Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 120 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 02 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và di tích An toàn khu Chợ Đồn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 07 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 62 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, trong đó chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình, tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 08 di tích cấp quốc gia gồm: Di tích Đèo Giàng, xã Lãng Ngâm; địa điểm lưu niệm Bác Hồ ở Hoàng Phài, xã Cốc Đán (Ngân Sơn); di tích Nà Pậu, xã Lương Bằng; di tích Khuổi Linh, xã Nghĩa Tá; di tích Bản Ca, xã Bình Trung (Chợ Đồn); di tích động Nàng Tiên (Na Rì); đồn Phủ Thông (Bạch Thông); động Áng Toòng, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) với tổng kinh phí thực hiện hơn 26,3 tỷ đồng.
Nhằm đưa các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trở thành lợi thế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Bắc Kạn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, ngăn chặn các hành vi xâm phạm di tích. Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, văn hóa bằng các ấn phẩm, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.
Ngoài ra, trong thời gian tới, tỉnh cũng tiến hành đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di tích, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về di tích…
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật; xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.
“Đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch
Di tích cấp Quốc gia động Nàng tiên tại huyện Na Rì đã được tu bổ, tôn tạo |
Hiện nay, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được khai thác, phục vụ du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm như: Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể, động Nàng Tiên, động Hua Mạ; các di tích lịch sử Nà Tu, ATK Chợ Đồn, đồn Phủ Thông, di tích Đèo Giàng...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng di tích có giá trị du lịch được trùng tu, tôn tạo còn ít. Một số di tích đã được tu bổ, tôn tạo nhưng chưa thể khai thác, phát huy giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Bắc Kạn cũng chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch. Việc xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh còn ít. Ngoài ra, khó khăn về giao thông cũng là một "điểm nghẽn" của du lịch Bắc Kạn.
Với những khó khăn, hạn chế trước mắt, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều động thái tích cực nhằm “đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch kỳ quan hồ Ba Bể.
Hồ Ba Bể được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp, với những dãy núi đá vôi bao bọc xung quanh và thảm thực vật vô cùng phong phú. Ba Bể được biết đến là một trong số những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất, được UNESCO xếp vào top 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ và phát triển. Nằm trong khu vực xã Nam Mẫu thuộc các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc và các xã Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Hoàng Trĩ, hồ Ba Bể có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn.
Để phát triển du lịch hồ Ba Bể, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh xác định phương hướng, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch hồ Ba Bể; định hướng cho quá trình đầu tư, khai thác du lịch gắn với phát triển kinh tế nông lâm nghiệp - dịch vụ; bảo tồn sự đa dạng sinh thái tự nhiên; quy hoạch phân vùng phát triển không gian, sử dụng đất, bố trí các công trình, kiến trúc, cảnh quan… Du lịch Ba Bể cũng còn kỳ vọng tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1.650 người vào năm 2030.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư 3 tuyến đường kết nối du lịch Ba Bể, với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 3.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trước năm 2025. Trong đó, điểm nhấn là mở mới tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể với số vốn hơn 2.800 tỉ đồng, nhằm rút ngắn thời gian hành trình của du khách từ Bắc Kạn lên Ba Bể xuống còn dưới 1 giờ.
Khu nghỉ dưỡng Hồ Ba Bể |
Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: “Trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tập trung hướng tới việc đa dạng hình thức du lịch, hướng tới khai thác giá trị văn hóa bản địa và đặc trưng cảnh quan vườn quốc gia được thiên nhiên ưu đãi. Chúng tôi đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng hồ sơ để công nhận di sản Ba Bể - Na Hang là di sản thế giới. Quy định mới hiện nay đã cho phép quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể có thể tích hợp với quy hoạch liên quan đến rừng đặc dụng, liên quan đến xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại khu vực. Do đó, đây là điều kiện để có thể hợp lực các tài nguyên sẵn có để phục vụ cho du lịch".
Mặc dù, trong 2 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch cả nước nói chung, du lịch tỉnh Bắc Kạn nói riêng, tuy nhiên bằng nỗ lực thu hút được nhiều du khách đến với tỉnh, Bắc Kạn đã áp dụng chương trình thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, khuyến khích kêu gọi người dân tham gia vào các hoạt động du lịch nội tỉnh với các khẩu hiệu như: “Người Bắc Kạn đi du lịch Bắc Kạn”, “Du lịch nội tỉnh, thực hiện tốt 5K, tại sao không?” “Du lịch nội tỉnh, cùng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19”… Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục tạo thuận lợi, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển văn hóa, du lịch, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Ông Lâm Tiến Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn) cho biết: "Về các thủ tục pháp lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp cùng các nhà đầu tư giải quyết, từ việc lập quy hoạch, thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc khác đều được các sở, ngành, trung tâm xúc tiến đầu tư thực hiện khẩn trương, với tinh thần tạo điều kiện cho dự án thực hiện trong thời gian sớm nhất".
Với nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp, nhà đầu tư, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.