Ấn Độ tranh cãi về việc hủy tiền mệnh giá lớn

Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ rút tiền mặt. Ảnh: Indian Express
Người dân Ấn Độ xếp hàng chờ rút tiền mặt. Ảnh: Indian Express
(PLO) - Đất nước Ấn Độ đang náo động sau động thái táo bạo và nguy hiểm là hủy bỏ tiền mặt mệnh giá lớn của Chính phủ nước này.

Hôm 8/11 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bất ngờ tuyên bố hủy bỏ những tờ tiền mệnh giá 500 rupee và 1.000 rupee (có trị giá lần lượt khoảng 7,5 và 15 USD) nhằm ngăn chặn nạn tham nhũng và tăng cường kiểm soát chặt chẽ “nền kinh tế đen” ở nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ tìm cách hủy bỏ tiền mệnh giá lớn nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề tiền đen ở nước này. Hồi năm 1978, Thủ tướng nước này là ông Moraji Desai cũng đã áp dụng biện pháp trên. Tuy nhiên, khác với lần trước, lần này Thống đốc Ngân hàng dự trữ quốc gia của Ấn Độ Urjit Patel bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Chính phủ và gọi đây là một động thái cứng rắn để giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của vấn đề tiền giả ở Ấn Độ.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã ra tuyên bố ủng hộ nỗ lực của ông Modi nhưng cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ cần phải thận trọng trong việc quản lý quá trình chuyển đổi sang sử dụng các đồng tiền mới vì sự phổ biến và tầm quan trọng của tiền mặt trong nền kinh tế nước này.

Dù vậy nhưng quyết định của giới chức Ấn Độ đã vấp phải phản ứng trái chiều từ chính các quan chức nước này. Thủ hiến của các bang Bihar, Andhra Pradesh, Odisha và Telengana đều đã công khai ủng hộ và đánh giá cao động thái của Thủ tướng Modi. Ngược lại, người đứng đầu chính quyền các bang Uttar Pradesh, Karnataka, Maharashtra và Tây Bengal lại bày tỏ sự lo lắng và chỉ trích ở các mức độ khác nhau về những tác động có hại của chính sách này ở tầm nhìn ngắn hạn. Các nghị sỹ trong Quốc hội và Đảng Samajwadi cũng mạnh mẽ phản đối động thái này.

Thủ hiến bang New Delhi Arvind Kejriwal cho biết những chuyên gia mà ông đã tham vấn không mấy tin tưởng vào tác động loại bỏ tiền đen của việc hủy tiền mệnh giá lớn. Ông cho rằng động thái này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những người có nhiều tiền mà chỉ tác động lớn đến cuộc sống của người dân thường. 

Nhiều nhà kinh tế ở Ấn Độ cũng cho rằng người chịu ảnh hưởng lớn nhất của chính sách này chính là những người nghèo ở các vùng nông thôn – nơi thiếu cơ sở hạ tầng để lập các tài khoản tiền gửi và do đó người dân đều giữ tất cả tiền mặt mà họ có trong nhà. Những người tị nạn không có giấy tờ cần thiết để lập tài khoản ngân hàng cũng sẽ mất đi toàn bộ tiền mà họ tích lũy được.

Những cộng đồng như người chuyển giới và người bán dâm cũng là đối tượng tác động trực tiếp của chính sách này. Các nhà kinh tế ở Ấn Độ cũng cho rằng động thái hủy tiền mệnh giá lớn sẽ vẫn không chạm được đến phần tiền đen lớn nhất – những ngăn tủ chứa đầy tiền trong những tài khoản bí mật tại các ngân hàng ở Thụy Sỹ.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng bày tỏ nghi vấn về tính sẵn sàng của Chính phủ và các ngân hàng để chuẩn bị cho động thái có tác động sâu rộng này. Chính phủ Ấn Độ nói rằng họ tuyên bố và thực hiện ngay việc hủy bỏ tiền vào giữa đêm để tránh cơ hội những người sở hữu tiền này có dịp tẩu tán bớt đi. Lập luận này nghe có vẻ logic nhưng nó cũng đã tác động đáng kể đến khả năng đảm bảo việc chuyển đổi tiền tệ của các ngân hàng.

Một số cây ATM trên khắp cả nước rơi vào tình trạng tê liệt do không đủ tiền mới để cung ứng cho người dân trong khi ở một số nơi khác người dân phải xếp hàng dài dằng dặc và cuối cùng cũng vẫn rơi vào tình trạng trống không. Một số công đoàn ngân hàng cũng đã chỉ trích Chính phủ không chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hủy tiền, dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng tiền mệnh giá 100 rupee. 

Hôm 15/11 vừa qua, Tòa án tối cao của Ấn Độ cũng đã thụ lý nhiều đơn kiện đòi hủy bỏ chương trình hủy tiền này vì tác động nghiêm trọng của nó tới cuộc sống thường ngày của người dân. Tòa án tối cao Ấn Độ khi đó đã quyết định yêu cầu Chính phủ báo cáo về các động thái chuẩn bị của mình để tòa xem xét về thẩm quyền của mình trong vụ việc trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.