Xung quanh vấn đề tự chủ ở ĐH Tôn Đức Thắng là bài học đối với nhiều trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, có hai điểm cần nhìn nhận rõ về tự chủ đại học: Thứ nhất, phải quan niệm đúng về tự chủ đại học. Tự chủ đại học là được quyền quyết định căn cứ theo quy định pháp luật mà không phải theo cơ chế xin - cho. Nhưng không phải tự do mà phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Một trường đại học còn phải chịu sự chi phối của nhiều luật: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách và các luật khác. Đây là điểm rất quan trọng.
Thứ hai, các trường thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ở đây, trách nhiệm giải trình không phải chỉ với xã hội mà trách nhiệm còn với nội bộ, cán bộ, sinh viên trong trường, cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch là cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của mình. Nếu các trường thực hiện việc này trong mọi quy định quy chế với các bên liên quan, tôi nghĩ hệ thống đảm bảo được. Đương nhiên, để thực hiện tốt vai trò này thì các trường phải xây dựng tốt thiết chế Hội đồng trường.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng có thiết chế Hội đồng trường nhưng có những vấn đề xảy ra gần đây xuất phát từ hai điểm như trên. Nếu hệ thống hoạt động minh bạch, công khai, dân chủ, cũng như quan niệm về tự chủ đại học đúng đắn hơn sẽ khác. Trường công lập ngoài là một trường đại học còn phải chịu chi phối của luật khác nữa nên phải hết sức lưu tâm…
Hiện nay, mới chỉ có một số trường đại học công lập thành lập Hội đồng trường. Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo cho các trường đại học. Điều này giúp các trường tự chủ và nâng cao năng lực quản trị nội bộ, phát huy được nội lực của mình.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, về cơ bản Luật Giáo dục đại học mới mở ra hành lang pháp lý rất quan trọng cho phép các trường đại học triển khai được quyền tự chủ. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học cũng quy định quyền tự chủ chủ yếu về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy.
Những vấn đề liên quan đến viên chức, tài chính, tài sản lại được quy định ở các luật khác. Trong khi đó, các luật này không được sửa đổi nhanh chóng, đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật 34.
Vừa rồi có một số nghị định liên quan đến Luật Viên chức đã có nội dung theo kịp, đồng bộ với Luật 34 nhưng còn một số điều khoản chưa đồng bộ. Bộ GD-ĐT rất quan tâm vấn đề này vì các trường đại học đang vướng mắc.
Ví dụ như quy định “Ai là người đứng đầu trong một trường đại học” thì quy định về quản lý viên chức chưa hoàn toàn đồng bộ với Luật Giáo dục đại học. Bộ GD-ĐT đã kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện nhằm có những sửa đổi bổ sung để đồng bộ hai luật này.
Về vấn đề tài chính, tài sản trong tự chủ đại học, các trường phải chờ Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 86. Lúc đó, các trường đại học mới thực sự có hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện tự chủ đại học về lĩnh vực tài chính.
Các luật khác, ví dụ như: Luật Đầu tư công được ban hành một số Nghị định. Chúng tôi thấy một số Nghị định mới khá phù hợp. Nhưng điểm nghẽn ở đây chính là Luật Quản lý tài sản công về quy trình thủ tục sử dụng tài sản công trong thực hiện hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết hợp tác với cơ sở doanh nghiệp bên ngoài có quy trình khá phức tạp.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đề nghị để có chỉnh sửa về Luật hoặc Nghị định hướng dẫn để các trường đại học có những quyền tự chủ cao hơn. Qua đó, các trường đại học hoạt động tự chủ hiệu quả hơn để đi đến cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Mặt khác, Bộ GD-ĐT có kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, các trường đại học thực hiện tốt trách nhiệm giải trình của mình, đồng thời áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu. Bộ GD-ĐT có công cụ giám sát để quản lý chất lượng tốt hơn đối với các trường đại học, cao đẳng về tuyển sinh, công tác sinh viên, nghiên cứu. Dữ liệu đó được tích hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia.