Bản án có hiệu lực pháp luật, bên thua kiện đã tự nguyện thi hành án xong các khoản phải thi hành theo nội dung quyết định của tòa án, thì cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại.
Bản án đã thi hành xong
Nguồn gốc căn nhà 22 Nguyễn Biểu, phường 1, Đà Lạt, Lâm Đồng là của ông Huỳnh Dung và bà Huỳnh Thị Để mua từ năm 1934. Anh Huỳnh Văn Hữu là con duy nhất của ông Dung, bà Để.
Sau khi bố mẹ mất, toàn bộ tài sản và căn nhà do anh Hữu thừa kế từ năm 1945. Tới năm 1976, gia đình anh Hữu chuyển đến nơi ở mới, căn nhà nói trên anh Hữu cho bà Huỳnh Thị Ngộ (bà Ngộ được bố mẹ anh Hữu cưu mang từ nhỏ) và con gái bà Ngộ là chị Trần Thị Đông ở nhờ. Đến khi bà Ngộ qua đời, chị Đông làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đòi chia thừa kế căn nhà, vì cho rằng bà Ngộ là con nuôi của ông Dung, bà Để.
Nhưng anh Hữu không thừa nhận, còn chị Đông không xuất trình được căn cứ chứng minh bà Ngộ là con nuôi của ông Dung và bà Để. Theo đó, qua hai lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, Bản án Phúc thẩm số 165/2008/DSPT ngày 11/9/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng, đều không công nhận bà Huỳnh Thị Ngộ là con nuôi của ông Huỳnh Dung và bà Huỳnh Thị Để. Chỉ công nhận anh Huỳnh Văn Hữu là con duy nhất của ông Dung và bà Để, đồng thời buộc chị Đông phải trả lại phần nhà ở nhờ cho anh Hữu.
Thực hiện quyết định của Tòa , ngày 01/11/2010 tại số nhà 22 Nguyễn Biểu trước sự chứng kiến của đại diện Chi cục Thi hành án thành phố Đà Lạt và UBND phường 1 cùng tổ khu phố, chị Đông đã tự nguyện tháo dỡ căn nhà và trả lại toàn bộ diện tích đất theo quyết định nêu trên cho anh Hữu. Sau khi nhận lại đất, anh Hữu đã hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã chuyển nhượng diện tích đất này cho ông Lê Nguyên Đạm theo Hợp đồng số 11102475.
Hủy bản án không có căn cứ vững chắc
Bên thua kiện đã tự nguyện thi hành án xong bản án. Vậy mà, vào ngày 01/4/2012 (theo dấu gửi bưu điện Hà Nội đóng ngày 27/03/2012 - PV) anh Hữu nhận được Quyết định Giám đốc thẩm số 866/2011/DS-GĐT ngày 22/11/2011 của TANDTC có nội dung là hủy Bản án Phúc thẩm số 165/2008/DSPT, ngày 11/9/2008 của TAND tỉnh Lâm Đồng và Bản án Sơ thẩm số 06/2008/DSST của TAND TP.Đà Lạt.
Căn cứ hủy là: “Để có thêm cơ sở xác định bà Huỳnh Thị Ngộ là con nuôi thực tế của cụ, Tòa án cần hỏi thêm những người dân sống lâu năm tại địa phương về thực chất mối quan hệ giữa hai cụ và bà Ngộ; làm rõ ý chí của hai cụ đối với bà Ngộ trong việc nuôi dưỡng, quan hệ… Mặt khác, cần làm rõ hồ sơ, giấy tờ hộ tịch bà Ngộ khai về cha mẹ và tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương…”.
Về vấn đề này, Sở Tư pháp Lâm Đồng đã có Công văn số 27/STP-HCBTTP ngày 18/01/2008 trả lời TAND TP.Đà Lạt, trường hợp bà Ngộ tự khai là con nuôi của ông Dung và bà Để nêu: “Thời điểm năm 1978, không có giấy tờ chứng minh việc nuôi con nuôi trước đó đã được đăng ký theo quy định của pháp luật nên không có cơ sở để công nhận bà Huỳnh Thị Ngộ là con nuôi của ông Huỳnh Dung và bà Huỳnh Thị Để” (văn bản này được bản án sơ thẩm dẫn chứng căn cứ để quyết định không công nhận bà Ngộ là con nuôi của ông, bà Dung, Để - PV).
Nhiều luật sư cho rằng, Hội đồng Giám đốc thẩm căn cứ lý do mà trước đó đã được Tòa án hai cấp phân tích để hủy án là không có cơ sở vững chắc, thiếu khách quan, toàn diện. Mong rằng, lần xét xử tới TAND TP.Đà Lạt sẽ có một bản án công tâm, đúng luật, bảo vệ cán cân công lý.
Đặng Chung