Xuất ngoại học kinh nghiệm
Sinh ra trong gia đình làm nông có 8 anh chị em, anh Hát phải nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ. Học hết lớp 7, cậu bé Hát khi đó được gửi đến xưởng cơ khí gần nhà vừa học vừa làm.
Năm 35 tuổi, anh Hát ôm hoài bão phát triển trang trại “rau hữu cơ”, “rau an toàn” đầu tiên ở Hải Dương. Thế nhưng sau 4 năm triển khai, trang trại phá sản, ông chủ trẻ ôm khoản nợ hơn 3 tỷ đồng.
Nhớ lại lúc trồng rau sạch có chuyên gia Israel sang tham quan, đây là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nên anh Hát quyết vay tiếp 200 triệu đồng nữa sang quốc gia này xuất khẩu lao động: “Tôi muốn sang đấy tận mắt xem người ta làm trang trại rau sạch như thế nào? Xem tôi sai ở đâu mà mất mấy tỷ đồng”, anh nhớ lại.
Cuối năm 2010 đặt chân xuống xứ người làm thuê, người nông dân quê Hải Dương luôn cố gắng quan sát, theo dõi cách thức các chủ trang trại sản xuất. Sau một năm mày mò đúc kết, anh nhận ra quy trình trồng cây không khác gì ở Việt Nam mà chỉ khác ở cơ chế quản lý. Ở nước ngoài họ quy hoạch nông nghiệp chứ không phải trồng tự phát, ưa cây gì trồng cây đó.
Câu trả lời vì sao thất bại được anh Hát tìm ra bởi bản thân “đi tắt đón đầu” quá sớm. Ở thời điểm đó nhận thức về “rau hữu cơ” “rau an toàn” ở Việt Nam còn hạn chế. Người dân chỉ muốn mua được rau giá rẻ, muốn ăn no chứ chưa chú trọng đến thực phẩm sạch như bây giờ. Đầu ra không ổn định chính là căn nguyên đẩy anh nông dân vào nợ nần.
Anh Hát và chiếc robot đặt hạt bán sang 14 nước |
Hàng ngày đội nắng dưới sa mạc rộng lớn rải phân bón cây khiến anh Hát thắc mắc tại sao một đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Israel lại rải phân thủ công như thế. Mồ hôi nhễ nhại, anh mạnh dạn nói với đồng nghiệp “anh nói với ông chủ tôi có thể chế tạo cho ông ta chiếc máy rải phân” nhưng đồng nghiệp nghe xong tưởng đùa chỉ cười trừ “ông đi mà nói”.
Buổi chiều hôm đó anh Hát í ới chỉ trỏ gọi ông chủ ra nói chuyện. Không biết ngoại ngữ, anh vẽ ký hiệu chiếc máy, “m2” và hình người lên mặt đất với ngụ ý thiết bị rải phân đang sử dụng không hiệu quả, anh có thể làm ra máy mới.
May mắn chủ trang trai hiểu được ý người làm thuê diễn đạt, ông ta liền mở phần mềm dịch ngoại ngữ trên điện thoại hỏi lại anh Hát “Có phải ông muốn cải tiến cái máy này?”- anh Hát gật đầu. “Thế cải tiến xong có thể thay thế bao nhiêu người làm?”- anh nông dân đưa hai bàn tay trả lời. “Khả năng thành công bao nhiêu %?”- 70%, anh làm thuê tự tin gõ vào màn hình điện thoại ông chủ.
“Mang chuông sang đánh nước người”
Tối muộn hôm đó ông chủ ngoại quốc gọi anh Hát dậy hỏi tỉ mỉ về ý tưởng cải tiến máy rắc phân lúc chiều. Sau đó ông ta liên lạc với đại sứ quán đề nghị gặp mặt nói chuyện ba bên. Sau khi nghe giải thích, ông chủ bảo anh Hát ngày mai nghỉ làm việc để chế tạo máy móc, cần thiết bị gì cứ việc ghi ra giấy ông ta sẽ mua.
Chỉ sau hơn một tháng, chiếc máy rải phân tự động được ra đời, ông chủ hỏi người làm thuê đã hài lòng chưa, anh trả lời chưa. Thế là ông mua tiếp vật liệu để anh Hát chế tạo chiếc máy thứ 2 rồi máy thứ 3.
Anh Hát đạt danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc 2016 |
Sau 6 tháng từ ngày bắt tay vào làm, máy rải phân do anh Hát chế tạo được ông chủ trang em ra thử nghiệm, gọi nhiều người dân tới xem góp ý. Ai nấy trầm trồ thán phục. Trước đó một ngày mất 25 lao động rải phân cho khoảng 2 hecta thì nay chỉ cần 2-3 người. Riêng anh Hát được ông chủ thưởng 200 triệu đồng cùng máy tính, điện thoại. Cũng từ đó ông chủ không còn bắt anh ra đồng nữa, không gò ép thời gian lao động như trước.
Sau máy rắc phân, anh Hát còn chế tạo thêm cho ông chủ máy cắt rau, dọn cỏ và máy lên luống giúp tiết kiệm hàng trăm nhân công mỗi ngày: “Ông chủ tôi từ làm trang trại chuyển sang xưởng cơ khí, bán đại trà các máy móc do tôi sáng chế luôn”, anh kể.
Sau một năm làm thuê, anh thợ cơ khí quyết định trở về nước làm lại từ đầu. Anh quan niệm làm thuê không có chữ giàu, muốn giàu phải làm chủ dù thời hạn xuất khẩu lao động còn hơn 4 năm nữa. Biết ý định này, ông chủ nâng lương để giữ chân “nhà sáng chế chân đất”.
Anh Hát phải nói dối vợ ở quê mắc bệnh, muốn về thăm 1 tháng, lập tức ông chủ mua vé máy bay khứ hồi. Hết thời gian không thấy người làm thuê quay lại, ông chủ ngoại quốc bay sang Việt Nam, liên hệ với công ty xuất khẩu lao động muốn gặp nói chuyện với anh Hát, anh kể: “Bấy giờ phải nhờ công ty nói giúp ông chủ thông cảm, ở bên đó hay có xung đột vũ trang nên sợ không muốn sang nữa”.
Chế tạo robot bán sang 14 quốc gia
Về quê vay mượn mở xưởng cơ khí nhưng anh Hát chỉ tập trung vào chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp làm hướng đi mới. Anh đã mày mò cho ra đời máy đánh luống, soi rạch trồng cây vụ đông giúp tiết kiệm công đoạn vét đất lên luống, soi rạch.
Tiếp đó là dàn cày 2 lưỡi khắc phục tình trạng rạ quấn vào máy, tốc độ nhanh hơn, thớ đất sâu hơn. Anh thợ cơ khí tiếp tục cho ra đời dàn cày 3 lưỡi, 4 lưỡi. Sau thời gian nỗ lực, đến cuối năm 2016 người nông dân từng thất bại đã thoát khỏi khoản nợ tiền tỷ, mua thêm được thửa đất hơn tỷ đồng mở rộng nhà xưởng.
Ấn tượng nhất trong số các sáng chế của “kỹ sư chân đất” Phạm Văn Hát đó là robot đặt hạt. Trước đó trên thế giới chỉ có robot đứng một chỗ đặt hạt xuống khay để con người đem đi ươm giống. Còn robot do anh Hạt chế tạo có thể di chuyển trên đồng ruộng, đặt hạt giống trực tiếp xuống luống.
Robot đặt hạt nặng chỉ 20kg, cao khoảng 20cm, rộng hơn 1m2. Máy gồm bộ khung với 4 mô tơ. Quan trọng nhất là bộ phận đóng hút hơi. Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc cơ học: Khi hút hơi, van đóng lại, đầu kim hút hạt chuyển sang máng rơi hạt. Lúc này van tự động mở, kết hợp với độ rung làm hạt rơi xuống luống.
Nhờ robot hoạt động cơ học, không có các vi mạch nên rất ít hư hỏng, dễ điều khiển: “Chỉ việc cắm điện vào là máy tự chạy. Nó được thiết kế đi trên mọi địa hình, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4 cm và chỉ vài phút là xong. Máy đặt hạt vào khay chỉ thay thế khoảng 7 nhân công được bán với giá 60 triệu đồng, còn máy đặt hạt của tôi thay thế được 40 nhân công nhưng chỉ có giá 35 triệu đồng”, anh nói và cho biết máy chỉ tiêu tốn 1kw điện trong 100 giờ hoạt động.
Anh Hát vinh dự nhận huân chương lao động hạng ba |
Lúc đầu robot chỉ gieo di chuyển bằng bánh xe là hai ống nhựa nên dễ bị nghiêng đổ khi đia qua địa hình gồ ghề. Sau một năm tìm tòi, anh Hát đã thay thế bằng 2 bánh xe đàn hồi giúp để máy di chuyển dễ dàng hơn trên bề mặt không bằng phẳng. Tương tự, “kĩ sư chân đất” chế tạo thêm nhiều kim gắp hạt để gieo được nhiều loại hạt giống có kích thước khác nhau. Người sử dụng có thể điều chỉnh khoảng cách gieo theo ý muốn thưa hoặc dày.
Nói về ý tưởng sáng tạo robot đặt hạt, “kĩ sư chân đất” nhớ lại vào năm 2012 trong lần đi qua vùng chuyên canh cà rốt thấy bà con gieo hạt thủ công trên ruộng bạt ngàn. Một lúc sau về đến nhà thì anh trai than vãn không mướn được người làm thuê. Nghe vậy anh Hát chỉ nói “để em nghiên cứu”. Sau hai năm tìm tòi chiếc máy ra đời và không ngừng được cải tiến đến bây giờ.
Thông tin robot đặt hạt nhanh chóng lan truyền, hàng trăm nông dân khắp nước tìm về Hải Dương đặt hàng. Đặc biệt nhiều chủ trang trại ở nước ngoài qua mạng internet cũng tìm về Việt Nam hỏi mua. Tới nay robot đặt hạt của anh Hát đã được bán ra 14 quốc gia như Mỹ, Đức, Singapore, các nước Đông Nam Á với giá 3.500 USD/máy.
Với những thành tích trên, anh Hát vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng ba năm 2015; Bằng khen của Trung ương Hội nông dân năm 2014; Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016. Hôm trò chuyện với chúng tôi, anh Hát khoe cách đây hơn chục ngày có tập đoàn ở Mỹ mời sang nghiên cứu với mức lương 150 triệu đồng/tháng. Nhưng anh từ chối để ở lại quê nhà tiếp tục giấc mơ sáng chế phục vụ nhân dân.
Đến nay nông dân Phạm Văn Hát đã có hơn 30 sáng chế máy móc ứng dụng vào nông nghiệp. Anh tự nhận viết chữ còn sai chính tả, không biết vẽ bảng mạch, lập bảng thiết kế. Mỗi khi có ý tưởng hoặc được gợi ý, anh có khả năng hình dung được cỗ máy sẽ hoạt động như thế nào trong đầu óc rồi cứ thế bắt tay chế tạo, lắp ráp. Chi tiết nào sai anh sửa tới đó.
Anh Hát thừa nhận bản thân không được học hành, thiếu các kiến thức nên ưu tiên sáng chế theo nguyên lý cơ học. Việc thiếu kiến thức căn bản cũng khiến anh vất vả hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn. Ví dụ khi sáng chế robot đặt hạt, anh phải mua tới 4-5 máy mô tơ có công suất khác nhau để thử, đến cái nào phù hợp thì chọn: “Nếu biết tính toán, được học vật lý và tính toán kĩ lưỡng thì chỉ cần chọn mua 2-3 máy là xong, đằng này tôi phải mua 10 máy, chấp nhận tỷ lệ hư hỏng tới 7-8 cái”, anh Hát nói.