Những chiếc ôtô, xe máy mang nhãn hiệu Honda, từ lâu, đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng ít ai biết được cha đẻ của nó - Honda Soichiro là ai. Với loạt bài tổng hợp từ cuốn sách “Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”, Autonet hy vọng bạn đọc có được cái nhìn khái quát về cuộc đời nhân vật có đóng góp rất lớn trong việc “cải tiến bước di chuyển của con người”.
Từ những bước đi đầu tiên…
Trong sáu năm ở Thương hội Ato, Honda đã học được phần nào kỹ thuật sửa chữa và lái xe ôtô. Ông chủ rất tin dùng nên cho phép cậu mở chi nhánh. Năm 22 tuổi, Honda tự dựng bảng hiệu “Chi nhánh Hamamatsu Thương hội Ato”, khai trương hoạt động sửa chữa xe ôtô ở thành phố Hamamatsu gần quê nhà.
Khi khai trương, ở Hamamatsu, ngoài cơ sở của Honda chỉ có vài xưởng sửa chữa ôtô. Ngày đầu, cái tên “Chi nhánh Hamamatsu Thương hội Ato” nghe có vẻ to lớn nhưng thật ra chỉ là một cơ sở đơn sơ với Honda và thêm một cậu nhỏ học việc. Tuy được gọi là chủ tiệm nhưng thật ra Honda chỉ là cậu thanh niên vừa qua nghĩa vụ quân sự. Thật khó lòng có ai muốn giao việc cho cậu vì họ suy nghĩ: “Cậu ấy còn trẻ như vậy thì làm gì được?”.
Nhưng lần lượt những chiếc xe ôtô nào không sửa được ở các cơ sở khác, khi mang tới cơ sở Honda, sửa xong lại chạy tốt nên bắt đầu có tiếng đồn rằng ở chỗ cậu “bất cứ việc gì cũng sửa được”. Từ đó, công việc bắt đầu đi vào quỹ đạo. Đến cuối năm đó, khi thử kết toán thì chi nhánh của Honda còn lại được đến 80 yên.
Năm đầu tiên lập xưởng, mới 22 tuổi mà được số tiền lãi 80 yên nên Honda rất vui sướng. Vào thời đó, cậu thanh niên trẻ quyết tâm cả đời mình phải để dành được 1.000 yên. Với quyết tâm ấy, Honda làm việc liên tục không ngơi nghỉ. Mặt khác, bản thân cũng thích máy móc và khéo tay nên cậu không ngừng cải tiến, nghiên cứu, chế tạo mọi cái có trong tay. Đối với Honda không gì thú vị hơn thế.
Thời đó căm xe tải, căm xe ô tô chở khách và căm xe các loại xe ôtô khác đều được chế tạo bằng gỗ. Đây là một vấn đề Honda quan tâm nên cậu nghiên cứu việc đúc căm xe bằng kim loại. Sau khi đăng ký sáng chế, giới thiệu ở Hội chợ Quốc tế, căm xe kim loại này được thị trường đánh giá rất cao và còn được xuất khẩu sang tận Ấn Độ.
… đến giai đoạn “bốc đồng” của tuổi trẻ.
Năm 22 tuổi Honda dự định để dành 1.000 yên trong cả đời mình nhưng chỉ vài năm sau, mỗi tháng cậu đã có thể kiếm hơn 1.000 yên. Số công nhân của Honda tăng lên khoảng 50 người, xưởng dần dần được mở rộng. Khi thu nhập tăng cao thì ý tưởng chơi bời hưởng thụ cũng nhiều hơn và ý thức dành dụm cũng tự nhiên biến mất. Khoảng 25, 26 tuổi, Honda đã có xe riêng và có tới hai chiếc, thời đó người ta nể phục gọi là “xe tư”.
Dĩ nhiên là toàn xe của nước ngoài. Honda vẫn thường chở các cô kỹ nữ đi chơi bằng xe đó. Một ngày nọ, cậu chở một cô kỹ nữ trẻ đi Shizuoka để ngắm hoa anh đào. Ngắm hoa rồi uống rượu say, trên đường về, cậu vừa uống rượu vừa lái xe chạy thẳng lên cầu trên sông Tenryu.
Sau khi chạy được một quãng, xe Honda bị lệch tay lái tông vào thành cầu, trong nháy mắt phá hư hai mươi mấy cây trụ thành cầu, nguyên chiếc xe ôtô rơi xuống. Đây đúng là chuyện say rượu lái xe. Nhưng cũng may, cầu không quá cao và xe khi rơi xuống đã kẹt lại trên bờ trước khi rơi xuống sông nên cả Honda và cô kỹ nữ thoát chết. Khi nghĩ lại thời chơi bời với kỹ nữ, nhiều lúc Honda vẫn còn cảm thấy rùng mình về những việc cậu đã làm.
Năm 27 tuổi Honda cưới vợ. Ngày đó, cậu tự mình lái xe ôtô đi đón cô dâu. Người làng vợ Honda hỏi nhau: “Lấy chồng tài xế à” và có ý rất nể trọng vợ cậu. Thời đó, rất hiếm người có xe riêng, nên thời đó tài xế thường được gọi là “ông tài”.
Chế tạo xe đua và thoát chết khi đua xe
Khi còn trẻ, ngoài công việc Honda còn có thú tiêu khiển là chế tạo thử nhiều loại máy móc. Sưu tầm, đụng chạm với máy móc vốn là đam mê của cậu. Chở các công nhân trẻ và các cô kỹ nữ trên thuyền máy tự mình chế tạo, chạy vòng quanh hồ Hamana cũng là cái thú của Honda. Trong những thứ máy móc cậu chế tạo khi rảnh rỗi thì không thể không nói đến xe ôtô đua.
Ông chủ của Honda trước đây ở Thương hội Ato (Tokyo) vốn thích xe ôtô đua (racer) nên bảo cậu chế tạo thử. Đầu tiên Honda chế tạo khung xe từ sườn xe hơi cũ hiệu Dailmer Benz Auckland sử dụng tại xưởng pháo binh. Sau đó, cậu đã chế tạo được hai xe từ việc cải tạo lại động cơ Curtiss mua lại của trường Hàng không ở Tsudanuma (Chiba). Xe đua này chạy rất khỏe.
Tất cả những việc này giải thích lý do tại sao khi trở lại Hamamatsu, hễ có thời gian rảnh là Honda lại cặm cụi chế tạo xe đua. Trong lòng cậu lúc nào cũng nôn nóng đến ngày được chạy thử trong cuộc đua thực tế.
Ngày mong đợi đã đến, Honda tham gia vào cuộc đua xe ôtô dọc theo bờ sông Tamagawa Tokyo. Có thể nói đây là cuộc viễn chinh từ Hamamatsu. Cậu đã tham gia nhiều cuộc đua với một số lần đoạt giải vô địch. Tháng 7 năm Chiêu Hòa 11 (1936), Honda tham gia giải đua tốc độ xe ôtô toàn quốc Nhật Bản tại Tamagana. Honda tự lái chiếc xe do mình chế tạo vượt hơn tốc độ 120 km/h chạy gần về tới đích nhưng ngay ở những giây phút cuối cùng thì một chiếc xe đang sửa chữa từ bên đường đâm ra, đụng vào xe cậu.
Trong tích tắc, xe của Honda quay lộn ba vòng trên không như con chuồn chuồn. Cậu có cảm giác thân bị va đập mạnh, tầm nhìn hoàn toàn bị đảo lộn, bị hất tung lên, văng ra khỏi xe và đập mạnh xuống đất, bị hất lên lần nữa và bất tỉnh.
Tỉnh lại trên giường bệnh viện, Honda có cảm giác đau nhức dữ dội toàn mặt mũi. Cậu đã được đưa vào bệnh viện bằng xe cấp cứu. Với nửa mặt bên trái bị giập nát, cánh tay phải gãy rời khỏi bả vai, cổ tay bị gãy. Em trai Honda ngồi ở ghế phụ lái cũng bị thương nặng, xương sườn bị gãy bốn cái. Cô y tá kinh ngạc nói: “Thật chỉ có trời phật phù hộ nên cả hai người mới sống sót”.
Vết thương đó sau này vẫn còn ở cạnh mắt trái của Honda. Xe đua lúc đó là chiếc xe Ford được cải tạo lại. Tốc độ120 km/h cậu đã lái là kỷ lục mới của toàn quốc. Vì tai nạn, bỏ lỡ cơ hội vô địch nhưng Honda vẫn nhận được giải đặc biệt.
Thêm bước chuyển mới
Năm 28 tuổi, Honda đóng cửa xưởng sửa chữa ôtô đang phát triển, thành lập Công ty cổ phần cơ khí chính xác Tokai Seiki, bắt đầu chế tạo bạc piston. Honda đưa ra lí do: những người thợ làm việc cùng anh đã chuyển sang kinh doanh thoát ly riêng, trong khi đó, số lượng ôtô không tăng nhanh hơn, nếu cứ tiếp tục sửa chữa, Honda sẽ phải cạnh tranh với chính mình. Hơn nữa, việc sửa chữa cuối cùng vẫn chỉ là sửa chữa, dù có tài giỏi đến đâu cũng không có khách hàng nào từ Tokyo và Mỹ đến để đặt hàng. Đây cũng có thể nói là bước đầu thay đổi từ sửa chữa sang chế tạo.
Thời gian đầu, ý tưởng chế tạo piston của Honda bị nhiều người phản đối. Trong thời gian đi chữa bệnh, có lúc cậu đã nhụt chí. Honda quyết tâm trở lại ngay sau khi nghe lời khuyên từ người cha đáng kính. Hàng ngày, cùng với giám đốc điều hành Miyamoto, Honda miệt mài nghiên cứu kỹ thuật đúc đến hai, ba giờ khuya. Tóc tai dài thườn thượt, cậu phải gọi vợ đến tận xưởng cắt tóc cho để không mất thời gian, khi mệt thì uống ít rượu rồi nằm lăn ra ngủ trên sàn bên cạnh bếp lửa. Tình cảnh đó kéo dài trong nhiều tháng, có lẽ trong cả cuộc đời Honda đây là giai đoạn gian khổ nhất, lấy đêm làm ngày, kiệt tâm kiệt sức nhất.
Tiền dành dụm cũng gần cạn, đến đồ tư trang của vợ cũng phải đem đi cầm. Dẫu vậy, Honda vẫn cắn răng chịu đựng vì nghĩ rằng nếu bỏ giữa chừng thì nhiều người sẽ chịu cảnh chết đói. Mọi việc như bị dồn ép vào đường cùng.
Đến lúc việc thất bại đã rõ ràng Honda mới hiểu nguyên nhân là do cậu còn thiếu những tri thức cơ bản về ngành đúc. Cậu hiểu rằng mọi việc sẽ phải làm lại từ đầu để có thể nhảy vọt một bước dài hơn. Với suy nghĩ như vậy, Honda nhờ giáo sư Adachi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hamamatsu lúc bấy giờ cho phép cậu học dự thính tại Trường Cao đẳng công nghệ Hamamatsu.
Trong giờ học hầu hết các học sinh khác thường ghi chép tất cả lời nói của thầy, riêng Honda trong đầu chỉ nung nấu đến việc nghiên cứu để chế tạo thành công bạc piston và tìm ra nguyên nhân thất bại, cho nên cậu chẳng quan tâm ghi chép lời giảng. Những gì cậu học hỏi được trong giai đoạn này rất hữu ích, nó là cơ sở khi Honda phải suy nghĩ tìm hiểu một vấn đề gì hoặc cách giải đáp được những băn khoăn về kỹ thuật nào đó.
Ngày mà nhóm của Honda chế tạo thành công bạc piston đúng theo tiêu chuẩn là ngày 20/11/1937. Honda nhận được đơn đặt hàng ba vạn sản phẩm cho xe ôtô Toyota, nhưng khi giao năm mươi cái để kiểm tra chất lượng thì chỉ có ba cái đạt tiêu chuẩn. Phải nói, đây là một kinh nghiệm đau xót không thể nào quên.
Mất khoảng hai năm, cuối cùng sản phẩm của Công ty mới đạt tiêu chuẩn giao hàng cho Toyota. Với kết quả này, công ty cổ phần cơ khí của Honda được Toyota đầu tư vốn 40% để thành lập công ty chế tạo với tổng số vốn 120 vạn yên, chính thức đưa vào sản xuất bạc piston. Không chỉ chế tạo piston xe ôtô mà công ty còn chế tạo linh kiện cho máy bay hay tàu hải quân. Đặc biệt, Honda đã tập trung xây dựng thành công dây chuyền sản xuất tự động sản xuất bạc piston. Từ kinh nghiệm này, khi chiến tranh kết thúc đã tạo điều kiện cho Honda sản xuất xe gắn máy ở quy mô lớn.
Giấc mơ thành hiện thực với xe Dream
Sau chiến tranh, sự nghiệp chế tạo bạc piston của Honda hoàn toàn chấm dứt. Công ty Toyota đề nghị Honda chế tạo phụ tùng cho Toyota nhưng cậu kiên quyết từ chối và bán toàn bộ cổ phiếu của mình cho Toyota. Trong chiến tranh, phải cam phận làm dưới trướng đại gia Toyota, nay chiến tranh chấm dứt Honda nhận ra đây là dịp để có thể làm những việc tự lập, phát huy cá tính riêng của mình.
Tiền nhận được từ việc bán cổ phiếu Công ty cơ khí chính xác Tokai Seiki là 450.000 yên. Số tiền này có thể làm vốn để đầu tư công việc gì đó nhưng lúc đó Honda cũng khó lòng tính ngay được. Trong thời loạn lạc cũng phải chấp nhận thua thiệt, suy nghĩ như vậy nên Honda đã trải qua một năm sống vui chơi, thổi sáo trúc qua ngày. Nhiều người nghĩ Honda là kẻ thua cuộc.
Thật ra tuy vui chơi nhưng trong tim Honda lúc nào cũng âm thầm suy nghĩ, tìm bước đi tiếp. Và cái mà Honda bắt tay đầu tiên là chế tạo là máy dệt, tiếp đó cậu mua nhà xưởng, thành lập Trung tâm Nghiên cứu kĩ thuật Honda. Tuy nhiên, với sức tiêu xài chơi bời nên việc chế tạo không đủ để bù đắp. Vì thế, Honda phải bỏ việc chế tạo máy dệt và nghĩ đến việc chế tạo xe gắn máy. Honda ra sức thu mua các loại động cơ nhỏ từ những máy thông tin quân đội sử dụng trong chiến tranh với giá rẻ rồi cho gắn vào xe đạp là có thể chạy rất tốt. Cuối cùng, chiếc xe này được người sử dụng rất ưa chuộng. Trong hoàn cảnh chiến tranh, phương tiện giao thông thiếu thốn, mọi người phải chen chúc trên xe lửa, xe buýt thì xe đạp gắn động cơ bán chạy như tôm tươi. Động cơ trong kho để lắp vào xe không đủ để đáp ứng yêu cầu của khách.
Bản thân vốn thích chế tạo máy móc, nên trong hoàn cảnh này, Honda nghĩ ngay là phải chế tạo động cơ. Động cơ máy làm ra trong bối cảnh như thế cơ bản là động cơ xe gắn máy Honda hiện nay. Về việc chế tạo xe gắn máy thì ngay chính những người thân và bạn bè Honda cũng có nhiều ý kiến và đánh giá khác nhau, thậm chí có người phê phán: “Vào thời đại xăng nhớt hiếm hoi như thế này thì làm gì có người dùng xe gắn máy”.
Nhưng riêng Honda vẫn chủ trương bắt tay vào việc chế tạo động cơ vì: “Chính trong thời đại thiếu xăng như vậy cho nên xe gắn máy hoạt động ít tốn xăng là nhu cầu bức thiết”. Tuy nhiên, xe đạp gắn động cơ thì đương nhiên chạy chậm và không chạy lâu bền được. Cho nên Honda quyết tâm phải làm xe gắn máy có công suất mạnh với khung sườn chắc chắn và chịu lực.
Tập trung trí tuệ và năng lực của toàn thể nhân viên Trung tâm nghiên cứu, Honda chế tạo thành công xe gắn máy mang tên Dream vào năm 1949. Tên “Dream” có nghĩa là “Giấc mơ” của Honda đối với tốc độ. “Giấc mơ” của Honda đã trở thành hiện thực!
(Tổng hợp từ cuốn sách “Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”. Bản tiếng Nhật: Yume O Chikara Ni. Người dịch: Nguyễn Trí Dũng)