Ngày 10/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa bị cáo Lê Quang Huy Phương ra xét xử phúc thẩm về tội “Cố ý gây thương tích”, “Hiếp dâm” và “Giữ người trái pháp luật”. Bị hại trong vụ án là chị D.H.T.T (nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Huế).
Đình chỉ xét xử đối với tội “Hiếp dâm”
Sau khi nghị án, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế xét thấy ngày 9/9/2021 chị T có đơn đề nghị rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và rút kháng cáo. Căn cứ các quy định pháp luật, HĐXX phúc thẩm chỉnh một phần bản án sơ thẩm, và đình chỉ vụ án đối với tội “Hiếp dâm” do người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu khởi tố, không phải do lỗi của cấp sơ thẩm.
Xét kháng nghị của VKSND TP Huế đối với 9% tỷ lệ tổn thương cơ thể chị T, HĐXX phúc thẩm cho rằng tại công văn 447 của Viện pháp y Quốc gia, Bộ Y tế, Thông tư 20, tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được tính theo phương pháp cộng nên 9% là đúng. Do đó cần chấp nhận kháng nghị của VKSND TP Huế, sửa một phần bản án sơ thẩm để xác định bị cáo Phương gây thương tích cho chị T với tỷ lệ 37%.
Trước đó, cấp sơ thẩm là TAND TP Huế nhận định bản KLGĐPY về tình dục của Trung tâm Pháp y của tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết luận chị Thủy đa tổn thương phần mềm trên thân thể: mặt, cổ, ngực lưng gây bầm tụ máu, dập cơ… thương tích là 9%. Tuy nhiên, theo Thông tư của Bộ Y tế, thì không có quy định xếp tỷ lệ thương tích đối với thương tích bầm tím, sưng nề nhưng giám định viên đã áp dụng 1 vùng bầm tím sưng nề tương đương với 1 vết sẹo là không đúng quy định. Do đó, HĐXX sơ thẩm không chấp nhận bản KLGĐPY ngày 25/9/2019 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế, chấp nhận KLGĐPY về 31%.
Theo tuyên án của cấp phúc thẩm, mặc dù thương tích bị cáo đã gây ra cho bị hại được chấp nhận thêm 9% nhưng không làm thay đổi khung hình phạt mà cấp sơ thẩm đã xét xử”, lời chủ tọa. Do đó, HĐXX thấy không cần thiết tăng khung hình phạt với bị cáo, giữ nguyên mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên bởi bị cáo có tình tiết giảm nhẹ mới.
Ở tội “Giữ người trái pháp luật”, HĐXX cho rằng khi chị Thủy chạy ra khỏi phòng, Phương chạy theo kéo lại vào phòng. Nhiều lần chị Thủy xin về nhưng Phương khống chế, không cho chị Thủy về. “Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội “Giữ người trái pháp luật” như án sơ thẩm đã khẳng định là có căn cứ, không oan”, bản án phúc thẩm nêu.
Do đó, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên bị cáo Phương 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Giữ người trái pháp luật”. Tổng hợp hình phạt là 5 năm 2 tháng tù.
Theo chia sẻ của luật sư Trương Quốc Hòe – người bảo vệ quyền và lợi ích cho bác sỹ Phương, trong đơn đề nghị rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và rút kháng cáo gửi tới TAND tỉnh Thừa Thiên Huế và VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế, chị T viết: “Tôi tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi tố vụ án, rút toàn bộ yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với anh Lê Quang Huy Phương, rút toàn bộ kháng cáo đối với bản án sơ thẩm của TAND TP Huế…”.
“Việc rút đơn của chị Thủy là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, không bị cưỡng bức”, luật sư Hòe nói thêm và cho biết mọi hành vi, tội danh và hình phạt đối với tội “Hiếp dâm” mà cấp sơ thẩm tuyên sẽ không còn.
Tổn thương bầm dập để lại sẹo trong như vết chai tay?
Trước đó, trong quá trình xét hỏi, luật sư Đỗ Văn Nhặn – bảo vệ quyền và lợi ích cho bác sỹ Phương đã hỏi ông An về bản ảnh mà VKS trình chiếu trước đó. Theo luật sư Nhặn, có một số thương tích đã chuyển màu vàng, chắc chắn không để lại sẹo, vậy ông An căn cứ vào cơ sở khoa học nào, quy định nào để đánh giá những vết đã chuyển màu vàng sẽ để lại sẹo, để xếp tỷ lệ tổn thương cơ thể trong khi bệnh nhân đang điều trị. Ông An nói rằng màu vàng đó là tổn thương bầm dập cơ, thoái hóa, để lại sẹo trong giống như vết chai lâu ngày.
Sau đó, luật sư Nhặn đã dẫn lại lời khai của ông An tại phiên tòa ngày 27/11/2020, khi chủ tọa hỏi: Trong thông tư 20 có quy định nào quy định các vết thương bầm tụ máu dập cơ có xếp tỉ lệ tổn thương cơ thể không. Khi đó ông An đã nói: “Đối chiếu với Thông tư 20 thì không có nhưng chúng tôi sử dụng biện pháp tương đương mặc dù đối chiếu thông tư không có quy định cụ thể nhưng rõ ràng tổn thương bầm tụ máu là có thật”.
Quá trình thẩm vấn giám định viên, luật sư Nhặn còn dẫn đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới việc vì sao chị Thủy khai không bị đánh vào ngực nhưng lại có tổn thương ở ngực; cơ quan điều tra có cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế không; có phải thời điểm đó do áp lực mạng xã hội nên việc giám định nóng vội, chưa chính xác không…
Theo bản án sơ thẩm, trưa 17/9/2019, Phương gọi điện cho một nữ bác sĩ nhờ người làm thay chị Thủy và bảo chị Thủy lấy liều thuốc đẹp da đem đến quán cà phê “Nhà” ở tầng 1, dãy nhà B, Khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế) cho mình.
Sau khi nhận thuốc đẹp da, chị Thủy điều khiển xe máy đến quán cà phê “Nhà” để giao cho Phương. Khi đến nơi, chị Thủy nhìn vào quán nhưng không thấy Phương nên chị Thủy đi theo đường cầu thang để lên phòng Phương. Trước khi lên gặp Phương, chị Thủy đã lấy điện thoại của mình, bật chế độ ghi âm, để vào túi áo khoác đang mặc trên người.
Khi đến trước cửa, chị Thủy thấy Phương đứng trước cửa phòng liền chào hỏi và nói: “Dạ, thuốc đẹp da phải không anh”, Phương liền bảo chị Thủy vào phòng nói chuyện. Theo cáo buộc, sau đó Phương đã có hành vi khống chế, dùng vũ lực với chị Thủy nhằm giao cấu trái với ý muốn của chị Thủy. Khi chị Thủy chạy thoát ra khỏi phòng, Phương đuổi theo bắt chị Thủy đưa vào phòng, đánh vào mặt chị Thủy. Theo cơ quan chức năng, chị Thủy bị tổn hại 37% sức khỏe.