Sáng qua (30/3), tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” họp phiên toàn thể lần thứ 3 để góp ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2011-2016, việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP vẫn bộc lộ không ít tồn tại, yếu kém. Tình trạng vi phạm quy định về ATTP khá phổ biến; có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động - giới hạn đỏ. Đáng chú ý là tỷ lệ vi phạm bị phát hiện rất cao song vẫn chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế khi tình trạng ngộ độc thực phẩm đang diễn ra khá nghiêm trọng tại một số địa phương.
Ngành Y tế đã triển khai ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến tận các cơ sở nhưng “thực tế không ít cơ sở chỉ ký cam kết cho đầy đủ thủ tục và để đối phó với cơ quan chức năng” – Đoàn giám sát nhận xét về hiệu lực pháp lý của các cam kết bảo đảm ATTP này. Cũng theo Đoàn giám sát, đây chính là “mảng tối” trong công tác quản lý ATTP và cần phải có hình thức quản lý thích hợp.
Qua giám sát còn cho thấy hiện chưa kiểm soát được ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, thủ công; biện pháp, công cụ quản lý còn hạn chế; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện...
Và mặc dù ATTP có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người dân, cộng đồng song các vi phạm chủ yếu chỉ bị phạt hành chính, với số tiền phạt vi phạm ATTP thời gian qua chỉ trung bình 200.000 đồng/vụ việc, không khác gì “nốt muỗi đốt” đối với lợi nhuận thu được qua các hành vi vi phạm về ATTP nên đủ sức răn đe.
Cùng với đó việc Luật ATTP hiện “chưa sát với thực tế nên không ít quy định chưa bảo đảm tính khả thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý ATTP”, hành vi vi phạm về ATTP còn chưa được lượng hóa… Nhưng trước đó, trong phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Đoàn giám sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định, các quy định pháp luật hiện hành đã đủ cơ sở để có thể làm tốt hơn công tác quản lý ATTP, kể cả trong việc quy trách nhiệm và xử lý sai phạm. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát quy định của Luật ATTP trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực tế và thay đổi cách tiếp cận về quản lý ATTP.
Kiến nghị phải “chỉ được đích danh trách nhiệm”
Đa số thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nội dung dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và cho rằng, dự thảo đã phản ánh tương đối đầy đủ thực trạng, hạn chế, yếu kém về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo Báo cáo cần được cô đọng và thể hiện một cách sắc nét hơn nữa, tập trung làm rõ tính chất nghiêm trọng, phổ biến và đã đến giới hạn báo động - giới hạn đỏ của tình trạng vi phạm về ATTP; chỉ rõ đâu là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, đâu là trách nhiệm của địa phương. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Trần Văn Minh thấy, cần nghiên cứu để đưa ra những chỉ tiêu định lượng như về tỷ lệ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP hoặc chỉ tiêu giảm ngộ độc thực phẩm... làm “căn cứ để “hậu kiểm” đánh giá việc thực thi sau giám sát”.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, Đoàn giám sát đã đề xuất các giải pháp về thể chế chính sách, tổ chức thực hiện, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật ATTP và một số văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, kiến nghị Chính phủ tăng mức xử lý vi phạm hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương đối với việc quản lý ATTP. Ở T.Ư nên thành lập Ủy ban ATTP, còn ở cấp tỉnh cũng cần có cơ quan cấp sở quản lý ATTP trên cơ sở tích hợp đơn vị cùng chức năng.
Ngoài ra, Đoàn giám sát cho rằng, muốn tiến tới sản xuất nông nghiệp sạch với quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có bước đi thích hợp với từng giai đoạn và thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; tổ chức thực hiện và nguồn lực.
Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát đề nghị báo cáo “cần chỉ được đích danh trách nhiệm”, từ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - đoàn thể… trong vấn đề ATTP. “Báo cáo giám sát phải ghi rõ như thế mới có sức nặng, chứ kiến nghị chỉ nói như thế thôi thì không được” – ông Hiển nhấn mạnh.