Cho rằng bản án tuyên lập lờ, người phải thi hành án yêu cầu giải thích bản án, nhưng thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn chưa giải thích. Vậy bản án có được thi hành?.
Năm 1976, ông Vũ Mạnh Thượng chung sống với bà Nguyễn Tường Minh và sinh được ba người con chung là Vũ Mạnh Tuân, Vũ Mạnh Tiến và Vũ Tường Vy. Còn căn nhà 150 (trệt) Trần Hưng Đạo B, Quận 5, TPHCM thuộc sở hữu của nhà nước được Sở LĐTB&XH bố trí cho gia đình ông Thượng (gồm ông Thượng và Minh và 3 người con chung của họ) ở từ năm 1978. Đến năm 1980, ông Thượng bà Minh nhập hộ khẩu thường trú tại căn nhà trên.
Căn nhà số 150 Trần Hưng Đạo B, quận 5, TP.HCM |
Năm 1995, ông Thượng chết. Như vậy cho tới khi chết thì căn nhà 150 (trệt) Trần Hưng Đạo B vẫn thuộc sở hữu nhà nước cho nên năm 1996, bà Minh ký hợp đồng thuê nhà với Đội quản lý nhà của UBND Q5.
Năm 1998, bà Minh lập thủ tục xin hóa giá căn nhà trên với số tiền thực nộp là 82.353.829 đồng (trừ số tiền được xét giảm là 81.088.592 đồng theo Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ và số tiền giảm 10% là 9.150.425 đồng do chọn phương thức trả hết tiền mua nhà một lần).
Năm 1999, bà Minh được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với căn nhà nêu trên. Sau đó bà Minh bán một phần diện tích căn nhà để trả tiền chữa bệnh cho ông Thượng khi còn sống và chi phí mai táng.
Gần 10 năm sau, cho rằng số tiền được xét giảm 81.088.592 đồng là “di sản của ông Thượng để lại” nên vợ trước của ông Thượng là bà Nguyễn Phùng Thúy Anh và các con chung của họ là Vũ Ánh Hiền, Vũ Ánh Tuyết, Vũ Bích Vân và Vũ Mạnh Dũng đã khởi kiện bà Tường Minh đòi chia thừa kế tài sản.
Tại Bản án sơ thẩm số 51/2011/DS-ST ngày 30/11/2011 của TAND Q5 nhận định “số tiền 81.088.592 đồng chỉ xét giảm trực tiếp cho bà Nguyễn Tường Minh là người đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước có đơn xin mua phần diện tích đang thuê” chứ không phải là di sản do ông Thượng để lại, nên đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Thế nhưng, tại Bản án phúc thẩm số 470/2012/DS-PT ngày 7/5/2012 của TAND TPHCM do thẩm phán Phạm Thị Hằng làm chủ tọa, nhận định rằng số tiền 81.088.592 đồng được xác định là di sản của ông Thượng để lại nên chia 10 phần bằng nhau cho 2 bà vợ và các con của ông Thượng, gồm Nguyễn Phùng Thúy Anh, Vũ Ánh Tuyết, Vũ Bích Vân, Vũ Mạnh Dũng, Vũ Ánh Hiền, Nguyễn Tường Minh, Vũ mạnh Tuân, Vũ Mạnh Tiến, Vũ Tường Vy và một suất cho công sức của bà Minh.
Xác định số tiền giảm 81.088.592 đồng lúc đó bằng 46,9% trị giá căn nhà nên Tòa định giá căn nhà hiện nay rồi tuyên mỗi suất thừa kế được hưởng là 513.386.704 đồng.
Với phán quyết của cấp phúc thẩm, bà Minh coi như mất trắng căn nhà. Bản án được Chi cục Thi hành án dân sự Q5 giao cho Thừa phát lại Q5 thi hành. Ngày 31/5/2012, bà Minh có đơn gửi TAND TPHCM yêu cầu giải thích Bản án số 470/2012/DS-PT vì có nhiều đoạn ghi lập lờ không rõ nghĩa. Cụ thể phần nhận định bản án có ghi “Như vậy, có đủ cơ sở xác định số tiền 81.088.592 đồng được giảm khi mua hóa giá căn nhà 150 (trệt) Trần Hưng Đạo là do ông Vũ Mạnh Thượng là thương binh, có 26 năm công tác liên tục nên được hưởng theo chính sách chế độ người có công với cách mạng”.
Bà Minh làm đơn cho rằng “câu văn trên không có chủ ngữ”, yêu cầu giải thích cụm từ “khi mua” nghĩa là “khi bà Minh mua” hay “khi ông Thượng mua”?; Cụm từ “nên được hưởng” có nghĩa là “nên bà Minh được hưởng hay là “nên ông Thượng được hưởng”. Nếu Tòa khẳng định là ông Thượng được hưởng thì Tòa trích dẫn từ chứng từ nào trong hồ sơ?.
Thế nhưng, cho đến nay thẩm phán Phạm Thị Hằng vẫn chưa có văn bản giải thích bản án nói trên, còn căn nhà thì chuẩn bị kê biên bán đấu giá.
Cho rằng TAND TPHCM đã xét xử oan sai, bà Nguyễn Tường Minh đã làm đơn gửi TAND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm.
Luật sư Đào Duy Tân, Phó Giám đốc Cty TNHH Luật Thuận Đức (Đoàn Luật sư TPHCM): Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử không khách quan Thưa LS, pháp luật quy định về việc giải thích bản án dân sự như thế nào? - Theo quy định tại Điều 382 Bộ luật Tố tụng dân sự thì người phải thi hành án, có quyền yêu cầu bằng văn bản Tòa án đã ra bản án giải thích những điểm chưa rõ trong bản án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án phải có văn bản giải thích và gửi cho người có yêu cầu, VKS cùng cấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.Thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải thích bản án của Tòa án. Như vậy nếu Thẩm phán Phạm Thị Hằng không giải thích bản án nói trên thì bản án đó có được thi hành không? - Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định nói nếu không có việc giải thích thì bản án phúc thẩm đó không có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên trong vụ àn này, tôi nghĩ Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử không khách quan, bà Nguyễn Tường Minh có thể khiếu nại đến Chánh án TAND TPHCM để yêu cầu giải thích và khiếu nại xin giám đốc thẩm lại vụ án. |
Công Lý