Nguy cơ mất an toàn thực phẩm bủa vây
Trong cuộc sống hàng ngày, thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng với con người, chúng không chỉ cung cấp năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể mà còn là yếu tố quyết định đến sức khỏe. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất và không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm ngày càng trở nên phổ biến, tạo nên những rủi ro lớn đối với người tiêu dùng.
Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, với 2.138 người mắc, 6 người tử vong. Phân tích thêm, trên tổng 36 vụ ngộ độc thực phẩm, ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc. 2 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.
Trong số đó có các vụ ngộ độc tập thể đặc biệt nghiêm trọng, số lượng lên đến hàng trăm nạn nhân. Đơn cử như vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, khiến hơn 500 người bị ngộ độc. Theo Sở Y tế Đồng Nai, có 547 người phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc sau khi tiêu thụ bánh mì được bán tại tiệm Cô Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh) trong hai ngày 30/4 và 1/5. Các triệu chứng chủ yếu của bệnh nhân bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, sốt và được chẩn đoán là nhiễm trùng đường ruột. Nguyên nhân được cơ quan chức năng công bố do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mì này cũng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Đáng chú ý, vi sinh vật Salmonella là nguyên nhân chính trong hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể thời gian gần đây. Ngoài vụ ngộ độc tập thể tại tỉnh Đồng Nai nói trên, vào tháng 1/2024, hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà làm 150 người mắc và đi viện do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội. Tại Khánh Hòa, vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh tháng 3/2024, làm 369 người mắc và nhập viện do vi sinh vật Salmonella trong gà. Mới đây nhất, tại Đồng Nai, vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Dechang Việt Nam làm 95 người mắc và đi viện, nguyên nhân cũng do vi sinh vật Salmonella trong mỳ quảng.
Vi sinh vật Salmonella thường xuất hiện trong quá trình các cơ sở ăn uống, bếp tập thể, người tiêu dùng bảo quản và chế biến thực phẩm không bảo đảm, như thực phẩm ngày hôm trước ăn không hết, để tủ lạnh đến ngày hôm sau ăn tiếp dẫn đến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Khi vi khuẩn phát tán thường khu trú vào các bề mặt thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả, trứng, trái cây và thực phẩm chế biến sẵn. Đặc biệt, Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm 35 - 37 độ C.
Vào hè, thời tiết nắng nóng không chỉ là môi trường yêu thích của Salmonella mà các vi khuẩn khác cũng dễ sinh sôi, phát triển. TS. BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhận định, thời gian từ tháng 4 tới tháng 8 hàng năm là thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ ẩm cao, đây là môi trường thích hợp cho côn trùng gây hại, vi khuẩn phát triển (mạnh nhất trong nhiệt độ từ 32 - 43 độ C), dễ dẫn tới thức ăn ôi thiu nếu không được bảo quản cẩn thận. “Nhiệt độ tăng cao cũng khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn trong thực phẩm, cơ thể sẽ giảm khả năng chống cự hơn”, TS. BS Trương Hồng Sơn chia sẻ.
Bên cạnh yếu tố thời tiết, nguy cơ mất an toàn thực phẩm còn đến từ các yếu tố khách quan như ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc;… Đơn cử như hình ảnh những người bán hàng tay vừa bốc thực phẩm, vừa nhận tiền từ khách hay dọn dẹp hàng quán vốn không còn lạ lẫm. Tác động từ môi trường như thiếu nước sạch hoặc khói xe, khói thuốc, chất ô nhiễm khác có thể đi vào thức ăn để gây độc cho người dùng do không được bảo quản đúng cách.
Yếu tố chủ quan đến từ chính người dân, trước nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch… nhiều người vẫn nhắm mắt mua dù không biết thực phẩm có an toàn hay không. Chính sự thoả hiệp này có thể dẫn đến những hệ luỵ, không chỉ gây ra ngộ độc thực phẩm mà còn tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe.
Chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm
Mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây ra ngộ độc thực phẩm và tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. (Ảnh: TTXVN) |
Tròn 12 năm kể từ lúc Luật An toàn thực phẩm được ban hành và đi vào thực thi, bên cạnh đó còn có Nghị định 15 và thông tư của các Bộ, ngành cùng tham gia quản lý thực phẩm. Về cơ bản, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã đầy đủ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở...
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời tiết nắng nóng, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với đơn vị chức năng liên quan triển khai các biện pháp giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt chú trọng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình... Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát phải được làm thường xuyên, nghiêm túc, tránh tình trạng xem lấy lệ, nhất là cấp quận, huyện, phường, xã nơi trực tiếp quản lý loại hình kinh doanh này.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm. Hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, nhất là khi nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm phòng, chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt.
Bên cạnh sự can thiệp của các cấp, ngành và cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự bảo vệ cho sức khỏe của mình bằng cách trở thành người tiêu dùng thông thái. Từ việc chú ý chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, “tẩy chay” các sản phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái hoặc có chất lượng kém. Cho đến việc nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc. Không “nhắm mắt cho qua” bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ nhất cũng gây hậu quả khôn lường. Mỗi cá nhân bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ góp phần chung tay để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:
- Ăn ngay khi thức ăn được chế biến, nấu chín và chỉ có thể để được tối đa 2 giờ trong nhiệt độ bên ngoài.
- Lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 50 độ C để ngăn sự phát triển của vi khuẩn.
- Giữ thực phẩm tươi sống dễ hỏng như cá, thịt, hải sản ở nhiệt độ từ 2 - 30 độ C và rã đông thực phẩm đông lạnh an toàn, ưu tiên rã đông trong tủ lạnh.
- Không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông.
- Các thực phẩm thịt, cá, trứng và một số rau, củ cần phải được chế biến đúng cách và nấu chín trước khi sử dụng để tránh ngộ độc thực phẩm và bị nhiễm ký sinh trùng.
- Sử dụng nước sạch để sơ chế hoặc chế biến thực phẩm.
- Lựa chọn nguyên liệu thực phẩm tươi ngon, bảo đảm về nguồn gốc.