“Tư duy nhiệm kỳ”
Những ngày đầu tháng 12, miền Trung mưa lớn chưa từng có trong lịch sử, khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng với tổng lượng mưa phổ biến từ 350-402mm. Có thể nói đây là lần đầu tiên tình trạng nước ngập do mưa xảy ra trên diện rộng đồng thời ở Hội An và Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng, xe cộ, đường sá, các trục giao thông lớn và nhà cửa cũng như các chợ trong nội thành đều bị ngập. Báo chí đăng hình ảnh người dân có thể bơi từ nơi này sang nơi khác như bơi trên sông, ngay các trường học trong thành phố đều đóng cửa trong ngày thứ Hai.
Anh nhận định tình trạng ngập nước hay ứ nước trong thành phố khi mưa lớn sẽ còn xảy ra nữa, mà nguyên nhân sâu xa chính là quá trình đô thị hóa.
Đà Nẵng - “Thành phố đáng sống” với tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng hệ thống thoát nước không theo kịp việc xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng tại những tòa nhà. Quá trình đô thị hóa nhanh mà không có quy hoạch bền vững thì các nơi gọi là khu chứa nước điều hòa, lẽ ra mưa dâng lên thì xuống những hồ đó rồi từ từ thoát đi.
Nhưng bây giờ, những hồ đó bị lấp hết cho nên gây ngập ở những chỗ khác. Có lẽ thành phố nên xem xét lại quy hoạch của mình, đồng thời nhanh chóng mở lối để nước mưa thoát nhanh ra biển hay ra sông thì cũng giải quyết được phần nào.
Nhận định của nhiều người có chuyên môn trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, giao thông và môi trường đô thị ở Đà Nẵng dễ nhận được sự đồng thuận.
Quy hoạch sai, thiếu cân nhắc đã dẫn đến hậu quả ngập nước trên diện rộng trong thành phố mỗi khi có mưa lớn. Câu chuyện Bí thư Trương Quang Nghĩa sau khi nhậm chức đã phải mất rất nhiều thời gian “đấu tranh” mở lối cho dân xuống biển cho thấy biết bao nhức nhối.
Đà Nẵng nằm ngay biển, sông Hàn chảy giữa Hải Châu và Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn nhưng bây giờ nước mưa thoát không kịp. Các “họng thoát nước” bị chặn và không tương thích với quá trình đô thị hóa.
KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng nêu ý kiến: Các vùng trũng, công viên, ruộng và các vùng đất thấp khác trước đây vốn chứa nước tự nhiên của Đà Nẵng giờ đã đô thị hóa, san lấp bởi các dự án bất động sản, đắp cao hơn vùng nội thị Đà Nẵng nên gây ngập chủ yếu ở khu vực trung tâm.
Đường phố là để giao thông nhưng thực ra trong quy hoạch đô thị, đường còn nhiều chức năng nữa. Con đường còn là cái lòng máng, lòng cống, là cái mương để cho nước thoát ra bởi vì nước mưa ở trên xuống là chảy luôn ra sông.
Với đường phố như Đà Nẵng thì nước phải chảy ra sông Hàn, ra những bờ sông, bờ hồ, chứ cống không bao giờ đủ sức tiêu những trận mưa lớn. Cống chỉ tiêu những cơn mưa nhỏ và những cơn mưa đầu thôi, còn những cơn mưa sau, nếu lớn lên thì 15 hay 20 phút, nửa tiếng đồng hồ sau thì tất cả nước sẽ chảy trên mặt đường.
Trước kia thành phố Đà Nẵng nhà người ta có vườn, có cây, chung quanh có ruộng, có đồng, có nhiều nơi chứa nước. Bây giờ không còn. Thành phố cũ Đà Nẵng (nội đô Hải Châu) trở thành vùng lòng chảo, nước thì bao giờ cũng chảy vào chỗ trũng cả.
Cho đến lúc này nước ngập tại Đà Nẵng đã rút đi nhưng hậu quả sau đó lại nặng nề vì rác rưởi ứ đọng. Xem ra “đường tới thành phố” không đồng nghĩa với san lấp, chia lô, bán tất cả, kêu gọi các đại gia bất động sản vào đầu tư mà thành phố với ý nghĩa đáng sống phải cân bằng với tự nhiên, có văn hóa và tầm nhìn từ trong quy hoạch đến việc cư xử của cả cộng đồng dân cư đô thị.
Thành phố ven biển cũng bị ngập lụt khi mưa cũng là một nỗi đau, đừng chỉ đổ lỗi cho thiên nhiên, khi thất bại, “bàn tay vô hình” của con người cũng chui lủi, trốn chạy một cách vô hình.
Bài học phát triển bền vững từ các quốc gia
Chắc chắn các chuyên gia quy hoạch từ Trung ương đến các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đều đã sang các nước văn minh, đặc biệt là Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan) học tập kinh nghiệm, “đốt” không ít tiền của. Châu Âu, đặc biệt là Hà Lan, có danh tiếng là môi trường trong sạch từ nhiều năm qua.
Amsterdam có nhiều điểm đáng chú ý mà các thành phố khác trên thế giới cần học hỏi, đó là bài học về chính sách phát triển đô thị bền vững. Đây sẽ là một trong những thành phố đầu tiên bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, bởi vậy bằng nhiều cách khác nhau, các nhà lãnh đạo đã quyết tâm lựa chọn phát triển phương pháp vận chuyển giảm thiểu CO2 và đặc biệt quan tâm đến quy hoạch.
Ngay tại Đông Nam Á, trong các cuộc điều tra khác nhau từ nhỏ đến lớn, Singapore đã liên tục được các chuyên gia hàng đầu thế giới xếp hạng là đô thị năng sống, phát triển bền vững và sống tốt trên toàn cầu.
Họ có bài học gì? Đó là bài học về một quốc gia có tốc độ đô thị hóa đến “chóng mặt” nhưng lại mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng cao trong khi vẫn bảo toàn việc phát triển bền vững.
Các nhà quản lý đô thị Singapore quan niệm “đô thị hóa là quá trình tất yếu, chúng ta không nên lảng tránh mà phải xem đó là những thách thức cho các doanh nghiệp tạo dựng nên hình ảnh đô thị thịnh vượng, sống tốt nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố bền vững với thời gian”.
Quy hoạch sáng tạo, thiết kế thông minh và phát triển bền vững là bài học thực tiễn quý giá của Singapore muốn gửi thông điệp đến các nhà quản lý đô thị trên toàn thế giới.
Singapore có được cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và “thân thiện môi trường” như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm (năm 1971) và được thực hiện cho đến nay. Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 – 10 tầng) và thấp tầng (1 – 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia và Ấn Độ).
Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại…) do Nhà nước đầu tư. Do tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh để giảm chi phí đi lại, tiết kiệm trong sinh hoạt và giải quyết lao động tại chỗ.
Đưa thiên nhiên gần gũi với con người là chủ trương của quản lý đô thị. Tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị để giúp đô thị được “mềm hóa” các khía cạnh “thô cứng” của một khung cảnh đô thị đầy rẫy hàng loạt cao ốc. Bằng cách áp dụng một loạt các chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”… Singapore hiện đang được che phủ mật độ cây xanh thuộc hạng cao nhất thế giới.
Không như các đô thị Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, “hở” ra tí đất nào là bán làm chung cư, cao ốc, nhà kính cao vút trời. Trở lại câu chuyện của Đà Nẵng hay Hà Nội, KS Lê Sỹ Thục - nguyên Giám đốc Vườn thú Hà Nội nói một cách khôi hài: “Mình không thể nâng cái nền của đô thị lên được nữa vì họ ở cả trăm năm nay rồi.
Như vậy chỉ còn cách khác là đào hồ, đào mương thoát nước, phải tìm hồ chứa để những cơn mưa, cơn lũ hay lụt có chỗ chứa trong khi nước triều lên và khi nước triều xuống có chỗ thoát ra. Phải dùng hệ thống máy bơm, tất cả những biện pháp kỹ thuật đều có thể giải quyết được cả”.
Nghịch lý của đô thị Việt Nam, ngay như Hà Nội là khu phố cổ do Pháp quy hoạch trước đây ít khi ngập, nhưng những khu phố mới thuộc Cầu Giấy, Nam và Bắc Từ Liêm đều chưa mưa lớn đã ngập.
Không nên lấp đi các ao, hồ, ruộng và những nơi chứa nước tự nhiên. Nói một cách khác, phải nên bảo vệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan tự nhiên, vốn đã bền vững cả trăm năm nay rồi. Nếu phá vỡ sinh thái tự nhiên, KS Lê Sỹ Thục nhấn mạnh, có nghĩa là phá vỡ tiến trình quy hoạch đô thị. Sẽ đến lúc các đô thị không còn hồ để lấp chăng?