Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Ngô Văn Khánh vừa ký ban hành thông báo Số: 3173/TB-TTCP, kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Nội dung Thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản VRG và một số đơn vị thành viên. TTCP tập trung thanh tra một số nội dung về việc: tăng vốn điều lệ năm 2010 và 2011; quản lý đầu tư tài chính dài hạn trong và ngoài ngành nghề kinh doanh chính; quản lý doanh thu, chi phí; quản lý đầu tư xây dựng và đất đai.
Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt đã tăng vốn điều lệ
TTCP đã phát hiện, Hội đồng thành viên VRG đã quyết định tăng vốn điều lệ năm 2010 và năm 2011 cho VRG và các đơn vị thành viên trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa đúng quy trình về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt tăng vốn điều lệ.
Cụ thể là, VRG đã tăng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam 500 tỷ đồng; Tăng vốn điều lệ 3 công ty TNHH MTV với lý do cấp bù vốn thiếu 507,587 tỷ đồng; Khoản đầu tư tài chính dài hạn ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính 133,117 tỷ đồng; Khoản trả nợ lãi vay ngân hàng 120,6 tỷ đồng; Các khoản VRG góp vốn vào 08 Công ty cổ phần (CTCP) thuộc ngành nghề kinh doanh chính năm 2010 là 345,835 tỷ đồng, năm 2011 của 20 CTCP là 1.491,871 tỷ đồng. Tổng cộng là 1.837,706 tỷ đồng.
Ngoài ra, VRG đã quyết định tăng vốn điều lệ để góp vốn vào các Công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính chưa đúng thẩm quyền với tổng giá trị 3.540,5 tỷ đồng (08 công ty năm 2010 trị giá 557,5 tỷ đồng và 20 công ty năm 2011 trị giá 2.983 tỷ đồng).
TTCP đã chỉ rõ, lợi nhuận được chia trên phần vốn nhà nước tăng vượt vốn điều lệ năm 2010 là 543,2 tỷ đồng, năm 2011 là 5.819 tỷ đồng, tổng cộng 6.362,162 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tăng vốn điều lệ.
Buông lỏng quản lý, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn
Về quản lý đầu tư tài chính dài hạn, Công ty mẹ - VRG đã đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591,01 tỷ đồng; CTCP Cao su Phước Hòa vượt 113,339 tỷ đồng, chuyển nhượng cổ phần đã đầu tư không đúng quy định tại CTCP Cao su Tây Ninh, CTCP Cao su Phước Hòa.
Việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án trồng mới cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng bị buông lỏng cả về cơ chế và công tác quản lý điều hành, dẫn để xảy ra nhiều sai phạm từ khâu khảo sát, lập, trình duyệt và thực hiện dự án, hậu quả gây ra thiệt hại lớn về kinh tế.
Cụ thể, việc phê duyệt đơn giá tối đa 520 USD/ha làm cơ sở cho các đơn vị thành viên căn cứ thực hiện san nhượng đất cho các dự án phát triển cao su thiếu căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế. Điều này dẫn tới nhiều đơn vị, dự án ký hợp đồng sang nhượng với nhiều đơn giá khác nhau, làm tăng chi phí đầu tư.
“Những việc làm nêu trên thể hiện sự chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, thiếu chặt chẽ, buông lỏng trong quản lý chi phí đầu tư, dẫn đến rủi ro trong thanh toán, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn”- TTCP khẳng định.
Bài 2: Đầu tư ngoài ngành bừa bãi