Ngàn lẻ một mánh khóe lừa đảo từ thế giới ảo

Cơ quan công an đọc lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Văn Khanh - đối tượng chuyên hack nick Facebook để lừa đảo
Cơ quan công an đọc lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Văn Khanh - đối tượng chuyên hack nick Facebook để lừa đảo
(PLO) -Thời gian qua, tình trạng tội phạm lợi dụng mạng xã hội, trong đó có Facebook để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng. Để phòng ngừa, người tham gia mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ bản thân trước vô số những “cái bẫy” lừa đảo đến từ không gian ảo.

“Câu view”, kiếm tiền từ Facebook

Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng PC50, Công an TP Hà Nội) cho biết: Từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô, lực lượng chức năng nhận thấy, một trong những thủ đoạn đang nổi lên thời gian gần đây chính là việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook để đăng các tin đồn thất thiệt, tin tức mang tính chất khiêu dâm, giật gân, gây hoang mang dư luận.

Việc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook thường nhằm vào những vấn đề “nóng” trong xã hội được mọi người quan tâm như dịch bệnh nguy hiểm, bắt cóc trẻ em… Thậm chí một số vụ án được dư luận quan tâm đang trong quá trình điều tra, truy bắt thủ phạm cũng được các đối tượng lợi dụng tung tin đã bắt được thủ phạm để câu like (lượt thích), câu view (lượt xem).

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng PC50, những thông tin liên quan đến việc bắt cóc trẻ em chưa được kiểm chứng được một số cá nhân đưa lên mạng Facebook trong thời gian qua, thậm chí tung tin sai sự thật không chỉ gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội mà còn gây mất thời gian, công sức của Cơ quan Công an khi xác minh, làm rõ sự thật.

Điều đáng lên án là ngoài một số người đưa thông tin một cách vô thức hoặc do nhận thức còn hạn chế thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, tin giật gân nhằm mục đích câu like, thu hút quảng cáo, tăng lượng truy cập cho những trang Facebook bán hàng online đang có xu hướng lan truyền như một “bí quyết” của những người kinh doanh vô đạo đức.

Đầu năm 2016, Phòng PC50 đã phối hợp với Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội PC45 Công an TP Hà Nội, xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với một phụ nữ kinh doanh quần áo online đăng tin thất thiệt về vụ bắt cóc trẻ em tại Hà Đông (Hà Nội) gây hoang mang trong nhân dân.

Trước đó, nhiều trang mạng xã hội rộ lên thông tin một nữ sinh trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bị hiếp dâm, chết lõa thể sau ký túc xá của trường. Thông tin này đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng, làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng như nhân dân Thủ đô.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, PC50 đã điều tra, xác minh, làm rõ chủ tài khoản Facebook “Phạm Anh Tuấn” là Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1993) không phải là người đã phát tán bài viết với nội dung như trên, có dấu hiệu tài khoản Facebook của Tuấn đã bị đối tượng khác chiếm quyền sử dụng và đăng tải những thông tin sai sự thật như trên.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, PC50 phối hợp với PC45 và CAQ Bắc Từ Liêm đã làm rõ được Ngô Bá Sơn (SN 1984, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và Vũ Văn Bằng (SN 1989, quê ở huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Binh) là 2 đối tượng đã có hành vi đưa thông tin sai sự thật lên Internet. Cả 2 đối tượng này đều có trình độ văn hóa tốt nghiệp cấp 3.

Sơn và Bằng khai nhận, chúng đã mua các tài khoản Facebook bị hack và tạo tài khoản trên website http://dyn.com nhằm tạo ra hàng trăm tên miền có dạng http://xxxxx.dyndns.tv để thực hiện việc đăng tin sai sự thật lên các group (nhóm) Facebook. Khi người dùng click (nhấp chuột) vào sẽ chuyển hướng từ các đường dẫn đó về các website cần tăng lượng người truy cập với mục đích hưởng tiền từ dịch vụ quảng cáo của Google.

Bẫy trúng thưởng trên mạng xã hội đánh vào lòng tham của người sử dụng
Bẫy trúng thưởng trên mạng xã hội đánh vào lòng tham của người sử dụng

2 đối tượng trên đã đăng hàng trăm tin khác nhau có nội dung gây sự chú ý như khiêu dâm, cướp, giết, hiếp lên hàng trăm các group (nhóm) trên Facebook, mỗi nhóm có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên. Khi các bài viết được đăng lên, có hàng trăm ngàn lượt người xem và chia sẻ các thông tin này.

Tổng cộng, Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng đã điều hướng được khoảng 2.500.000 (Hai triệu năm trăm ngàn) lượt người truy cập vào các website khác nhau và thu lợi được hơn 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng).

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố 2 đối tượng Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Đây được xem là một trong số những vụ hiếm hoi bị khởi tố hình sự trên địa bàn cả nước trong thời gian qua.

Trước đó, cũng có nhiều trường hợp bị xử lý hành chính với các mức phạt khác nhau, chẳng hạn như trường hợp của hai cô gái tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội Facebook liên quan đến việc lan truyền dịch Ebola, vụ tung tin đồn các cô gái bị rạch đùi…

Chiêu trò cũ nhưng nhiều người vẫn “dính”

Không chỉ tung tin thất thiệt, giật gân, gây hoang mang dư luận, hiện tượng lừa đảo trúng thưởng trên một số trang mạng xã hội cũng đang có xu hướng gia tăng. Thực tế, loại hình lừa đảo này không mới, tuy nhiên các đối tượng phạm tội luôn thay đổi thủ đoạn khiến nhiều người vẫn tiếp tục cả tin, mắc bẫy.

Điển hình, PC50 Công an TP Hà Nội vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Trường Xuân (SN 1998, trú tại tỉnh Quảng Nam) về hành vi lừa đảo người chơi game trực tuyến. Thủ đoạn lừa đảo của Xuân là thường theo dõi các hoạt động, sự kiện trong một trò chơi game cụ thể.

Sau đó, Xuân lập website giả mạo đơn vị phát hành game, gửi tin nhắn nạp thẻ theo hướng dẫn sẽ được tặng thưởng thêm nhiều vật phẩm có giá trị trong trò chơi hoặc thông báo tài khoản của người chơi may mắn trúng thưởng đặc biệt của chương trình tri ân khách hàng…

Khi nạn nhân cả tin mắc bẫy, thông qua website thanh toán trực tuyến, Xuân chiếm đoạt tiền nạp thẻ. Tính đến cuối năm 2016, Xuân đã lập, quản trị tổng cộng 6 website giả mạo liên quan đến game trực tuyến và chiếm đoạt gần 100 triệu đồng của các nạn nhân.

Bên cạnh đó, vẫn tái diễn trò hack nick facebook lừa đảo mua thẻ cào điện thoại. Một trong những thủ đoạn phạm tội đang được các đối tượng “truyền nghề” cho nhau trên mạng xã hội đó là lên mạng tìm kiếm người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, sau đó cướp “nick” của họ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người thân trong danh sách bạn bè họ bằng cách nhờ mua thẻ cào điện thoại với số lượng lớn.

Sau khi chiếm quyền kiểm soát “nick”, các đối tượng này sẽ nghiên cứu lịch sử trò chuyện của họ để tìm ra những người thân nhất rồi dùng những lời lẽ tương tự như vậy để nói chuyện với bị hại, tạo niềm tin rồi thực hiện việc lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại.

Mới đây, Phòng PC50, Công an TP Hà Nội vừa phối hợp cùng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Khanh (SN 1997, ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b Bộ luật Hình sự.

Theo đó, PC50 Hà Nội nhận trình báo của chị Thư, sinh sống tại Đức về việc bị kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản Facebook “Minh Thu Nguyen” để lừa đảo bạn bè, người thân. Trong đó, một người bạn của chị Thư đã chuyển cho kẻ này 29 thẻ cào (tổng cộng 6,4 triệu đồng).

Các trinh sát mạng vào cuộc, phát hiện người lấy trộm nick của chị Thư là Khanh. Lúc này, Khanh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bị triệu tập lên trụ sở công an, trước những chứng cứ, dấu vết để lại trên Internet, Khanh thừa nhận là thủ phạm của hàng trăm vụ đoạt nick Facebook để lừa đảo mua thẻ cào điện thoại.

Học hết lớp 8, Khanh bỏ học, thường xuyên lang thang ở các quán Internet thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Phát hiện nhiều khách chơi tại quán dùng thủ đoạn hack nick Facebook của những người sử dụng mạng xã hội rồi nhờ mua thẻ cào điện thoại. Thấy việc lừa đảo quá dễ, Khanh nhờ họ hướng dẫn để làm theo.

Ngày càng nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội
Ngày càng nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi qua mạng xã hội
Khanh tìm các trang cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, lựa chọn những phụ nữ dễ chiếm đoạt tài khoản để tấn công. Theo khai nhận, Khanh chỉ cần đọc thông tin của họ đăng công khai trên trang Facebook cá nhân là có thể “dò” ra mật khẩu. Thói quen của những phụ nữ này là sử dụng ngày tháng năm sinh, số điện thoại của mình hoặc con cái làm mật khẩu Facebook.

Khanh nhanh chóng đổi lại mật khẩu, đọc nhật ký nói chuyện giữa chủ tài khoản và bạn bè, người thân của họ đang sinh sống tại Việt nhắn tin nhờ mua thẻ cào. Lấy lý do dùng thẻ bán cho cộng đồng người Việt với lãi cao, anh ta chọn thời điểm nhắn tin lừa đảo vào giờ đêm khuya ở nước ngoài để nạn nhân khó kết nối liên lạc bằng điện thoại. Sau khi nạn nhân gửi mã thẻ cào, Khanh nạp vào tài khoản Vcoin để quy đổi thành tiền điện tử rồi bán lại cho người khác thành tiền mặt.

Cơ quan điều tra làm rõ, bằng thủ đoạn trên, Khanh đã hack được trên 100 nick Facebook, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng.

Tương tự, Võ Đình Tuấn (SN 1994, quê Hải Lăng, Quảng Trị) đã hack nick Facebook “Hà Chung” của anh Hà Xuân Chung, hiện đang lao động tại Nhật Bản. Sau khi “nghiên cứu”, sàng lọc ra người thân của anh Chung, Tuấn dùng nick “Hà Chung” chat với nick “Truong Ha Van” là anh Hà Văn Trường, anh ruột của anh Chung, nhờ anh Trường mua hộ 23 thẻ cào điện thoại trị giá 6,6 triệu đồng để kinh doanh tại Nhật Bản.

Đến chiều tối cùng ngày, anh Trường trực tiếp gọi điện thoại cho anh Chung mới biết em trai đã bị hack nick Facebook từ mấy hôm trước. Sau khi chiếm đoạt được 23 thẻ cào, Tuấn dùng 1 thẻ nạp tiền vào điện thoại cá nhân, còn lại  22 thẻ trị giá 6,5 triệu đồng nạp vào tài khoản cá nhân mở tại Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao, quy đổi sang tiền Rik (là 1 loại tiền ảo sử dụng trong game) rồi bán cho các đại lý thu mua tiền Rik để rút tiền mặt.

Tự bảo vệ mình khi tham gia mạng xã hội

Qua đấu tranh với các đối tượng cho thấy, việc chiếm đoạt tài khoản Facebook khá dễ dàng. Nhiều người sử dụng Facebook thường có thói quen đặt mật khẩu là số điện thoại, ngày tháng năm sinh của cá nhân hoặc những người thân trong gia đình. Trong khi đó, những thông tin cá nhân cần được bảo mật này lại được đăng công khai trên Facebook của người sử dụng.

Trước khi tiến hành hack nick của một ai đó, các đối tượng thường tìm hiểu những thông tin này, tìm ra mối quan hệ gia đình của họ thông qua ảnh, status, comment... đăng công khai trên các trang Facebook cá nhân, từ đó nhặt ra các thông tin cần thiết phục vụ việc “dò” mật khẩu.

Ngoài thủ đoạn nêu trên, các đối tượng xấu còn sử dụng khá nhiều thủ đoạn khác để đánh cắp tài khoản của người sử dụng Facebook như gửi các đường link có chứa mã độc tới người sử dụng hoặc các phần mềm định hướng người dùng vào một website khác để lấy cắp mật khẩu tài khoản cá nhân trên mạng xã hội.

Một thủ đoạn lừa đảo khá phổ biến trên Facebook là sự xuất hiện của các ứng dụng “vẽ ảnh nghệ thuật”, “vẽ chibi vui nhộn trên Facebook” hay “top người quan tâm đến bạn nhất”, “10 năm nữa bạn sẽ ra sao?”… Các ứng dụng dạng này thường đánh vào tâm lý tò mò của người dùng. Khi người dùng nhấp chuột vào các ứng dụng đó, nó sẽ chuyển hướng đến một trang đăng nhập Facebook giả mạo. Nếu người dùng tò mò tiếp tục thực hiện thì sẽ bị mất tài khoản.

Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng (từ trái qua), 2 đối tượng tung tin nữ sinh bị hiếp dâm chết lõa thể
Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng (từ trái qua), 2 đối tượng tung tin nữ sinh bị hiếp dâm chết lõa thể

“Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm ẩn, là đối tượng ngồi ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc với bị hại. Những người tham gia mạng xã hội lại không phân biệt lứa tuổi, giới tính, ngành nghề công việc, trình độ học vấn… nên công tác phối hợp xác minh gặp nhiều khó khăn; trong khi số lượng vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội ngày càng phổ biến, tinh vi và phức tạp.

Vì lượng người tham mạng xã hội quá nhiều, sự thiếu hiểu biết, ý thức vì cộng đồng, ý thức của người dùng chưa nâng cao tinh thần cảnh giác nên dễ bị các đối tượng lợi dụng”, Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PC50 cho biết.

Bà Hằng nhận định, năm 2017 sẽ phổ biến có 5 loại tội phạm sử dụng công nghệ cao như: tự xưng là người nước ngoài kết bạn với người Việt Nam qua mạng, chủ yếu với phụ nữ đơn thân, giả mạo tặng quà; giả mạo nhà mạng viễn thông, lừa đảo theo kiểu khuyến mãi; giả mạo thông báo trúng thưởng qua Facebook, Zalo; chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook hoặc dùng tài khoản giống người thân của người dùng trên Facebook và chat để hỏi vay, chiếm đoạt; giả danh Facebook bán hàng online có uy tín để người mua nạp tiền mua hàng, nhưng đối tượng không giao hàng.

Để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn, lãnh đạo PC50 khuyến cáo người dùng nên tăng cường tính bảo mật tài khoản để tránh người khác hoặc tội phạm chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích xấu. Trước khi đăng nhập vào trang xã hội hay trang thư điện tử, người dùng cần kiểm tra kỹ trên thanh địa chỉ để tránh truy cập vào địa chỉ giả. Bên cạnh đó, khi đặt mật khẩu, người dùng nên chọn cho mình 1 mật khẩu an toàn trên 8 ký tự với đầy đủ chữ thường, chữ hoa và chữ số.

Một số khuyến cáo khác cũng được PC50 đưa ra với mục đích tăng cường khả năng tự bảo vệ mình cho người dùng như: không truy cập website lại, cài đặt phần mềm chống virus, hạn chế dùng máy người lạ, máy tại cửa hàng Internet cho các hoạt động trao đổi thông tin cá nhân, không dùng email cơ quan cho việc giao dịch, trao đổi thông tin cá nhân…

Đối với những thông tin chưa rõ ràng, gây hoang mang dư luận, nên tỉnh táo, bình tĩnh nhận định qua nhiều kênh thông tin khác trước khi phản hồi, bình luận hay chia sẻ. Với những trao đổi nghi ngờ lừa đảo như nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền…, cần liên lạc trực tiếp bằng điện thoại với người nhờ vả để xác thực thông tin.

Ngoài ra, cơ quan Công an cũng cảnh báo người dân nên cảnh giác trước các hành vi giả danh nhà mạng nhắn tin, gọi điện lừa đảo trúng thưởng. Đặc biệt, khi đối tượng yêu cầu người dùng nạp tiền phí, thuế bằng thẻ cào trước khi nhận quà thưởng thì đây chính là một trong những dấu hiệu lừa đảo rõ ràng nhất. Bởi cơ quan nhà nước khi thu tiền không qua đơn vị trung gian. Thông thường họ yêu cầu tới cơ quan thuế, hải quan để giao dịch, không gửi qua thẻ, không nạp thẻ…

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.