Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP Hà Nội, từ đầu 2022, đến nay, các đoàn thanh, kiểm tra, giám sát về ATTP đã kiểm tra 215 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 182 (chiếm tỷ lệ 84,7%); truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện. Chi cục ATVSTP đánh giá, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về ATTP, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.
Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.
Do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm, mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ. Hầu hết các đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.
Để bảo đảm ATVSTP bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí. Trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm ATVSTP tại đơn vị cung cấp. Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATVSTP tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người; chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.