Căn bệnh ung thư này không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng. GS.TS Nguyễn Bá Đức nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đã có phần chia sẻ về cách phòng ngừa và cách phát hiện căn bệnh ung thư vú đáng sợ ở chị em.
Ung thư vú đứng đầu top ung thư chị em hay gặp nhất
Nếu như ở đàn ông, ung thư phổi chiếm số ca mắc cao nhất thì ở nữ giới lại thường hay mắc phải ung thư vú. Số liệu cho thấy, các ca mắc ung thư vú ở chị em ngày một tăng nhanh từ 5.538 ca (2005) lên 12.533 ca (2010), đứng đầu bảng trong danh sách các bệnh ung thư có thể gặp ở nữ giới. Cùng với ung thư vú, ung thư cổ tử cung chiếm 5.664 ca mắc (2010), ung thư buồng trứng có 2.185 ca mắc (2010).
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư vú. Tuy nhiên, những yếu tố về tiền sử gia đình (thực tế, có khoảng 5-10% bệnh nhân bị ung thư vú là do di truyền), hay việc có kinh sớm, chửa đẻ lần đầu sau tuổi 30, hay khoảng thời gian có kinh đến khi mãn kinh nhiều hơn 40 năm, hoặc việc có kinh muộn đều là những yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến ung thư vú. Ngoài ra, những người béo phì, những chị em sống độc thân, không sinh đẻ, không nuôi con bú cũng có nhiều nguy cơ dễ bị mắc căn bệnh đáng sợ này.
Biểu hiện hay gặp nhất của ung thư vú là xuất hiện một khối bướu hay một chỗ dày cứng lên không đau ở vú. Sau đó, dựa vào kích thước khối u, mức độ di căn hạch nách, tình trạng di căn xa hay gần mà chia ung thư thành từng giai đoạn: 0, I, II, III, IV.
Giai đoạn 0 là ung thư tại chỗ, chưa có di căn hạch. Giai đoạn càng cao khi u càng to hoặc di căn hạch càng nhiều. Giai đoạn IV là giai đoạn cuối bất kể u to hay nhỏ, hạch di căn nhiều hay ít nhưng đã có di căn xa vào xương, phổi, gan, não… vì thế bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng toàn thân. Ung thư vú có thời kỳ “tiền lâm sàng” kéo dài tới 8-10 năm. Đây là thời gian để một tế bào ung thư vú đầu tiên trở thành một khối u có đường kính 1cm (tương đương 1 tỉ tế bào) để có thể sờ thấy.
Bác sĩ chỉ cách tự khám vú để phát hiện ung thư
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, rất nhiều ca ung thư vú được phát hiện là do chính người bệnh, khi họ nhận thấy một sự thay đổi ở tuyến vú. Do đó, phụ nữ từ 20 tuổi trở lên đều có thể tự khám vú để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Vì nếu được chữa trị sớm, căn bệnh ung thư vú sẽ không còn là mối đe dọa lớn với sức khỏe người bệnh.
Việc khám vú cần diễn ra mỗi tháng một lần sau khi sạch kinh nguyệt. Chị em đứng hoặc ngồi trước gương, hai tay để xuôi sau đó quan sát các thay đổi ở vú: u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da. Sau đó, đưa tay ra sau gáy rồi quan sát lại. Chống hai tay lên hông, làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hay hạ vai xuống. Động tác này làm cho các thay đổi nếu có sẽ rõ hơn. Quan sát ở cả tư thế chính diện và nghiêng.
Sau khi quan sát, chị em có thể tự sờ nắn để kiểm tra kỹ hơn những bất thường ở bầu vú. Chị em có thể ngồi để kiểm tra hoặc kiểm tra khi nằm. Cụ thể, ở tư thế ngồi, chị em đưa tay phải ra sau gáy, dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay (trỏ, giữa, áp út, út) đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú trở ra ngoài rồi kiểm tra từng vùng của vú và cả nách. Sau đó lăn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra không.
Ở tư thế nằm, chị em nên nằm ngửa ở tư thế thoải mái, dưới lưng bên trái đặt một gối mỏng rồi tiến hành tự khám vú trái bằng các thao tác như ở buồng tắm. Sau đó, chuyển gối sang dưới lưng bên phải, tiến hành khám vú phải theo các thao tác tương tự. Cùng với việc tự khám vú tại nhà, phụ nữ ngoài 40 tuổi nên khám vú tại các cơ sở y tế chuyên khoa 1 năm/1 lần, kết hợp với tìm hiểu bệnh sử, tiền sử của bản thân và gia đình.
Việc tự khám để phát hiện sớm bệnh ung thư vú là cần thiết, tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh. Các chuyên gia y tế cho biết, để phòng bệnh ung thư vú thì cần phải phòng ngừa, giảm tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư như thuốc lá, rượu, bức xạ. Bên cạnh đó là chú ý các vấn đề về dinh dưỡng. Ăn những thực phẩm đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh.
Một chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vú khỏi các tác nhân gây bệnh. Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng, những phụ nữ có nồng độ carotenoid trong máu cao nhất có nguy cơ bệnh ung thư vú thấp hơn 19% so với những người có mức thấp nhất. Vì thế, phụ nữ có thể bổ sung carotenoid có trong trái cây và rau quả như rau lá xanh, cà rốt và ớt đỏ; trong rau họ cải; cà chua...
Ngoài ra, nên hạn chế các loại thịt chế biến, thịt đỏ và sử dụng nhiều ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm thiểu rủi ro của tất cả các loại ung thư, tránh ăn quá nhiều chất béo, ăn mặn, ăn quá ngọt, ăn nhiều mì chính, tăng cường tập thể thao. Chị em cũng đặc biệt chú ý các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh tình dục. Không nên đẻ sớm trước 20 tuổi hoặc đẻ muộn sau 40 tuổi. Không đẻ nhiều, hạn chế dùng thuốc tránh thai. Quan hệ tình dục an toàn và chú ý bảo vệ sức khỏe sinh sản.