Bài học xương máu từ cơn bão thảm khốc Linda

Bài học xương máu từ cơn bão thảm khốc Linda
Nghe bão vào Cà Mau, nhiều người hồ hởi kháo nhau đi xem vì trăm năm vùng này không có bão. Hậu quả, gần 3.000 người chết và mất tích.

Hôm nay tròn 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành, là bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong ít nhất 100 năm.

Cơn bão trăm năm xuất hiện ở Nam Bộ

Sớm 1/11/1997, một vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam biển Đông, cách quần đảo Trường Sa khoảng 300 km về phía đông đông nam. Trưa cùng ngày, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão - cơn bão thứ năm ở biển Đông, có tên quốc tế là Linda.

Bão di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng tây. Đến sáng 2/11/1997, bão đạt cường độ cấp 9-10 (sức gió tối đa 105 km/h), cách Côn Đảo 100 km về phía đông. Tối và đêm 2/11, tâm bão đi vào Bạc Liêu - Cà Mau, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Sau khi hoành hành trên đất liền Việt Nam, sáng 3/11/1997, bão hướng về vịnh Thái Lan, gây mưa lớn, lũ quét ở Thái Lan làm hơn 100 người thiệt mạng. Bão cũng ảnh hưởng đến Myanmar, Indonesia, Malaysia và Campuchia.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Linda diễn biến nhanh không ngờ. Áp thấp nhiệt đới chỉ trong 12 giờ đã mạnh lên thành bão. Còn các chuyên gia khí tượng đánh giá đây là cơn bão khốc liệt nhất trong vòng ít nhất 100 năm ở Nam Bộ. Bà con đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ phải trải qua việc đối phó với bão, nhất là cơn bão tương tự trước đó.

20-nam-bao-linda-con-bao-tham-khoc-trong-lich-su-viet-nam

Đường đi của bão Linda năm 1997.

Địa phương chủ quan, gần 3.000 người chết và mất tích 

Nhận định bão Linda hiếm thấy, Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã liên tục thông báo và họp khẩn với các địa phương bàn cách đối phó. Thế nhưng, không mấy ai tin vào cơn bão này.

Tại hội thảo nhìn lại 20 năm cơn bão Linda và những bài học kinh nghiệm tổ chức cuối tháng 10, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ kể rằng “bão đổ bộ vào Cà Mau” như chuyện của “những người thích đùa”. Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì vì vùng đất này cả trăm năm nay bình yên, chưa hề có khái niệm về “bão”.

Không chỉ người dân, một số quan chức lúc bấy giờ cũng nghĩ vậy. Được nhận định bão Linda rất mạnh, ông Ngọ đã yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương gọi điện đến tất cả lãnh đạo địa phương để cảnh báo, nhưng họ đều nói “trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng”.

Thậm chí trong một cuộc điện thoại, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương còn nghe được câu trả lời bằng một giọng lè nhè như đang say xỉn: “Biển Tây - biển Kiên Giang là vùng thánh địa, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này”.

“Phê phán họ, nhưng thực tế ở khu vực này hàng mấy chục năm nay không có tình trạng như thế. Lãnh đạo thì chủ quan, dân thì thờ ơ. Mà bão đi ở vĩ tuyến rất thấp, sát với bờ biển, sát với vùng đánh cá, sát với vùng dân ở”, ông Ngọ chia sẻ cảm giác bất lực cách đây 20 năm. 

Ngay sau đó, ông Ngọ cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo bay đến Côn Đảo kiểm tra tình hình. Trước mắt ông là cảnh tượng kinh hoàng với hàng trăm tàu thuyền bị lật chìm, nhà cửa tan hoang, hàng nghìn người dạt vào bờ.

Cơn bão Linda trở thành thiên tai thế kỷ với các tỉnh Nam Bộ. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, các thiệt hại do bão Linda gây ra với 21 tỉnh thành Nam Bộ là “hết sức nặng nề, nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, nhà ở, cơ sở vật chất và mùa màng”.

Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tính, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân. Hơn 3.000 tàu bị đánh chìm. Số nhà bị sập là 107.890, hơn 120.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 320.000 ha diện tích lúa bị ngập. Ước tính thiệt hại vật chất là 7.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cà Mau có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 600 người bị thương.

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi người dân vùng bão Linda

Cơn bão Linda để lại nỗi đau cho hàng chục nghìn người dân Nam Bộ. Trong thư gửi thân nhân các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, các chiến sĩ và lực lượng phòng chống thiên tai ngày 30/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định bão Linda gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt đối với tỉnh Cà Mau.

"Rất nhiều ngư dân và tàu thuyền của đồng bào ta đã nằm lại biển khơi. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, chiến sĩ, lực lượng phòng, chống thiên tai đã nỗ lực ứng phó, khắc phục thiệt hại, giúp đồng bào vượt qua nỗi đau, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống", Thủ tướng viết và gửi lời thăm hỏi, chia sẻ tới đồng bào.

Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda và thực trạng thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, Thủ tướng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đề cao cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Dương Tâm

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.