Những ngày lễ, Tết là dịp nhiều người dân có điều kiện kinh tế mở rộng tấm lòng, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm đáng quý cần được biểu dương nhân rộng.
Tuy nhiên, một số vụ ngộ độc gần đây, nhất là vụ ngộ độc sau khi ăn bánh trung thu tại TP HCM khiến 50 người có triệu chứng khó chịu, quặn ruột, đau, trong đó 19 người phải nhập viện để chăm sóc y tế, một cháu bé tử vong, làm nhiều người lo lắng.
Bà Đặng Thị Hồng Lý, Trưởng nhóm thiện nguyện nữ doanh nhân cho biết: “Sau những sự vụ như vậy, chúng tôi cẩn thận hơn, chỉ tặng phần quà là những đồ khô như phở, bún, bánh đóng gói để mọi người tự chế biến theo nhu cầu”. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Câu lạc bộ nữ cựu chiến binh quận Tân Bình cho biết, câu lạc bộ chuẩn bị những phần quà tặng là tiền mặt để mọi người chủ động mua đồ ăn.
Từ vụ việc nêu trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP thừa nhận, thực phẩm từ thiện còn có mảng trống, chưa có cách quản lý hiệu quả. Loại hình này có nhiều điểm tương tự với thực phẩm đường phố, không cần đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận ATVSTP nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Lan cho biết, để bảo đảm ATVSTP, bảo vệ sức khỏe người dân, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng như Ban Quản lý ATTP, Sở Y tế, các cấp chính quyền địa phương sẽ phối hợp tăng cường tuyên truyền, cập nhật kiến thức về ATTP cho các nhóm đối tượng chế biến, kinh doanh, tiêu dùng; trách nhiệm pháp lý khi vi phạm quy định về ATTP. Tăng cường giám sát các bếp ăn tập thể; tập huấn kiến thức bảo đảm ATTP cho các nhóm người chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng; nhóm thiện nguyện. Các Trung tâm Y tế cần tập trung tuyên truyền cho đại diện các chùa, đình, ban trị sự, bếp ăn từ thiện... biết được những quy định về ATTP và trách nhiệm pháp lý để thực hiện đúng, tránh những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.