Những câu chuyện cảm động qua lời hát
Trong lịch sử dân tộc, trước đây và cả mai sau, có lẽ không có một ai từng xuất hiện nhiều trong thi ca như Bác Hồ. Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của người là nguồn cảm hứng bất tận cho thi nhân, nghệ sĩ. Và những bài hát, đôi khi chính là những lời kể đầy thơ mộng về một phần cuộc đời của Bác.
Như bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, một bài hát kinh điển, kể về câu chuyện có thật đầy cảm động về khoảnh khắc cuối cùng khi Người từ giã cõi đời. Đây là một trong những sáng tác rất nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, được ông sáng tác vào năm 1989, dựa trên câu chuyện chân thực về tình yêu của Bác đối với khúc hát dân ca trong những phút cuối đời. Câu chuyện được ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác ghi lại trong cuốn hồi ký của ông về Bác Hồ.
Chuyện kể lại rằng, chiều ngày 24/8/1967, Bác trải qua một cơn đau tim đột ngột. Tuy yếu mệt, Bác vẫn gắng làm việc trong những ngày sau đó. Vào buổi sáng 2/9/1969, tình trạng sức khỏe của Bác Hồ đã yếu đi nhiều. Ba lần tỉnh lại sau cơn đau, Bác luôn muốn được nghe những làn điệu dân ca quê hương. Lần đầu tiên tỉnh lại, Bác nhìn xung quanh rồi cất giọng hỏi: “Các chú có ai biết hò Huế không?”. Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại hỏi: “Trong các chú ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh được không?”. Lần thứ ba thức dậy, Người ngỏ ý muốn nghe một câu dân ca quan họ Bắc Ninh. Lần này, thật may mắn, cô y tá Ngô Thị Oanh đã tiến lại gần Bác và thưa: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Trong nỗi xúc động nghẹn ngào, cô y tá viện 108 cất lên lời hát của làn quan họ: “Người ơi, người ở đừng về…”. Trong khoảnh khắc câu hát vút lên, cả gian phòng im phăng phắc. Chỉ còn nỗi xúc động nghẹn ngào và những giọt nước mắt lăn trên má những người chung quanh Bác. Trong tiếng hát quê hương sâu lắng ấy, Bác đã ra đi, thanh thản nhẹ nhàng, để lại bao tiếc thương cho người ở lại.
Những câu hát của nhạc sĩ Trần Hoàn đã tái hiện chân thật khoảnh khắc ấy với trọn vẹn cảm xúc. “Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi/ Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế/ Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ, Bác đành nằm im/ Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ/ Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi/ Lần thứ ba, Bác vẫy gọi xung quanh/ Bác muốn nghe một đôi làn quan họ/ Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào, gần Bác/ Rồi căn phòng xao động trong nước mắt/ Những lời ca nức nở, tái tê rằng: Người ơi, người ở đừng về...”…
Trong những câu chuyện về Bác được kể bằng âm nhạc, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” là một bài hát được nhiều người yêu thích bởi giai điệu nhẹ nhàng mà réo rắt, lãng mạn, thấm đẫm âm hưởng miền núi phía Bắc.
“Trông vời lưng núi/ Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang “ lượn “ về trên đèo/ Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá/ Người về quê ta tấm áo chàm tình thương quê nhà…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi viết ra bài hát năm 1958, được sự “đặt hàng” của cố Nghệ sỹ Nhân dân Quốc Hương, mong muốn có một món quà kỉ niệm 70 năm ngày sinh nhật Bác.
Tiếp sau đó là chuyến đi công tác lên các tỉnh miền núi phía Bắc của hai nghệ sĩ. Vốn thấm nhuần những câu chuyện về tháng năm Bác sống ở Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lại được đi thực tế, cảm hứng sáng tác dâng trào trong người nghệ sĩ. Bài hát ra đời, trở thành một tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng của nghệ thuật hát Then - đàn Tính, những điệu Sli-lượn của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc…, vừa lãng mạn, vừa hào hùng.
Ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” đã được chính nghệ sỹ nhân dân Quốc Hương thu âm lần đầu tiên năm 1959 tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được Đài phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác năm 1959.
Thiêng liêng hai tiếng Bác Hồ
Có lẽ, thiếu nhi Việt Nam không em nhỏ nào mà không thuộc nằm lòng những bài hát “Hôm qua em mơ gặp Bác Hồ” và “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”… Những bài hát đi cùng thơ ấu của biết bao thế hệ người Việt. Và mỗi khi bài hát được cất lên: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh/ Bác chúng em mắt như sao râu hơi dài/ Bác chúng em nước da nâu vì sương gió/ Bác chúng em thề cương quyết trả thù nhà”…, lại thấy rưng rưng niềm xúc động về hình ảnh người Bác kính yêu mà các em chưa gặp bao giờ, nhưng quá đỗi thân thương.
Nhạc sỹ Phong Nhã từng kể về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” rằng ngày ấy ông là anh quản ca kiêm phụ trách nghi thức đội, được giao nhiệm vụ dắt các em thiếu nhi tham gia cuộc mít tinh tại Quảng trường Ba Đình và nghe Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nhạc sĩ vẫn nhớ như in hình ảnh Bác nhoài người vẫy các em thiếu nhi bằng cả hai tay trong ngày lịch sử 2/9/1945 khiến ai nấy rưng rưng xúc động. Trong lòng ông lúc bấy giờ, vị lãnh tụ đất nước hệt như người cha kính yêu, gần gũi, ân cần và thân thương biết mấy. Sau đó 3 ngày, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh vào ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Rồi anh phụ trách nghi thức đội đã được Bác gọi đến dặn dò: “Phải quan tâm tới sức khỏe thiếu nhi, đặc biệt là các em nhỏ đánh giày, bán kẹo lạc, kẹo bột, trẻ em lang thang”.
Những hình ảnh khắc sâu trong tâm khảm cùng với lời dặn chân tình của Bác đã khiến người phụ trách nghi thức đội xúc động, dấy lên trong lòng mong muốn được viết nên khúc ca có thể bày tỏ được tình cảm giữa Bác và các em thiếu nhi. Và rồi ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng ra đời”, trở thành một bài hát thiếu nhi đi cùng năm tháng…
Giờ đây, ở mỗi một dấu ấn lịch sử của dân tộc, mỗi một sự kiện trọng đại, mỗi một niềm vui chiến thắng trong các cuộc thi đấu quốc tế, giữa cộng đồng người Việt, dù trong hay ngoài nước, đều cất cao tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”. Bài hát ấy dường như đã trở thành một khúc “chiến thắng ca” vang lên trên mọi nẻo đường Tổ quốc hay hải ngoại, nơi có người Việt sinh sống.
Như cái tên của mình, bài hát ra đời đúng vào thời điểm quân ta giành toàn thắng, thống nhất hai miền đất nước. Trong niềm hân hoan xúc động ấy, những ca khúc hào hùng của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vang lên náo nức, như Bác vẫn còn đó, chưa về với thế giới người hiền. Mãi sau này, người nhạc sĩ kể lại, ông cũng không ngờ ca khúc lại có sức sống mãnh liệt như thế. Có lần, khi tiếp một đoàn khách Nhật, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phát hiện ra vài vị khách trong đoàn có thể đàn guita và hát bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng bằng tiếng Nhật, họ chia sẻ rằng rất thích ca khúc ấy. Điều này khiến ông xúc động vô cùng.
Còn nhiều, nhiều lắm những bài hát viết về Bác. Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người (Trần Kiết Tường); Hát về Người (Đoàn Bổng); Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh), Dấu chân phía trước (Thơ Hồ Thi Ca, nhạc Phạm Minh Tuấn)…
Âm nhạc về Bác có một sức sống mãnh liệt trong nền nghệ thuật của dân tộc. Người cha già kính yêu, qua những bài hát biết kể chuyện ấy càng trở nên gần gũi, thân thương với những thế hệ người Việt hôm qua, hôm nay và mai sau.
Những bài ca đi cùng năm tháng, cũng như hình ảnh Người, lòng biết ơn và tình yêu thương dành cho Người mãi trường tồn.