Quyết định gieo hoang mang
Năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định cho phép HTX Yên Định được khai thác cát, sỏi lòng sông Lục Nam tại khu vực bãi Đồng Hả, Thác Nghẽo và bãi Hai Sông thuộc địa phận xã Tuấn Đạo và Yên Định với tổng diện tích 7,4 ha, trữ lượng gần 117 nghìn m3; công suất khai thác 20 nghìn m3/năm; thời hạn khai thác là 6 năm kể từ ngày ra quyết định.
Sau gần 2 năm khai thác, HTX Yên Định đã bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây ra những hệ lụy xấu về môi trường, xâm phạm hệ thống đê, điều quốc gia. Có lẽ không chịu nổi sự hoành hành của “cát tặc”, người dân hai xã Tuấn Đạo và Yên Định (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) liên tục gửi đơn, gọi điện tố cáo sự lộng hành của những “chuyến tàu đêm” âm ỉ bòn khoét lòng sông Lục Ngạn.
Lo lắng hơn, khi những con tàu khai thác cát trái phép ngày ấy giờ đã đàng hoàng có giấy phép khai thác, hoạt động lại rầm rộ hơn, tương đồng hơn với sự xuống cấp trầm trọng của môi trường. Không chỉ là đất đai, cuộc sống của hàng trăm con người ở đây đang bị đảo lộn mà một số công trình cầu, cống, đê điều đoạn qua hai xã Tuấn Đạo và Yên Định rất có thể sẽ bị nước sông Lục Nam cuốn phăng mỗi khi nước lũ dâng. Cuộc sống của người dân hoàn toàn bị đảo lộn từ đây.
Những chiếc máy bơm khổng lồ đang hoạt động hết công suất |
Trao đổi với phóng viên, một người dân đề nghị được giấu tên bức xúc nói: “Từ khi UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác cát, sỏi cho HTX Yên Định, họ hoạt động cả ngày lẫn đêm, gây tiếng ồn rất khó chịu. Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp ven bờ sông Lục Nam bị sụt lún, cuốn trôi, bởi tác động từ việc khai thác cát gây ra. Với kiểu khai thác tận thu của HTX Yên Định, dòng chảy của sông sẽ thay đổi, mùa mưa đến nước lũ đổ về sẽ gây sạt lở nghiêm trọng”.
Nghiêm trọng hơn, người dân nơi đây còn chia sẻ thêm rằng việc khai thác cát là một phần, có khả năng những chuyến tàu khai thác cát có thể “núp bóng” để khai thác vàng sa khoáng.
Hủy hoại môi trường
Để mục sở thị việc khai thác cát của HTX Yên Định, phóng viên đã vượt qua hàng chục km đường rừng đến các địa danh Thác Nghẽo, Hai Sông, bãi Đồng Bã…Qủa là trăm nghe không bằng một thấy, đứng trước “đại công trường” khai thác cát của HTX Yên Định mới thấy công suất khai thác lớn thế nào.
Trên một khoảng sông rộng, 3 - 4 chiếc tàu cuốc thả “vòi rồng” hút tất cả mọi thứ từ đáy sông lên các tàu “vệ tinh”. Những con tàu “vệ tinh” xuất hiện khắp mặt sông, có lúc lên đến 15 chiếc quây kín dòng sông để đảm nhiệm việc chở cát từ tàu cuốc lên các bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trên bờ, khu vực ven sông, những bãi cát chi chít những ụ cát lớn, dòng nước từ hơn 20 chiếc máy bơm cứ ào ào hút hàng khối nước đẩy những chiếc xe tải hạng nặng.
Sau khi các tàu cuốc thực hiện việc hút và sàng lọc lấy cát, một lượng chất thải lớn bao gồm: đá hộc, rác, sỏi…được xả trực tiếp xuống dòng sông.
Trong vai người đi hỏi giá cát, sỏi, phóng viên được một công nhân bật mí cho biết , khai thác cát ở khu vực này rất nhàn nhã, bởi lãnh đạo đơn vị chỉ lấy cát và sỏi đẹp còn toàn bộ đất, đá, rác thải…thì tống khứ xuống lòng sông, đợi lũ lên sẽ cuốn băng đi hết.
Cách UBND xã Yên Định 500m, tại chân cầu Ngầm Chè từ xưa đến nay luôn được xác định là điểm nóng về tình hình khai thác cát trên sông Lục Nam đoạn qua xã Yên Định. Ước tính, mỗi ngày luôn duy trì hàng trăm lượt phương tiện nườm nượp ra vào vận chuyển cát, sỏi từ các bãi tập kết vật liệu của HTX Yên Định đi tiêu thụ.
Theo người dân địa phương, vào những ngày nắng, cát bay mù mịt cuốn theo phượng tiện táp vào người đi đường, những ngày mưa đường sá lầy lội, không thể đi lại được.
Điều đáng nói, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và bảo vệ kết cấu cầu Ngầm Chè, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã tiến hành lắp biển cấm các phương tiện trên 10 tấn đi lại qua cầu. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai mọi quy định, mỗi ngày hàng đoàn xe tải hạng nặng cỡ 15 - 35 tấn vẫn ngang nhiên “diễu hành” qua cây cầu này mà không hề bị lực lượng chức năng tuần tra, xử lý.
Như vậy, tình trạng khai thác cát kiểu tận thu trên sông Lục Nam đã bộc lộ nguy cơ mất an toàn đến đê điều, cầu vượt sông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của người dân, trật tự an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh thì “dường như các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không hay biết chuyện này hoặc có thể họ đang cố tình làm ngơ”.
Để làm rõ vấn đề này báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.