5 bị cáo này có người là Trưởng trạm bảo vệ rừng, có người là Đội phó, 3 người còn lại là nhân viên. Họ phá chòi tôm cho là xây dựng trái phép trên đầm, bắt trói chủ người già và người trong gia đình xuống ghe chở đi, phá cọc xi măng, cốt thép và vứt 40 bao xi măng xuống nước.
Điều đáng quan tâm là họ làm những việc “không đúng quy trình”, vi phạm pháp luật đó để “trả thù” nữ chủ chòi tôm kiên quyết tố cáo “cát tặc”. Sau khi xảy ra vụ này 2 tháng người phụ nữ tố cáo “cát tặc” này đã bị truy tố, bắt giam nhưng do có sự phản ảnh của công luận và cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật vào cuộc, vụ án bị đình chỉ và cơ quan Viện kiểm sát đã xin lỗi công khai.
Giả sử vụ án của người phụ nữ tố cáo “cát tặc” kia không phải đình chỉ và vòng quay tố tụng vào guồng thì hẳn chị đã ở trong tù và không bao giờ có phiên tòa xét xử các nhân viên nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật này. Song, sự thật đã được làm sáng tỏ và họ buộc phải trả giá cho những hành vi sai trái của mình. Bài học rất đáng giá là không thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để “dằn mặt” hoặc “trả thù” người dân khi họ thực thi quyền công dân, tố cáo những tiêu cực xã hội. Cũng không thể dựng lên một vụ án này để che đậy một vụ án khác như trường hợp này.
Cùng thời điểm, tại Nha Trang, diễn ra phiên phúc thẩm xử kiện bồi thường 4 cái cọc sắt của một tiểu thương bị chính quyền cưỡng chế dỡ bỏ. Chỉ là dựng cột che mưa cho hàng hóa ở chợ thôi mà chính quyền ra quyết định cưỡng chế, khép vào hành vi “xâm phạm trật tự xây dựng đô thị”. Tất nhiên, quyết định sai trái này không ai có thể chấp nhận đã bị Tòa
tuyên hủy, song không tuyên chính quyền phải bồi thường cho chị. Thế nhưng, câu hỏi của chị tiểu thương giữa pháp đình nói trong nước mắt: Không có mái che mưa thì sao bảo quản được hàng hóa và tại sao tất cả mọi người đều làm mái che mưa mà không ai bị xử lý, ngoài chị?
Câu hỏi đó không được ai có trách nhiệm trả lời và như một biểu hiện của sự bất công trong văn hóa ứng xử của chính quyền sở tại, tự cho mình cái quyền muốn cho ai sống thì người đó được sống, tương tự như cách các nhân viên bảo vệ rừng “trả thù” chị nuôi tôm.
Đó là bài học lớn từ các vụ án nhỏ. Đó cũng là một phần bức tranh phản ảnh khá rõ nét về thái độ đối với dân của chính quyền một số địa phương cũng như nhân viên thi hành công vụ./.