Tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD
Là tỉnh có tiềm năng tương đối lớn về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất VLXD. Do đó, công nghiệp VLXD là một hướng ưu tiên đầu tư phát triển của tỉnh Bắc Kạn.
Qua khảo sát, đánh giá cho thấy: Bắc Kạn có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là chì, kẽm, sắt, vàng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, tài nguyên rừng và những sản phẩm đặc sản của địa phương... Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp khai thác, các ngành sản xuất, chế biến, các sản phẩm hàng hóa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Do đó, trong những năm qua, VLXD dựng được tỉnh Bắc Kạn đầu tư phát triển trước so với các ngành khác. Trong khi đó, công nghiệp VLXD được phát triển trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 82 mỏ và điểm mỏ đá xây dựng nằm trong quy hoạch, chủ yếu là lộ thiên, phân bố rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Phần lớn các mỏ đá có điều kiện khai thác thuận lợi, nhiều mỏ vẫn chưa được thăm dò, đánh giá chất lượng, trữ lượng mỏ. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành sản xuất VLXD tại địa phương.
Về nguồn cát xây dựng, Bắc Kạn cũng có một trữ lượng nhỏ phân bố ở các sông, suối. Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng. Tổng năng lực khai thác cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh ước khoảng 98.000m3/năm.
Tỉnh Bắc Kạn sản xuất VLXD chủ yếu có nguồn nguyên liệu tại chỗ như gạch không nung, cát sỏi, đá, bê tông, cát nghiền |
Trong những năm gần đây, Bắc Kạn đã phát triển một số loại VLXD mới đó là gạch không nung và cát nhân tạo. Nguồn nguyên liệu để sản xuất loại cát nhân tạo (hay còn gọi là cát nghiền) tại Bắc Kạn tương đối dồi dào với các mỏ đá rải rác tại nhiều địa phương trong tỉnh. Từ đó, cho ra đời những sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến như: đá ốp lát cao cấp, cấu kiện bê tông đúc sẵn, beton xốp.
Tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm có thế mạnh, ký quỹ bảo vệ môi trường
Theo kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng chủ yếu tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, sản xuất VLXD chủ yếu có nguồn nguyên liệu tại chỗ như gạch không nung, cát sỏi, đá, bê tông, cát nghiền từ mỏ vật liệu có sẵn. Nghiên cứu tính khả thi, phát triển sản xuất, các sản phẩm VLXD mà hiện tại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng của tỉnh và cung ứng cho thị trường lân cận.
Tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng lớn về nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất VLXD |
Tuy nhiên, tỉnh cũng quán triệt việc phát triển VLXD phải đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Không ảnh hưởng tới khu vực an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; không tác động tiêu cực tới môi trường, đời sống sinh hoạt của dân cư và không chồng chéo với các quy hoạch khác. Đồng thời, phát triển sản xuất với quy mô hợp lý, công nghệ sản xuất tiên tiến. Khuyến khích phát triển các công nghệ sạch, công nghệ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ít sử dụng nguồn tài nguyên.
Theo đó, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thông thường để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD được sản xuất, lưu thông và đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng đến công tác thu hút đầu tư vào công nghiệp VLXD. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này rất hạn chế, chủ yếu là huy động từ các thành phần kinh tế trong nước. Do đó, tỉnh Bắc Kạn cần có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi đối với những doanh nghiệp tham gia vào dự án đầu tư phát triển sản xuất VLXD để khuyến khích chuyển đổi công nghệ sản xuất lạc hậu, ô nhiễm môi trường sang các công nghệ tiên tiến, hiện đại, sử dụng vật liệu sẵn có của địa phương để phát triển vật liệu xây không nung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ổn định sản xuất VLXD về lâu dài.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cũng cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh VLXD trên địa bàn theo đúng quy định của Nhà nước. Trong quá trình lập các dự án đầu tư phát triển sản xuất VLXD, khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD cần phải có đánh giá tác động môi trường, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường và nghiêm chỉnh thực hiện theo các giải pháp đã được đề xuất, ký quỹ phục hồi môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra của các sở chuyên ngành đối với tất cả các cơ sở khai thác, chế biến sản xuất VLXD trên địa bàn, từ đó kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.