Hôm qua, ngồi cà phê với hai ông bạn thân lứa U50 và U60 lâu ngày mới gặp. Ông U50 thì ngồi rầu rầu, mặt mày bí xị, gặng hỏi mãi ổng mới thú nhận là vừa bị vợ đánh ghen một trận tơi bời hoa lá. Hèn chi!
Mình mới kể cho hai ông nghe chuyện bữa nọ, vợ ông U50- cô này vốn là bạn đồng nghiệp khá thân của mình hồi còn làm chung ở công ty cũ- gọi điện thoại trách móc mình là sao chơi thân với ổng, thì thế nào ổng cũng thổ lộ chuyện bồ bịch cho mình, mà mình bao che không báo cho cổ biết.
Trời đất, mình bực quá mới nói: "Tánh anh hồi nào giờ không quan tâm đến chuyện riêng tư gia đình người khác. Đèn nhà ai nấy sáng, mắc giống gì anh phải tìm hiểu chuyện tình cảm của chồng em. Với lại, chuyện "ăn vụng" thì đố thằng đàn ông nào dám đi khoe lung tung, dấu còn hơn mèo dấu "kít" nữa. Em trách anh bao che là sao?". Cô ấy chợt nhận ra mình vô lý, nên xin lỗi rồi ngắt máy.
Ông U60 cười tủm tỉm, nói là cũng bị một cuộc gọi y vậy của vợ ông U50. Ông này thì lập gia đình đã lâu, sống rất có tâm và kinh nghiệm sống phong phú, lại có cái khả năng độc đáo là nhận xét, phân tích tâm lý và tính cách con người rất chính xác, nên bạn bè ai cũng quý mến, nể phục. Ổng kể là ổng có khuyên cô vợ ông U50 như sau: "Anh đồng ý là chồng em làm vậy là hoàn toàn sai. Cho phép anh nói thẳng nhé dù em có giận nhưng anh muốn phân tích thực tế và khách quan cho em hiểu, anh không bênh vực, tán đồng với chồng em kiểu đàn ông bao che cho nhau đâu".
Ông bạn U60 cũng khuyên cô vợ bạn nên nhìn lại bản thân, xem có điều gì chưa đúng với chồng không. "Này nhé, em là con gia đình giàu có dưới quê, kinh tế khấm khá hơn bên chồng rất nhiều. Anh biết em là người phụ nữ tánh tự cường, hướng ngoại, thích nắm quyền, tính cách có phần giống đàn ông. Chồng em thường tâm sự với anh là em không quan tâm đến những suy nghĩ, tâm tư của chồng. Có lúc em đi du lịch đây đó hàng tháng trời, bỏ mặc chồng em ở nhà một mình. Người đàn ông một khi cảm thấy vợ mình không quan tâm đến mình, không hiểu mình thì mang tâm trạng là mình bị bỏ rơi, như một người thừa trong gia đình.
Thêm nữa, việc làm ăn chồng em đang sa sút, nên nó càng mang mặc cảm và buồn bực hơn. Công việc của chồng em là phải đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều người, nhiều giới. Em cũng nên biết là những người đàn ông có chiều sâu nội tâm, có tài, lại ăn nói hoạt bát và có khiếu khôi hài như chồng em là rất thu hút phụ nữ.
Trong hoàn cảnh và tâm trạng chồng em như vậy, chỉ cần một người phụ nữ dịu dàng, luôn quan tâm an ủi và thể hiện sự đồng cảm với tâm trạng của chồng em, là thế nào cũng "phát sinh" chuyện này nọ. Chồng em dù là người sống rất có trách nhiệm với vợ con, nhưng một phút xao lòng vì người phụ nữ kia, dù cô ấy có thể thua sút em về nhiều mặt nhưng lại mang đến cho chồng em sự cảm thông, những chăm sóc tinh tế ân cần, sự dịu dàng đầy nữ tính, là đủ để chồng em sa ngã".
Đàn ông dễ sa ngã khi vợ không quan tâm đến họ. Ảnh minh họa
Ông U60 cũng trách móc cô vợ bạn: "Em có khi nào tự vấn lại bản thân là mình đã làm đầy đủ chức trách của một người vợ hiền chưa? Đâu phải em cứ phụ giúp kinh tế gia đình, sanh những đứa con ngoan, nấu nướng những món ăn ngon cho chồng là đủ. Em và chồng em có khi nào ngồi chuyện trò tâm sự cùng nhau, giải quyết những điều chưa hài lòng về nhau, cùng trải lòng ra để càng hiểu nhau và thương yêu nhau hơn không?".
Ông bạn mình còn cho biết ổng và bà xã mỗi ngày đều tìm dịp ngồi trò chuyện với nhau, đôi khi chỉ là những chuyện vụn vặt, không đầu đuôi, cũng có lúc tranh cải với nhau cho ra lẽ những rắc rối hiểu lầm, có khi chỉ im lặng cùng nghe một bài nhạc mà hai đứa ưa thích hồi mới yêu nhau. Ông bạn mình cũng nhấn mạnh: "Giao tiếp vợ chồng là điều cực kỳ quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình dài lâu. Đừng viện cớ là không có thời gian, đi làm về mệt mỏi, ăn xong chỉ muốn đi ngủ sớm. Sống vì nhau thì sẽ tìm ra những khoảng thời gian dành cho nhau".
Cuối cùng, ông U60 còn nhắc nhở cô vợ bạn: "Em phải nhớ là lòng bao dung, tha thứ sẽ làm người đàn ông ăn năn tỉnh ngộ, chứ em cứ luôn chì chiết, đay nghiến, rồi oán ghét lây họ hàng, anh em, bạn bè của chồng em thì chỉ càng đẩy chồng em ra xa. Em nói là nếu phải ly dị, thì một mình em thừa sức nuôi con, nhưng em có nghĩ là cha mẹ chia tay nhau, con cái có hạnh phúc không? Kinh nghiệm cuộc đời cho anh thấy rất nhiều đôi vợ chồng sau khi đổ vỡ thì con cái buồn chán rồi đâm ra sa ngã, hư hỏng tương lai. Chồng em là người có ăn học, đã biết ăn năn lỗi thì nỗi ân hận vì sai lầm này sẽ giày vò nó suốt cả cuộc đời. Anh nói vậy, em thử suy nghĩ lại xem".
Mình nghe mà tâm phục khẩu phục. Tiếc là mình hổng có vợ để học hỏi và áp dụng những bài dạy của ổng. Nhớ lại hồi trẻ mình cũng khá đào hoa, nên cũng mấy lần bị bạn gái đánh ghen. Có một cô, mình đã biết lỗi, không còn léng phéng nữa, vậy mà cứ đay nghiến mình hoài. Chịu hết xiết, mình đành phải "bye bye" nàng. Còn một cô thì rất thông minh và xử sự rất tinh tế, gặp mình chở một cô mới quen đi chơi, nàng thấy, chạy xe qua mặt xe mình, quay lại cười và nói một câu rất nhẹ nhàng: "Anh đi chơi vui nhé!".
Lần đó, mình tái mét mặt mày, phải lè lẹ chở cô kia trả về nhà, rồi quay lại nhà nàng. Vô nhà thấy nàng đang ngồi ở phòng khách, chỉ nhìn mình với ánh mắt buồn rười rượi và hàm ý trách móc mà không nói tiếng nào. Mình phải mau mau xin lỗi, thành khẩn khai báo rõ đầu đuôi gốc ngọn vụ việc "phạm pháp" và năn nỉ ỉ ôi, ca bài "con cá" nghe lâm li bi đát còn hơn ăn mày xin tiền bá tánh. Năn nỉ ráo nước miếng, khô cuống họng mới được nàng "tha tội".
Từ đó trở đi, mình dẹp luôn ba cái vụ lăng nhăng lộn xộn. Hai cách ứng xử mang lại các kết quả khác nhau: Một đuổi mình đi, một kéo mình quay lại kiểu "lãng tử hồi đầu, tự nguyện ăn năn quy phục". Cái nào hơn?