Theo báo cáo tại cuộc họp, tới thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã và đang triển khai đào tạo 04 khoá tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm đào tạo, để đảm bảo sự phù hợp hơn nữa giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tiễn, Học viện Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư (sửa đổi, bổ sung) để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành theo Kế hoạch công tác năm 2020 đã được phê duyệt.
Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư là mô hình đào tạo mới, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng về sự gắn kết những đặc thù nghề nghiệp của ba chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và kinh nghiệm đào tạo, sử dụng học viên sau đào tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới. Chương trình được xây dựng theo hệ thống tín chỉ, bao gồm 53 tín chỉ, được chia thành 04 giai đoạn (03 giai đoạn đầu bao gồm các học phần bắt buộc, giai đoạn thứ 4 là các học phần tự chọn).
Trên cơ sở đánh giá về ưu điểm, hạn chế của chương trình đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư theo hệ thống tín chỉ là yêu cầu tất yếu nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tăng sức thu hút của chương trình đào tạo. Về nội dung sửa đổi, bổ sung, thời gian đào tạo của chương trình được giữ nguyên là 18 tháng nhưng trên cơ sở cân đối thời gian đào tạo lý thuyết và thời gian đào tạo thực tế, tổng số tín chỉ của chương trình giảm từ 53 tín chỉ xuống còn 52 tín chỉ.
Về cân đối tỉ lệ thời gian cho các khối kiến thức trong Chương trình đào tạo, Học viện Tư pháp giữ nguyên thời lượng đào tạo Khối kiến thức và kỹ năng về nghề luật và đạo đức nghề luật; Khối kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, đồng thời giảm 08 tín chỉ của Khối kiến thức thực hành nghề, tăng 07 tín chỉ cho Khối kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản. Điều này nhằm giải quyết hạn chế của Chương trình đào tạo hiện tại là phần đào tạo cơ bản quá ngắn trong khi thời gian thực tập kéo dài và không đạt hiệu quả như mong đợi.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí cao với dự thảo Chương trình khung đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư theo hệ thống tín chỉ. Đồng thời đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiến hành xây dựng bài bản, chi tiết, chủ động trong việc xin ý kiến rộng rãi đến các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tuyển dụng; bám sát yêu cầu các quy định pháp luật về việc đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và kế thừa những ưu điểm cũng như khắc phục những bất cập của chương trình đào tạo hiện tại về quan điểm, mục tiêu đào tạo, thời gian đào tạo, chọn chuẩn đầu ra chuẩn kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp …
Qua đó, Thứ trưởng đề nghị dự thảo phải đảm bảo được tính tương tác, tương đồng, chất lượng đào tạo và đặc thù nghề nghiệp; bám sát mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, góp phần xây dựng nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước.