Có cơ hội lựa chọn tổ chức hành nghề chứng thực
Ngay sau khi Nghị định số 23/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (từ ngày 10/4/2015), quy định về chứng thực đã được nhanh chóng triển khai đến các tổ chức hành nghề công chứng. Với quy định này, bên cạnh Phòng Tư pháp và UBND cấp xã, người dân có thể lựa chọn chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký tại tổ chức hành nghề công chứng.
Đây không chỉ là việc trao lại cho công chứng viên một trong những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền trách nhiệm của họ, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trao cho họ thêm một cơ hội lựa chọn tổ chức thực hiện chứng thực phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Theo đó, thay vì phải chờ đợi các cán bộ, công chức của Phòng Tư pháp hay UBND cấp xã chỉ thực hiện chứng thực trong một số ngày giờ nhất định do còn đảm đương nhiều nhiệm vụ quản lý Nhà nước khác, người dân có thể đến các tổ chức hành nghề công chứng không chỉ làm việc theo ngày, giờ của cơ quan hành chính nhà nước mà còn có thể làm việc ngoài giờ hành chính, nơi luôn có đội ngũ công chứng viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ công chứng, chứng thực…
Mặt khác, số lượng tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đã tăng lên nhiều lần so với giai đoạn trước. Cụ thể, 1.003 tổ chức hành nghề công chứng so với 131 Phòng công chứng trước đây; 2420 công chứng viên hiện có so với 393 công chứng viên hành nghề tính đến trước thời điểm Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực thi hành.
Vì vậy, sau hơn 3 năm thực hiện, theo số liệu thống kê đến hết tháng 6/2018 của Bộ Tư pháp thì các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện chứng thực được gần 45,7 triệu bản sao và hơn 1,5 triệu việc chứng thực chữ ký.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký trong thời gian qua đã phát sinh một số vấn đề tồn tại đáng chú ý, như tình trạng chứng thực bản sao của giấy tờ mà không phát hiện được đó là giấy tờ giả dẫn đến hậu quả là “biến giả thành thật”; chứng thực bản sao mà không cần bản chính; chứng thực bản sao các giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công nhận hoặc chứng nhận khi các giấy tờ, tài liệu này chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 23.
Đối với chứng thực chữ ký, vẫn còn một số trường hợp chứng thực chữ ký trên văn bản, giấy tờ bán xe ô tô, xe máy, văn bản ủy quyền định đoạt bất động sản… là những giấy tờ, văn bản có nội dung hợp đồng, giao dịch thuộc trường hợp không được chứng thực chữ ký theo quy định tại Điều 25 Nghị định 23; chứng thực chữ ký người dịch mà theo quy định của Luật Công chứng là phải công chứng bản dịch.
Vướng mắc do đâu?
Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do quy định pháp luật về chứng thực và quy định pháp luật có liên quan hiện nay chưa đầy đủ hoặc chưa chặt chẽ, phù hợp. Chẳng hạn, Nghị định 23 quy định chứng thực bản sao từ bản chính thì không lưu trữ (Điều 23).
Với quy định này, thực tế có thể phát sinh trường hợp bản sao đã được chứng thực nhưng người yêu cầu chứng thực có hành vi gian dối là sửa chữa bản sao sau khi đã được chứng thực. Nếu không lưu trữ bản sao thì cơ quan thực hiện chứng thực lại không có cơ sở để đối chiếu khi có tranh chấp, sai sót xảy ra và khó trong việc giám sát tài chính...
Cạnh đó, không chỉ vướng mắc của Nghị định 23 mà sự thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ giữa Nghị định 23 và quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng thực đã dẫn đến tình trạng phát hiện ra sai phạm mà không xử lý được.
Điển hình là vụ Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu bị phát hiện chứng thực bản sao không có bản chính, nhưng cả Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110 đều không quy định hình thức xử lý đối với hành vi này.
Ngoài ra, quy định mức phạt quá nhẹ đối với hành vi “sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung của bản chính để yêu cầu chứng thực bản sao” (chỉ phạt 500 nghìn đến 1 triệu đồng) hoặc quy định xử phạt đối với hành vi “sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục yêu cầu chứng thực” nhưng chưa quy định thủ tục xử phạt cụ thể nên khó xử lý… cũng là một vài ví dụ khác về thiếu sót của quy định pháp luật.
Đó là chưa nói đến thực trạng sử dụng và lưu hành giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả đang khá tràn lan, các loại giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả được làm rất tinh vi mà chỉ có cơ quan Công an mới có đủ trang thiết bị để xác định chính xác. Đây chính là một bài toán không dễ giải đối với người có thẩm quyền chứng thực nói chung, công chứng viên thực hiện chứng thực nói riêng.
Do vậy, cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế yêu cầu sử dụng bản sao có chứng thực trong đời sống xã hội thì cần quan tâm hoàn thiện các quy định pháp luật về chứng thực tại các Nghị định 23, 110 và 67. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm nhằm lập lại trật tự trong hoạt động chứng thực.