Việc soạn thảo, thông qua, phê duyệt hương ước, quy ước đã đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Quy chế dân chủ ở cơ sở và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03. Theo đó, sau khi Quy ước được thông qua tại hội nghị toàn dân tại thôn, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ký xác nhận vào trang cuối của Quy ước trình UBND cấp xã xem xét. Chủ tịch UBND cấp xã và Chủ tịch MTTQ xã xem xét nội dung của hương ước, bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi, thống nhất với Chủ tịch HĐND cùng cấp về nội dung trước khi gửi Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thẩm định trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có 474 bản hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung.
Thông qua việc xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, làm cho nhân dân phấn khởi tích cực thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan... góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các thôn, làng, khu phố đã chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Thanh niên nam nữ kết hôn đúng tuổi quy định; đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân xã; không được tảo hôn…; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hương ước, quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ. Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện các hương ước, quy ước trên từng khu dân cư không những góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ đắc lực cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, các hương ước, quy ước được triển khai, thực hiện nghiêm túc. Các phong tục tập quán tốt đẹp cổ truyền của thôn, làng, khu phố, dòng họ ngày càng được duy trì và phát huy. Hầu hết các đám cưới, đám tang, mừng thọ được tổ chức trang trọng và tiết kiệm không phô trương, đặc biệt đã loại bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; lăn đường, lăn huyệt, gọi hồn, yểm bùa khi tổ chức đám tang…. Các lễ hội cơ bản được tổ chức đảm bảo đúng nghi lễ, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống.
Ngay từ khi chỉ đạo xây dựng quy ước trong toàn tỉnh năm 2002 – 2003, trên cơ sở làm điểm tại một số địa phương, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các địa phương khi xây dựng quy ước phải có quy định nội dung về chính sách dân số và việc thực hiện chính sách dân số. Về thực tiễn, các quy ước thôn, làng, khu phố xây dựng thời kỳ này đã tuân thủ nghiêm túc nội dung định hướng về chính sách dân số, 100% quy ước có nội dung quy định này. Qua theo dõi, đánh giá việc thực hiện nội dung này của quy ước tương đối tốt, các trường hợp vi phạm bị xử lý đều chấp thuận cho thấy ở thời kỳ này, bên cạnh quy định của pháp luật, của Đảng về xử lý vi phạm chính sách dân số thì quy ước cũng cho thấy hiệu quả nhất định trong việc thực hiện.
Từ thực tiễn xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là việc lồng ghép chính sách dân số trong các bản quy ước cho thấy:
Thứ nhất, ở đâu và khi nào có sự quan tâm và hiểu đúng về chính sách, pháp luật thì tinh thần của chính sách và pháp luật mới được phản ánh vào trong các cách xử sự của người dân thông qua quy ước (do người dân xây dựng lên và tự nguyện áp dụng) thì ở đó chính sách dân số mới được hiểu đúng và thực hiện đúng.
Thứ hai, khi chính sách có sự thay đổi thì cần có sự tuyên truyền, phổ biến kịp thời, phù hợp.
Thứ ba, trong lồng ghép chính sách dân số vào quy ước cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan liên quan, đặc biệt là của cơ quan tư pháp, văn hóa, mặt trận tổ quốc...
Hiện nay, theo tinh thần chung định hướng về quy ước theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Chỉ thị 24 năm 1998, nội dung về chính sách dân số tiếp tục được đề cập theo hướng phù hợp với chính sách về dân số mới được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 thông qua và dự thảo Luật Dân số.
Điều đó đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mới nội dung này trong các bản quy ước thôn, làng, khu phố cần phải tiếp tục đặt ra và phải được quan tâm, chỉ đạo nghiêm túc để phát huy tác dụng trong thực tế. Muốn làm được điều đó, các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt người dân ở cơ sở phải được thông tin đầy đủ, đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt chính sách, đồng thời tự mình xây dựng lên những quy tắc xử sự phù hợp trong cộng đồng dân cư thông qua việc xây dựng và thực hiện quy ước thôn, làng, khu phố. Góp phần thực hiện chính sách dân số, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.