/12/2020, Cty Tân Vũ tiếp tục ký Hợp đồng kinh tế số 25.12/2020/HĐKT/TV-DT với Cty CP Đoàn Dương Tiến. Hợp đồng này nêu rõ, phía Cty Tân Vũ đồng ý cung cấp cát làm vật liệu san lấp cho Cty Đoàn Dương Tiến theo giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND Hải Phòng cấp trước đó.
Để làm rõ những phản ánh của người dân, PV đã có buổi làm việc với ông Vũ Tuấn, Chủ tịch UBND phường Tràng Cát. Theo ông Tuấn, hiện người dân Tràng Cát vẫn có hai nghề chính là làm nông nghiệp và thủy sản nhưng làm theo kiểu truyền thống, việc tranh chấp giữa người dân và DN đã xảy ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên vị trí trên biển nên rất khó xác định.
“Khi nhà nước giao việc thả phao tiêu, trách nhiệm của DN phải thả phao tiêu, đến nay qua bao lần đến giờ phút này vẫn chưa có phao tiêu. Khi xảy ra rồi mới thả phao tiêu thì xảy ra tranh chấp bởi vì cái này từ những năm 2010, khi ra đó về nguyên tắc nhà nước giao thì anh (Cty Tân Vũ – PV) phải quản lý, trách nhiệm của Cty chưa triệt để”, ông Tuấn cho biết.
Về hoạt động khai thác cát của các DN trên biển thuộc phường quản lý hiện nay, ông Tuấn cho biết phường không nắm được thông tin bởi phía DN từ khi được giao mốc giới thì không gửi báo cáo cho phường. Chính vì thế, phường không biết được DN có chuyển nhượng dự án cho đơn vị khác hay không.