Ấu dâm - nghe chuyện luật nước ngoài, ngẫm chuyện luật nước mình

Xâm hại tình dục trẻ em - Vấn nạn của xã hội
Xâm hại tình dục trẻ em - Vấn nạn của xã hội
(PLO) - Ở Hoa kỳ, chỉ cần nựng má trẻ em mà không được sự đồng ý cũng bị xem là phạm pháp. Còn ở Việt Nam, những lỗ hổng pháp lý đã khiến các yêu râu xanh lũ lượt chui lọt.

 

Nước ngoài bảo vệ trẻ em ra sao?

Trẻ em ở Hoa Kỳ có đặc quyền riêng tư. Trẻ được người lớn cũng như pháp luật bảo vệ rất kĩ về học tập, hình ảnh, cá nhân, thân thể... Ở Mỹ, nếu không phải là con mình mà người lớn có những hành động nựng má, sờ, động chạm, vuốt ve, ôm hôn… và không được sự đồng ý của phụ huynh được xem là hành động phạm pháp. Riêng trường hợp có lời lẽ khiếm nhã, không tốt với trẻ cũng được xem là trái pháp luật.

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho rằng “trẻ em không thể tự mình chấp thuận hoạt động tình dục với người trưởng thành và người trưởng thành nào thực hiện hoạt động tình dục với trẻ em tức là thực hiện hành động phạm tội và vô đạo đức, hành động này không bao giờ được xem là hành vi bình thường hay được xã hội chấp nhận”.

Lạm dụng tình dục trẻ em đã được công nhận cụ thể là một kiểu ngược đãi trẻ em trong luật pháp liên bang Hoa Kỳ kể từ khi có các phiên điều trần đầu tiên của Quốc hội về lạm dụng trẻ em vào năm 1973.

Lạm dụng tình dục trẻ em là điều bất hợp pháp ở mọi tiểu bang, cũng như theo luật liên bang. Ở các tiểu bang, chi tiết về luật lạm dụng tình dục trẻ em có khác nhau nhưng những đặc điểm nhất định của các luật này đều giống nhau ở tất cả các tiểu bang.

Hình phạt đối với các tội lạm dụng tình dục trẻ em cụ thể mà thủ phạm đã bị kết tội là khác nhau. Các mức phạt hình sự có thể bao gồm phạt tù, phạt tiền, ghi tiền án là tội phạm tình dục và những hạn chế khác về quản chế và tạm tha.

Với kinh nghiệm của một điều tra viên, ông Hoàng Mạnh Chiến, nguyên Cục phó Cục điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an, chia sẻ:

“Điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được coi là điều tra đặc biệt vì tính tế nhị, nhạy cảm, phức tạp. Vướng nhất của tội này là vấn đề chứng cứ. Nếu không tạo điều kiện để thu thập chứng cứ thì rất khó tố tụng. Án tại hồ sơ. Cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể hơn từng biện pháp. Mục tiêu bảo vệ trẻ em và trấn áp tội phạm cần được đặt lên cao nhất”.

Hình phạt tù tối đa cho tội phạm tấn công tình dục đối với nạn nhân trong độ tuổi 13-18 là 20 năm. Các mức phạt dân sự bao gồm bồi thường thiệt hại, khuyên răn, điều trị không tự nguyện. Đối với thủ phạm là người thân của nạn nhân, thì tước quyền giám hộ hoặc quyền làm cha mẹ.

Tại tiểu bang California, nếu một người từng có hành vi lạm dụng tình dục, dù nhẹ hay nặng thì thông tin của họ đều sẽ được ghi lại và đăng tải lên hệ thống mà mọi người đều có thể truy cập vào.

Mục đích của việc làm này là để thông báo cho toàn bộ cư dân địa phương, hiệu trưởng các trường học, các trung tâm về trẻ em có thể đề phòng và tránh tuyển dụng những người này.

Trong ba thập kỷ qua, nhiều cơ quan lập pháp của tiểu bang California đã tăng hạn tù và các mức phạt khác đối với người phạm tội tình dục trẻ em nhằm đưa ra các bản án nặng hơn cho những người tái phạm, người ngược đãi nhiều trẻ em, hoặc những người ở vị thế được các nạn nhân của họ tin tưởng, chẳng hạn như người giám hộ, cha mẹ, mục sư, hoặc giáo viên.

Bà Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA
Bà Vân Anh - Giám đốc Trung tâm CSAGA

Theo luật tiểu bang California, cơ quan thực thi pháp luật có quyền đóng vai để tiếp xúc đối tượng điều tra. Trong thực tế, cảnh sát Mỹ thường tổ chức các chiến dịch điều tra “giăng bẫy” (sting operation) để bắt giữ kẻ đang thực hiện hành vi phạm tội. Mục tiêu của mỗi chiến dịch “giăng bẫy” là kích thích nghi can thực hiện hành vi phạm tội đã có ý định hoặc được lên kế hoạch từ trước để bắt giữ tận tay.

Các chiến dịch điều tra “giăng bẫy” được chia làm hai loại. Ở loại thứ nhất, thanh tra viên đóng giả làm kẻ tham gia vào hoạt động phi pháp như người mua hoặc người bán hàng hóa và dịch vụ phi pháp. Trong một số trường hợp, thanh tra viên có thể giả trang thành kẻ đồng mưu với nghi can.

Loại thứ hai, thanh tra viên giả dạng làm “con mồi” của các hành vi phạm tội có thể xảy ra. Ví dụ, thanh tra viên có thể đóng giả làm thiếu niên trên mạng Internet, trò chuyện với tội phạm ấu dâm, đồng ý gặp gỡ hắn tại một địa điểm nào đó để quan hệ tình dục. Và khi tên tội phạm tới nơi thì lập tức bị cảnh sát đưa tay vào vòng số 8. Như trường hợp nghệ sĩ hài Minh Béo xâm hại tình dục trẻ em thuộc chiến dịch điều tra “giăng bẫy” thứ hai.

Đề xuất 4 tội danh mới về dâm ô trẻ em

Hiện nay, ở nước ta, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 mới quy định bốn tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em (dưới 16 tuổi) gồm tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em và tội dâm ô đối với trẻ em. Với đối tượng đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì có tội hiếp dâm và mua dâm người chưa thành niên. Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung thêm tội danh sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Tại tọa đàm “Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?” do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức (diễn ra chiều 28/3 tại Hà Nội), nhiều ý kiến cho rằng, ở các nước phát triển, hành vi xâm hại tình dục trẻ em không cần để lại dấu vết trên người nạn nhân vẫn bị kết tội, thậm chí, chỉ cần tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em đã bị đi tù. Điều này trái ngược với hiện trạng pháp lý “trọng chứng hơn trọng cung” ở Việt Nam khi cần có bằng chứng cụ thể về xâm hại tình dục mới có thể cấu thành tội phạm.

Cũng theo các đại biểu, khái niệm dành cho hành vi “dâm ô” là chưa có trong các quy định của pháp luật Việt Nam; chưa được cụ thể và phân loại thành các mức độ khác nhau đã gây khó khăn trong việc xử lý hình sự và thủ tục tố tụng với chứng cứ liên quan đến tội danh “dâm ô với trẻ em”. Việc “chờ đợi” mang tính đòi hỏi chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố được người thực hiện hành vi “dâm ô” là một số thiếu sót vô cùng nghiêm trọng đối với hệ thông pháp luật hình sự của Việt Nam.

Luật sư Lê Luân (VPLS Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã trình bày dự thảo kiến nghị sửa đổi, bổ sung các tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em vào Bộ luật Hình sự. Về mặt nội hàm pháp lý, Luật sư Lê Luân đề xuất đưa ra khái niệm cụ thể và phân hóa một cách rõ ràng đối với hành vi “dâm ô”.

Đó là “dâm ô” không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp đến cơ thể nạn nhân, mà có thể là bất kì hành vi quấy rối tình dục gián tiếp nào như gạ gẫm, gợi ý rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận các hành vi tính dục một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn thì đều hiểu đó là hành vi dâm ô có dấu hiệu tội phạm.

Để đảm bảo tính thực tiễn và tương thích với quy định quốc tế và trong nước, Luật sư Lê Luân đề xuất, cần hình sự hóa 4 hành vi “dâm ô” đối với trẻ em, gồm: Tội Chủ định gặp trẻ em với mục đích dâm ô: Phạt tiền, tù giam, không để khoảng hình phạt, tạm giam không tại ngoại trong suốt thời gian hầu tra và xét xử; Tội Chủ ý khiêu dâm với trẻ em: Phạt tiền, phạt tù 1 hoặc 2 năm tùy mức độ; Tạm giam không tại ngoại để hầu tra và xét xử; Tội Chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục: Phạt tiền, phạt tù 2 năm, 3 năm hoặc 4 năm tùy mức độ; Tội Chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em: Phạt tiền, phạt tù từ 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng.

Bên cạnh đó, Luật sư Lê Luân cũng kiến nghị thực hiện các biện pháp tư pháp như cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận trẻ em, đồng thời phải theo dõi, công khai tên tuổi, danh tính thủ phạm trên trang thông tin quốc gia, cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nếu đối tượng tái phạm hoặc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn với trẻ em sẽ bị bắt giam trở lại hoặc thiến hóa học.

Ông Hoàng Mạnh Chiến
Ông Hoàng Mạnh Chiến

“Việc áp dụng hình phạt thiến hóa học với những kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế, việc thiến hóa học đối với tội phạm ấu dâm đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới để ngăn chặn các hành vi đồi bại”, Luật sư Lê Luân nhấn mạnh.

Ngoài ra, liên quan đến việc tìm bằng chứng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em, Luật sư Lê Luân cho biết, Cơ quan điều tra có thể dùng cách “bẫy” người thực hiện hành vi để thu thập chứng cứ, để bắt quả tang mà không lo ngại về sự bất hợp pháp của phương pháp này. Việc áp dụng “bẫy” người thực hiện hành vi nhằm thu thập và tạo lập chứng cứ cần được sự cho phép của Tòa án hoặc Viện kiểm sát cùng cấp để đảm bảo sự giám sát cơ quan công tố hoặc xét xử, để đảm bảo sự công khai về thủ tục xác lập chứng cứ (tránh lạm quyền hoặc làm sai), để đảm bảo tính khách quan của chứng cứ.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh) cũng cho rằng cần tạo ra một quy trình cho phép trinh sát hoặc bộ phận điều tra các vụ việc xâm hại tình dục được phép quay phim, ghi âm ghi hình trong quá trình thu thập chứng cứ. Ông Truyền dẫn chứng, ví dụ vụ Minh béo nếu không dùng camera giấu kín thì bộ phận điều tra nước đó không thể kết tội được.

Cần đưa mục tiêu bảo vệ trẻ lên hàng đầu

Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Anh Tuấn (ATN Law Firm) lưu ý, giải pháp thiến hóa học nếu áp dụng sẽ chạm vào vấn đề quyền con người: “Luật pháp không chỉ để trừng trị kẻ phạm tội mà còn để răn đe, cải tạo con người. Phạm tội đến đâu, pháp luật xử lý đến đó. Chúng ta đánh hành vi chứ không đánh con người. Có con là quyền cơ bản của con người, biện pháp thiến hóa học có thể vi phạm quyền con người và do đó phải rất cân nhắc khi đưa vào kiến nghị”.

Cũng theo luật sư Anh Tuấn, việc “gài bẫy” trong điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không khả quan vì “nếu tìm được chứng cứ cho hành vi này, lại làm ảnh hưởng đến người khác. Bởi khi “gài bẫy” phải tìm người đóng thế, diễn nhưng đối tượng là trẻ em? Việc làm diễn viên có quá nguy hiểm với trẻ không?”.

Góp thêm ý kiến, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci cho rằng nên quy định ngay nội hàm trong luật, quy định cụ thể thế nào là hiếp, cưỡng, giao cấu, dâm ô… Đó chính là trách nhiệm của Quốc hội - cơ quan lập pháp. Ngoài ra, nếu chỉ chú ý đến xử lý tội phạm thì dễ bỏ quên việc bảo vệ nạn nhân. Cần đưa mục tiêu bảo vệ trẻ lên hàng đầu thay vì chú ý đến xử lý tội phạm.

“Nên có hình phạt chính và phụ: bên cạnh chế tài chung là giáo dục - răn đe - phòng ngừa thì nên áp dụng mức phạt tỷ lệ nghịch với tuổi trẻ em, tuổi càng nhỏ thì hình phạt càng tăng. Ví như cùng hành vi sờ soạng, nếu thực hiện với trẻ 17 tuổi có thể phạt 500.000 đồng, nhưng với trẻ nhỏ 3 tuổi có thể tù giam 10 năm… Tôi cho đó là phương án dễ làm, khoa học nhất vì trẻ em càng nhỏ thì càng thiếu kiến thức, thiếu tự vệ và quá non nớt dẫn đến mức độ thiệt hại càng lớn và lâu dài”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nêu quan điểm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm về Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em
Toàn cảnh buổi tọa đàm về Sửa đổi các tội danh xâm hại tình dục trẻ em

Ông Tú cũng đề xuất nên học hỏi ở nước ngoài với việc hỏi cung không hỏi trực tiếp trẻ, nên hỏi thông qua chuyên gia tâm lý, chuyển thể những câu hỏi mang tính pháp luật nhắc thành những câu hỏi tâm lý, để tiếp cận tâm lý nạn nhân là trẻ em, giảm thiểu áp lực, nỗi đau tâm lý.

“Thực tế hiện nay, trong quá trình từ lúc bắt đầu đến khi khép lại vụ án, thậm chí trẻ phải trả lời điều tra viên đến hàng chục lần. Quá trình tố tụng hiện vắng bóng những người có kỹ năng làm việc với trẻ em. Do vậy, vụ việc liên quan đến trẻ em, ngoài thu thập chứng cứ với những biện pháp đặc biệt, còn cần đảm bảo các yếu tố thân thiện, khoa học và buộc phải có sự tham gia của chuyên gia về trẻ em”, ông Tú nói.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốcTrung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cảnh báo rằng văn hóa Việt Nam còn định kiến với phụ nữ và trẻ em, và  định kiến của người điều tra xét xử có thể cho ra kết quả điều tra khác biệt, cần tỉnh táo, nhất là khi điều tra về xâm hại tình dục.

Ngày 27/3, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã tổ chức cuộc tọa đàm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Việc tổ chức liên tiếp các cuộc tọa đàm ở các cấp về xâm hại tình dục trẻ em cho thấy vấn đề này đang vô cùng nhức nhối.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.