Xếp hàng trước cổng Nhà máy đường An Khê là hàng trăm xe tải chở mía của hàng trăm hộ nông dân đang chực chờ để nhập mía cho nhà máy…
Hàng trăm xe mía ứ đọng trước cổng vào Nhà máy Đường An Khê |
Ông Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường An Khê cho biết: “Do ba năm nay mía được mùa nên nhu cầu ép mía cũng tăng lên. Hiện nay, các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai đang bước vào cao điểm. Cây mía được mùa, được giá nên hầu hết các hộ trồng mía đang tập trung đẩy nhanh thu hoạch cho kịp thời vụ.
Tiểu thương ồ ạt thu hoạch không theo kế hoạch nhà máy đã đề ra, nên việc hàng trăm xe mía phải nằm chờ ba, bốn ngày, thậm chí có nhiều xe nằm đã gần một tuần nay là điều không thể tránh khỏi. Đối với những xe mía tồn đọng lâu ngày, chúng tôi buộc phải ưu tiên đưa vào để ép, nếu để lâu thì chất lượng và sản lượng sẽ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại cho cả nhà máy và nông dân".
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực trước cổng nhà máy, các xe mía tồn đọng kéo dài từ ngoài Quốc lộ 19 vào tận nhà máy gây ách tắc giao thông. Hiện nay trên địa bàn có khoảng trên 1.500 xe chuyên chở mía nguyên liệu về bán cho nhà máy, trong đó nhà máy có trên 900 xe, số còn lại là của nông dân tự mua sắm. Nông dân ồ ạt thu hoạch mía và với lượng xe như vậy, thì việc ứ đọng trước cổng là quả điều dễ hiểu.
Các chủ xe mía ở đây cho biết, hầu hết các xe mía này đã chờ hai ngày, thậm chí có những xe đã chờ tới bốn ngày, mà vẫn chưa đến lượt. Họ cũng thừa nhận rằng, việc thu hoạch ồ ạt mía đã dẫn đến tình trạng “nằm chờ” đến lượt mình được thu mua như hiện nay. Tuy nhà máy đã phát hẳn phiếu thu hoạch đến tận tay, nhưng do nóng lòng nên nhiều nông dân vẫn tự ý thu hoạch và dùng xe của nhà mình chở đi bán cho nhà máy.
Khó khăn nhất là những hộ nông dân ở những địa phương lân cận như KBang, KôngChro, ĐăkPơ..., bởi vì từ nơi thu hoạch về tới nhà máy cách xa cả mấy chục km, chi phí vận chuyển tăng cao, công lao động cũng tăng lên đến 200 ngàn đồng/ tấn, trong khi mía chở đến cổng nhà máy rồi lại phải nằm chờ.
Chị Phạm Thị Minh – Xã Tơ Tung – huyện Kbang cho biết: “Gia đình làm được một hecta mía, năm nay mía được mùa nên tôi đã thuê 5 xe chở đến nhà máy bán, cả năm xe mía đã chờ ở đấy đến năm ngày rồi nhưng vẫn chưa bán được. Mỗi ngày chờ đợi là thêm phần lo lắng hơn vì sản lượng mía hao hụt, chi phí ăn ở tăng thêm. Bên cạnh đó, số mía đã đốn đang nằm ngoài bãi chưa bốc xe cũng sẽ hao hụt đi rất nhiều, không biết sau khi bán được cho nhà máy, trừ chi phí đi còn lãi được bao nhiêu (?!)”.
Dự đoán trước diện tích và sản lượng mía năm nay tăng cao hơn so với các năm trước, lãnh đạo nhà máy đường An Khê đã lắp ráp thêm một dây chuyền ép mía, nâng công suất ép từ 4.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ ngày. Thế nhưng, dẫu có vận hành tối đa công suất thì cũng khó mà “ngốn” bằng hết được hàng nghìn xe mía cùng lúc đổ về. Cũng cần phải nói thêm, giá mía nguyên liệu năm qua tăng cao đã đẩy diện tích mía của bà con ngày một tăng (khoảng 23.000 - 24.000 ha so với năm trước).
Thật ra, tình trạng thu hoạch nông sản ồ ạt do được giá, hay do sợ bị mất cắp đã diễn ra phổ biến từ rất lâu. Chuyện thu hoạch cà phê cả trái chín lẫn trái xanh, thu họach hồ tiêu khi quả mới già… khiến các đối tác nước ngoài trả về vì chất lượng kém vốn đã là những bài học nhãn tiền. Thế nhưng, có vẻ như năm này qua năm khác, “vết xe đổ” vẫn nguyên là “vết xe đổ”.
Hình ảnh đau lòng đang tái diễn ở An Khê thêm một lần nữa báo động về những bất ổn trong việc chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Mà phải nói, nông dân – những người chịu thiệt nhiều nhất cũng phải nhận phần trách nhiệm. Không chỉ riêng trường hợp Nhà máy đường An Khê, trước đây đã có rất nhiều đơn vị chế biến nông sản kêu trời vì tính tự phát, luộm thuộm, vô kỷ luật của một bộ phận không nhỏ nông dân vùng nguyên liệu. Cho nên công tác huấn luyện về cung cách làm ăn công nghiệp, bài bản cho nhà nông lần nữa lại đặt ra như một vấn đề hết sức thời sự.
Ngọc Anh