“Thực phẩm bẩn” ra sức tuồn hàng vào dịp Tết
Chỉ còn không đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền của nước ta nên tại các siêu thị và các chợ truyền thống, nhiều mặt hàng như thịt, thủy hải sản, giò chả, bánh kẹo, mứt, rượu bia, hoa quả sấy khô, các loại hạt… đã được tiểu thương bày bán la liệt để phục vụ nhu cầu của người dân.
Điều đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm này là có nhãn mác nguồn gốc xuất xứ cũng có, mà không có nhãn mác cũng có khiến người dân vô cùng bối rối về chất lượng. Ví dụ như đằng sau những khuôn giò chả kia liệu có được sản xuất bằng nguồn thịt sạch, đảm bảo chất lượng hay không, hay nguồn gốc của số thịt đó là từ heo, bò không rõ xuất xứ đã bốc mùi hôi thối?
Tại TP. HCM, chiều ngày 10/1, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố phát hiện 768kg nguyên liệu gồm mỡ heo đông lạnh, thịt gà, thịt xay không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch thú y tại một cơ sở giò chả tại số 937, tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu do bà Trần Thị Ngọc Lan làm chủ.. Toàn bộ nguyên liệu này không gắn nhãn hàng thông tin xuất xứ và thời gian sử dụng.
Ngoài ra, còn phát hiện thêm gần 10kg bột màu trắng được xác định phụ gia dùng trong bảo quản, làm giòn và dai giò chả. Bước đầu bà Lan khai nhận, cơ sở mới sản xuất được 3 tháng để “đón Tết” và vừa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP tháng 12/2016.
Cùng ngày 10/1, tại Đồng Nai, đoàn kiểm tra liên ngành khi kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả của ông Lê Văn Thi tại địa chỉ số E28A, tổ 7, KP 5, phường Long Bình, TP. Biên Hòa cũng phát hiện có 550kg giò chả thành phẩm chuẩn bị bán ra thị trường. Ông Thi khai nhận đã thu mua nguyên liệu thịt heo trôi nổi đem về chế biến giò chả để bán cho các đầu mối trong dịp Tết.
Bất ngờ khi đoàn lấy mẫu số giò chả trên test nhanh (định tính) thì có dấu hiệu dương tính với chất cấm. Ngay sau đó, đoàn lập biên bản tịch thu và lấy mẫu đi xét nghiệm (định lượng) để có biện pháp xử lý tiếp theo. Cơ sở của ông Thi không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận ATVSTP.
Còn tại Thanh Hóa, từ tháng 12/2016 đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã bắt được hàng chục vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc như thuốc lá và rượu nhập ngoại, các loại thịt trâu, bò, heo không rõ nguồn gốc đã bốc mùi hôi thối đưa đi tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu với diễn biến vô cùng phức tạp.
Trông chờ vào lương tâm người sản xuất
Được biết, vào giữa tháng 12/2016, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP đã ban hành kế hoạch số 1244/KH-BCĐTƯVSATTP về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa lễ hội xuân năm 2017.
Theo nội dung Kế hoạch, Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm phân công các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các ngành thành viên Ban chỉ đạo tham gia 06 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố (các Bộ chủ quản của đơn vị Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra ban hành quyết định kiểm tra) nhằm bảo đảm công tác an toàn thực phẩm cho người dân. Quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở, đối tượng cố tình vi phạm các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Cụ thể vào ngày 11/1/2017 vừa qua tại Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất nước giải khát của Công ty cổ phần thương mại Tân Tiến Phát (địa chỉ tại xã Dương Liễu, Hoài Đức) cho thấy khu vực sản xuất và kho bảo quản không đảm bảo vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm sản xuất không đúng với hồ sơ công bố, vi phạm quy định về nhãn mác. Hồ sơ công bố là nước chanh leo nhưng sản phẩm là nước chanh dây và trên nhãn mác có ghi thêm là bổ sung vitamin; lon nước hương bí đao nhưng được đóng thùng ở bên ngoài có nhãn mác là trà bí đao.
Trước đó, vào ngày 29/11/2016, Cục An toàn thực phẩm cũng đã phối hợp với C49 Bộ Công an đã kiểm tra tại cơ sở này cũng đã có kết luận cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh để sản xuất; sử dụng nước không đạt quy chuẩn để sản xuất thực phẩm (cụ thể theo kết quả xét nghiệm của Viện Dinh Dưỡng quốc gia mẫu nước dùng phối trộn nguyên liệu lấy từ vòi chảy vào thùng phối trộn có nhiễm Coliforms); sản xuất 8 lô sản phẩm thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục cho phép sử dụng nhưng vượt giới hạn cho phép.
Trước trường hợp cố tình tái vi phạm nhiều lần như trên, người tiêu dùng tự hỏi vấn đề ATVSTP hiện nay đã được Nhà nước hết sức quan tâm, đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt mà vẫn còn xuất hiện những trường hợp như trên, thì đúng là sức khỏe của người dân chỉ còn trông chờ vào lương tâm của người bán và người sản xuất mà thôi.
Có lẽ vì thế mà Bộ Y tế, các lực lượng chức năng chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương bên cạnh việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm ATVSTP thì công tác truyền thông cũng được hết sức đẩy mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2016 cả nước đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm lớn với 4.139 người mắc và 12 trường hợp tử vong, trước tình hình đó, bên cạnh việc giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả các vấn đề bức xúc về an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, phòng ngừa và cảnh báo kịp thời các vấn đề về an toàn thực phẩm thì công tác truyền thông sẽ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên, các hình thức truyền thông được đa dạng hóa nhằm tác động tốt đến các đối tượng trong việc thay đổi hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm.