Sự thật bất ngờ về 'ông nghè 13 tuổi'

Văn quan vinh quy đồ (Tranh cổ)
Văn quan vinh quy đồ (Tranh cổ)
(PLO) -Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam có những sĩ tử tuổi còn rất trẻ nhờ thông minh đĩnh ngộ, tài cao học rộng mà đỗ đạt với thứ bậc khác nhau. Riêng Trịnh Hoa Đường được cho là đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn là một trường hợp cần xét lại một cách cụ thể, xác đáng để tránh sự ngộ nhận, lầm lẫn trên một số sách vở, báo chí bấy lâu nay.
 

Về nhân vật Trịnh Hoa Đường, có rất ít tài liệu nhắc đến; tạp chí Tri Tân số 20 ra ngày 24/10/1941 là một bài viết hiếm hoi giới thiệu về con người này. 

Có thực sự đỗ Tiến sĩ?

Theo tác giả - ông Nhật Nam Trịnh Như Tấu - thì Trịnh Hoa Đường người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh “là một thiên tài lỗi lạc, văn chương xuất chúng, mới 13 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, tên vào chín bệ. Khi xướng danh, vua Minh Mệnh thấy nhà tân khoa trên đầu còn chỏm, đem lòng sủng ái và tỏ lời khen ngợi.

Sau vời vào cung, ban yến và cho nằm cùng ngự tháp một đêm, vua hỏi đến văn chương, Hoa Đường đều ứng đối lưu loát, tỏ ra là một bậc thông minh quán thế. Vua lại trao cho quyển Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Hoa Đường xem xong, cầm bút sửa lại mấy bài thơ chữ Nho. Vua đồng ý và ban khen không ngớt”.

Trịnh Hoa Đường tuổi trẻ đỗ cao, được vua khen ngợi, ân sủng vượt bậc là điều có thật hay chăng? Tạp chí Tri Tân số 24 ngày 21/11/1941, có đăng bài “Nói thêm về ông Nghè 13 tuổi Trịnh Hoa Đường” của tác giả Long Điền Nguyễn Văn Minh cho rằng Trịnh Hoa Đường chưa chắc đã đỗ năm 13 tuổi mà có thể ở độ tuổi lớn hơn: “Khảo ở sách Quốc triều Hương khoa lục thì ông Trịnh Hoa Đường đỗ Hương cống khoa Kỷ Mão (1819) đời Gia Long thứ 18 ở trường Thăng Long.

Nói ông Trịnh Hoa Đường đỗ Tiến sĩ năm 13 tuổi thì tất năm lên 10 tuổi đã đỗ Hương cống, e sớm quá. Vậy có lẽ ông đỗ Hương cống năm lên 14 tuổi, rồi 3 năm sau, tức là năm Nhâm Ngọ (1822) Minh Mệnh thứ 3 có ân khoa thi Hội, ông mới đỗ Tiến sĩ là năm ông đã 16, 17 tuổi”.

Trịnh Hoa Đường đỗ Hương cống đời vua Gia Long là đúng sự thật, sách Đại Nam thực lục chính biên cho biết vào tháng 10 năm Kỷ Mão (1819) “ thi Hương ở trường Thăng Long và trường Sơn Nam Hạ”. Tại trường Thăng Long có 23 người được lấy đỗ Hương cống, trong đó có Trịnh Hoa Đường (sách chép là Trịnh Đường).

Đời vua Gia Long chưa mở khoa thi Hội, phải đến năm Nhâm Ngọ (1822), khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn mới được tổ chức dưới triều vua Minh Mạng. Khoa thi này có tất cả 164 người đủ điều kiện dự thi nhưng chỉ có 8 người đỗ và được vào thi Đình; không có ai tên là Trịnh Hoa Đường trong danh sách đỗ Tiến sĩ khoa này.

Khoa thi Hội thứ 2 tổ chức tháng 3 năm Bính Tuất (1826) lấy 10 người đỗ Tiến sĩ; khoa thi Hội thứ 3 tháng 3 năm Kỷ Sửu (1829) lấy 9 người đỗ Tiến sĩ, 5 người đỗ Phó bảng;Khoa thi Hội thứ 4 tháng 3 năm Nhâm Thìn (1832) lấy 8 người đỗ Tiến sĩ, 3 người đỗ Phó bảng; Khoa thi Hội thứ 5 được tổ chức tháng 5 năm Ất Mùi (1835) vào thi Đình lấy 11 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Phó bảng…

Tất cả các khoa thi này, trong danh sách đỗ Tiến sĩ đều không có ai tên là Trịnh Hoa Đường cả. Như vậy hoàn toàn không có chuyện Trịnh Hoa Đường đỗ Tiến sĩ, các sách Đăng khoa lục đều không ghi tên nhân vật này trong danh sách các bậc đỗ đại khoa.

Vua Minh Mạng và bề tôi (Hình minh họa)
Vua Minh Mạng và bề tôi (Hình minh họa)

Quan lộ của Trịnh Hoa Đường

Tác giả Nhật Nam cho hay, Trịnh Hoa Đường được vua Minh Mạng mến tài đã cho nhiều đặc ân, lại phong chức Tuần phủ Hà Tiên. Tuy nhiên, ông Long Điền bác bỏ điều này bởi “theo quan chế nhà Nguyễn, các vị đỗ Tiến sĩ lúc mới chỉ được bổ dụng đến Đồng Tri phủ (tức như Tri phủ sơ thụ, trên chức Tri huyện, mà dưới chức thực thụ Tri phủ)”. Thế nhưng Trịnh Hoa Đường đâu có đỗ Tiến sĩ mà chỉ đỗ Hương cống, nên chức vụ của ông thấp hơn nhiều.

Trong bộ Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, một số quyển có nói tới Trịnh Đường. Căn cứ theo thông tin về quê quán, chúng tôi cho rằng Trịnh Đường chính là Trịnh Hoa Đường, sở dĩ tên họ bị lược bớt do kiêng chữ húy bởi chữ “Hoa” trùng với tên bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị).

Điều này có thể thấy rất nhiều trong sử sách triều Nguyễn, các nhân vật, địa danh tên phạm vào “húy” đều phải đổi hoặc lược bỏ; đơn cử như một trong những tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn là Hà Tông Quyền vì tên lót trùng với tên vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) nên chỉ được ghi là Hà Quyền.

Đại Nam thực lục cho biết, ban đầu Trịnh Hoa Đường được bổ làm Tri huyện Tiên Lữ thuộc trấn Sơn Nam (nay là huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Trên cương vị này, năm Bính Tuất (1826): “Bọn giặc ở huyện Tiên Lữ trấn Sơn Nam hơn 400 người cướp phá xã Phí Xá. Tri huyện là Trịnh Đường nghe báo, lập tức thân đem quân và dân đuổi bắt, cùng giặc giao chiến. Đường giả lấy thuyền thúng làm con voi, sai dân đội từ đằng xa lại, phao tin là quân thành đến, đánh trống hò reo tiến lên. Giặc nghe thấy sợ chạy tan, đuổi chém được vài mươi đầu, bắt sống được vài đứa. Thành thần đem việc tâu lên. Vua xuống chiếu dụ khen ngợi và thưởng cho Đường thăng 1 cấp, dùng theo hàm Đồng tri phủ”.

Khi làm Bố chính tỉnh Hà Tiên, tháng 11 năm Qúy Tị (1833) quân Xiêm La xâm lấn, Trịnh Hoa Đường một mặt chia quân chống giữ, một mặt cấp báo về triều xin viện binh. Khi viện binh chưa đến, thấy thế giặc quá mạnh nên Trịnh Hoa Đường cho quân rút về An Giang, thành Hà Tiên rơi vào tay giặc. Vua Minh Mạng nghe tin nổi giận cách chức Trịnh Hoa Đường nhưng vẫn tạm lưu lại làm việc. Khi quân tiếp viện tới, chiếm lại đất đã mất, Đường cũng đem quân địa phương cùng phối hợp, lập công chuộc tội, được vua miễn cách chức mà chỉ giáng chức xuống 4 cấp. 

Năm Giáp Ngọ (1834) dù có ít nhiều công lao trong việc lấy lại thành Hà Tiên nhưng vì trước đó để thành bị mất vào tay giặc, kho tàng bị cướp phá hết nên Trịnh Hoa Đường không được thưởng công mà còn bị vua quở mắng. Chức vụ Tuần phủ Hà Tiên bị “cách lưu” (cách chức nhưng tạm lưu lại để dùng) là chức vụ cuối cùng trên con đường quan lộ của Trịnh Hoa Đường.

Chuẩn bị thi hành hình phạt thắt cổ (Hình minh họa)
Chuẩn bị thi hành hình phạt thắt cổ (Hình minh họa)

Sự thực về hậu vận

Hậu vận của Trịnh Hoa Đường cũng hoàn toàn không bi thảm, oan khiên như thông tin của tác giả Nhật Nam hay chết anh dũng với thành trì trước quân xâm lược như trong bài viết của tác giả Long Điền.

Theo chính sử, cái chết của Trịnh Hoa Đường là hợp lý, “đúng người đúng tội” vì đã phạm vào nhiều tội. Theo Đại Nam thực lục, tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834), một sự việc mới liên quan đến Trịnh Hoa Đường bị phát giác, triều đình ban lệnh cách chức Tuần phủ Hà Tiên và bắt đưa về kinh xử tội: “Trước kia, khi giặc Xiêm tiến sát tỉnh Hà Tiên, Đường lấy giấu 1000 quan tiền công ở kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên Án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. Đến khi tỉnh lị đã thu phục, Đường lại tâu man là tiền ở kho bị giặc lấy mất.

Đến đây, Tham tán Hồ Văn Khuê nhân Đặng Văn Nguyên bị phát giác, mới chỉ đích danh mà hặc. Khi thành án, Đường bị xử tội thắt cổ ngay. Sau đó Đặng Văn Nguyên tuân theo lời chỉ trước, cũng bị giải về kinh, giao bộ Hình nghiêm xét, rồi xử vào tội trảm giam hậu”.

Trong sách Quốc sử di biên cũng cho biết tóm tắt như sau: “Trịnh Đường vì tội lấy cắp 1000 quan tiền kho công, phải tội bắt thắt cổ chết. Đường người xã Phù Đổng, có câu thơ rằng: “Sổ đôi thanh thảo mai tàn cốt; Nhât thẩm hoàng lương tỉnh mộng hồn”. Nghĩa là: Vài đống cỏ xanh chôn xương nát. Một gối kê vàng tỉnh giấc mê”.

Một thời gian sau, trong một buổi thiết triều bàn về việc chọn nhân tài qua còn đường thi cử, nhận định rằng có người tài học nhưng đạo đức kém nên việc học và việc hành là hoàn toàn khác nhau, vua Minh Mạng có dẫn ra trường hợp của Trịnh Hoa Đường mà nói với các đại thần rằng:

“Ta thường thắc mắc về việc dùng người. Đại để, dùng khoa mục để kén lấy kẻ sĩ, vẫn là đường chính. Nhưng cái sở học của họ lại khác với sở hành. Thí dụ như Trịnh Hoa Đường ban đầu làm Tri huyện, do một việc lấy thuyền tre, giả làm voi, đẩy lui được giặc, được ta tri ngộ nhắc lên chức Tuần phủ. Thế mà lúc nước nhà hữu sự, Đường lấy cắp tiền công. Đó há chẳng phải là người khoa mục đấy ư?” (Đại Nam thực lục).

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.