Cần có quy định rõ về thủ tục cưỡng chế
Theo ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn Nghệ An), THAHS đối với pháp nhân thương mại là một nội dung rất khó, hoàn toàn mới, thiếu cơ sở để tổng kết, đánh giá tác động. Tuy nhiên, các quy định tại dự thảo Luật hiện nay khá chung chung, chủ yếu mới dừng lại ở sự phân công mà chưa lường được hết các tình huống sẽ xảy ra trong thực tiễn.
“Tại Điều 173, 177, 180, 184, 189 của dự thảo quy định trường hợp pháp nhân thương mại không chấp hành án thì sẽ xem xét, ra quyết định cưỡng chế hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, nhưng trong dự thảo không quy định thời gian để các pháp nhân thương mại tự nguyện thi hành là bao lâu và ai là người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp này”, ĐB phân tích.
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) nhận định, hầu hết các quy định về thi hành các hình phạt đối với pháp nhân thương mại trong dự thảo Luật còn rất chung chung, khó áp dụng trong thực tế, trong đó có nhiều vấn đề và bỏ trống.
“Đối với pháp nhân bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động thì hậu quả pháp lý của pháp nhân có tồn tại hay không? Việc thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực với các bên liên quan, như bảo đảm quyền lợi của người lao động, thanh toán các khoản nợ cho các bên liên quan… thì được giải quyết như thế nào? Thủ tục và nội dung cưỡng chế thi hành các hình phạt được thực hiện như thế nào?”, ĐB nhấn mạnh và đề nghị cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng đề nghị phải quy định cụ thể trong luật về thủ tục cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại vì đây là một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này. Theo ĐB, việc quy định không đầy đủ, không khoa học, không cụ thể các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại xem như việc sửa đổi Luật chưa đạt được mục đích đề ra.
“Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm về bản chất việc thi hành án cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại chỉ là biện pháp hành chính, tổ chức kinh tế không giống với việc áp dụng hình phạt như đối với các cá nhân, ví dụ như tù, tử hình”, ĐB nói. Theo ĐB Thủy, các biện pháp cưỡng chế pháp nhân thương mại chủ yếu được thực hiện bên ngoài trại giam, trại tạm giam nên cần cân nhắc chuyển giao cho cơ quan THADS tổ chức thi hành “sẽ phù hợp hơn”.
Nên chuyển thẩm quyền cho cơ quan THADS
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đề nghị nên chuyển thẩm quyền THAHS đối với pháp nhân thương mại cho cơ quan THADS bởi một số lý do. Thứ nhất, theo ĐB, hình phạt đối với pháp nhân thương mại bao gồm đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực, phạt tiền, cấm huy động vốn và một số biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.
“Tôi cho rằng thực chất của các hình phạt nêu trên đối với pháp nhân thương mại mang tính chất hành chính dân sự, hay nói cách khác nó nâng cấp của hình phạt về hành chính dân sự, không phải là hình phạt tù. Do vậy, giao cho cơ quan THAHS tổ chức thi hành các hình phạt này không thực sự là phù hợp”, ĐB Xuyền nói.
Bên cạnh đó, ĐB Xuyền cho rằng, việc tổ chức thi hành án của cơ quan THAHS với cơ quan THADS rất khác nhau. Đối với cơ quan THADS được tổ chức đầy đủ từ Trung ương đến cơ sở, gồm Tổng cục THADS, thi hành án tỉnh, thi hành án huyện, thậm chí xuống đến cả các cấp xã cũng phối hợp rất tốt.
Điều này sẽ tạo thuận lợi rất nhiều trong công tác quản lý, theo dõi và tổ chức thi hành án đối với pháp nhân thương mại, khi hoạt động của pháp nhân thương mại đóng trụ sở ở hầu hết tất cả các địa bàn xã, phường, huyện, quận và cấp tỉnh. Do vậy, theo ĐB, nên giao cho cơ quan THADS thi hành sẽ tốt hơn.
Vẫn theo ĐB Xuyền, cơ quan THADS đang thi hành án đối với bản án là phạt tiền. “Việc tuyên bố phá sản trong quy định của Luật Phá sản và cơ quan THADS đang làm. Trong trường hợp phải thi hành án đối với pháp nhân thương mại trong hình phạt là đình chỉ vĩnh viễn thì có rất nhiều nội dung giao cho cơ quan THADS đảm nhiệm chứ không phải cơ quan THAHS.
Do vậy, tránh việc có quá nhiều cơ quan, tổ chức thi hành nên giao tập trung về một đầu mối theo dõi hiệu quả, thuận lợi hơn”, ĐB phân tích.
ĐB Xuyền cũng nhận định việc THAHS đối với pháp nhân thương mại không chỉ cơ quan THAHS tổ chức thi hành mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan khác như cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép hoạt động, ngân hàng, kho bạc…, các cơ quan quản lý khác đối với pháp nhân và hoạt động của pháp nhân.
Do đó, giao cho cơ quan THADS sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong điều kiện phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành. Cuối cùng, ĐB Xuyền cho rằng, cơ quan THAHS nên tập trung vào tổ chức thi hành án phạt tù và nâng cao hiệu quả giáo dục, cải tạo đối với người phải thi hành án phạt tù trong điều kiện quá tải như hiện nay.
“Do vậy, không nên giao cho cơ quan THAHS làm việc về hành chính dân sự. Nó thực sự không phù hợp với chức năng chính của cơ quan THAHS”, ĐB Xuyền nói.