Ấn Độ cấm dây diều của Trung Quốc

Những sợi dây diều chết người
Những sợi dây diều chết người
(PLO) - Dù đã có lệnh cấm nhưng sự lỏng lẻo trong khâu thực thi khiến những sợi dây diều được phủ 1 lớp kính hoặc kim loại có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn tràn lan ở Ấn Độ. Đây chính là nguồn cơn khiến chỉ trong vòng 1 ngày của tuần qua, 2 em bé và một người trẻ ở nước này đã tử vong.

Thảm kịch ngày Quốc khánh

Thả diều là một môn thể thao yêu thích đối với nhiều người trẻ tại Ấn Độ, đặc biệt là trong những dịp lễ hội ở nước này.

Tuy nhiên, môn thể thao truyền thống nhẹ nhàng này lại đang trở thành một mối đe dọa kinh hoàng với nhiều người Ấn Độ khi trong thời gian qua đã xảy ra hàng loạt các vụ chết người liên quan đến thú chơi diều, mà cụ thể hơn là những sợi dây diều được người Ấn Độ gọi là dây diều Trung Quốc – được đặt theo nước sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.

Mới đây nhất, tại thủ đô Delhi của Ấn Độ, hôm 15/8 vừa qua đã có 2 đứa trẻ và một người đàn ông thiệt mạng trong các vụ việc riêng rẽ có liên quan đến những sợi dây diều. Cảnh sát Delhi cho biết, vụ việc đầu tiên xảy ra vào khoảng 18h30 ngày 15/8 khi bé gái Saanchi Goyal, 3 tuổi, đang trên đường cùng cha mẹ về nhà sau khi đi xem phim ở Naraina. 

Theo nguồn tin cảnh sát, khi cả gia đình về đến khu vực Rani Bagh, bé gái nhìn thấy nhiều diều bay trên trời nên đã mở cửa kính ô tô ra để xem và bất ngờ bị một sợi dây diều cứa vào cổ. Bé gái đã ngay lập tức được đưa đến bệnh viện gần đó để cấp cứu nhưng đã tử vong khi đến nơi.

“Sợi dây diều đã cứa vào cổ bé gái, trong đó có khí quản của bé. Vết cắt quá sâu đã khiến bé tử vong gần như ngay lập tức” – nguồn tin cảnh sát cấp cao cho hay.

Trường hợp đau lòng thứ 2 xảy ra sau đó chỉ vài tiếng, với tình tiết tương tự. Theo người thân của cậu bé Harry, 4 tuổi, khi cùng gia đình đi dạo mát vào buổi tối hôm đó, cậu bé cũng đã mở cửa kính ô tô ra để hít khí trời.

Một sợi dây diều cũng đột ngột cứa vào cổ, khiến đứa trẻ bị chảy máu dữ dội và qua đời ngay lập tức. Cũng trong ngày 15/8, những sợi dây diều chết người cũng đã cướp đi sinh mạng của anh thanh niên 22 tuổi Zafar Khan. Theo cảnh sát, thảm kịch xảy ra khi anh Khan đang lái xe máy ở đường. 

Cảnh sát Ấn Độ cho biết, những trường hợp tử vong mới nhất nói trên xảy ra vào đúng ngày Quốc khánh của Ấn Độ, là dịp mà hàng nghìn người ở Delhi tụ tập để chơi diều – môn thể thao giải trí được cho là đã được những người Trung Quốc đưa sang Ấn Độ khi đến nước này từ nhiều thế kỷ trước.

Kẻ giết người đáng sợ

Thực ra, yếu tố Trung Quốc mà nhiều người nhắc đến ở đây không phải là nguồn gốc của môn thả diều mà là nguồn gốc của những sợi dây diều – nguyên nhân chính xác dẫn đến những trường hợp tử vong.

Theo tờ Sputnik, những sợi dây chết người này – được người Ấn Độ gọi là “manjha”, được nhập khẩu từ Trung Quốc và rất khó nhìn bằng mắt thường vì nó được phủ bằng một lớp nguyên liệu sản xuất kính hoặc kim loại mỏng bên ngoài.

Những người bán dây diều ở Ấn Độ cho biết trước đây người Ấn Độ thường dùng dây bằng sợi bông do họ sản xuất làm dây diều. Đến khoảng năm 2011, dây diều Trung Quốc được đưa vào thị trường nước này và nhanh chóng chiếm được thị phần của dây diều Ấn Độ nhờ vào các lợi thế giá thành rẻ.

Không những thế, dây diều Trung Quốc còn được nhiều người chơi diều ở Ấn Độ ưa thích vì nó có thể giúp họ chiến thắng khi làm đứt dây diều của đối thủ. “Có những cuộc thi mà người chơi phải cắt đứt dây diều của những người chơi khác.

Do đó, dây diều do Trung Quốc sản xuất trở thành lựa chọn hoàn hảo vì nó rẻ hơn và cũng rất bền, khỏe. Bên cạnh đó, dây diều sản xuất trong nước có giá khoảng 5-6 USD trong khi dây diều có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ có giá chưa đến 2 USD” – một người chơi diều tên Ishteyaq cho hay. 

Nhưng cũng chính yếu tố sắc, bền nói trên đã khiến dây diều Trung Quốc trở thành “sát thủ” đối với nhiều người tại Ấn Độ trong thời gian qua. Đài NDTV của Ấn Độ cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần đầu tiên của tháng 8 này tại thủ đô Delhi đã có 4 người thiệt mạng và 3 người bị thương, bao gồm 1 cảnh sát, trong các vụ tai nạn có liên quan đến dây diều.

Một chú chim bị thương do dây diều.
Một chú chim bị thương do dây diều.

Thanh tra cảnh sát Delhi Manoj Kumar cũng cho biết ông đã may mắn thoát nạn khi lâm vào một sự cố liên quan đến dây diều tương tự.

Trong các năm qua, hầu như không năm nào tại Ấn Độ không xảy ra các tai nạn chết người liên quan đến dây diều Trung Quốc. Năm 2015, một bé trai ở thị trấn Moradabad cũng đã thiệt mạng do bị dây diều cứa cổ. Trước đó 1 năm, một bé gái 5 tuổi ở Jaipur cũng có chung số phận. 

Trước những sự việc này, ngày 11/8 vừa qua, 4 ngày trước ngày Quốc khánh, Tòa án tối cao Delhi đã đề nghị chính quyền thành phố và các cơ quan dân sự ở đây ban hành khuyến cáo về việc sử dụng dây diều Trung Quốc tới người dân nhằm ngăn chặn những sự cố có thể xảy ra. Tuy nhiên, thảm kịch vẫn đã xảy đến.

Bên cạnh đó, tổ chức bảo vệ động vật PETA hồi đầu tháng cũng đã đệ trình kiến nghị tới Tòa án xanh quốc gia của Ấn Độ, theo đó đề nghị cấm ngay lập tức việc sử dụng dây diều Trung Quốc trước dịp Quốc khánh Ấn Độ vì lý do sợi dây này có thể gây tổn thương nghiêm trọng, đôi khi là gây tử vong tới chim, các loài động vật và con người. 

“Thả diều là một lễ hội truyền thống lớn ở nhiều nơi tại Ấn Độ. Nhưng trước kia dây diều được làm bằng sợi vải bông chứ không phải dây diều Trung Quốc. Dây diều Trung Quốc có thể gây tử vong do rất khỏe.

Không chỉ người mà hàng nghìn con chim đã bị thương hoặc tử vong vì những sợi dây đó. Đó là lý do dây diều Trung Quốc nên bị cấm hoàn toàn” – chuyên gia về môi trường Anand Arya lý giải.

Thời gian qua, giới chức một số địa phương tại Ấn Độ cũng đã cấm bán dây diều Trung Quốc nhưng những người bán hàng vẫn tiếp tục bán mặt hàng này do nhu cầu cao của người dân.

Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất tại Ấn Độ cũng đã học các kỹ thuật sản xuất dây diều của Trung Quốc để tự sản xuất trong nước nên lệnh cấm nhập khẩu dây diều ở nước này cũng không đưa đến tác dụng nhiều trong việc giải quyết vấn đề. 

Chết người nhưng khó cấm

Về phía nhà chức trách, ngay sau các vụ việc nói trên, chính quyền Delhi đã ban hành lệnh cấm bán, sản xuất và lưu trữ dây diều Trung Quốc trên khắp địa bàn thủ đô. Theo thông báo của nhà chức trách Delhi, người dân sẽ chỉ được thả diều với phần dây diều được làm bằng sợi bông và sợi tự nhiên, không có thành phần kim loại hay kính. 

Cũng theo lệnh cấm này, những người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án tù giam lên đến 5 năm hoặc phạt tiền lên đến gần 1.500 USD hoặc cả 2 hình phạt. Trước đó, chính quyền một số bang của Ấn Độ như Andhra Pradesh hay Telangana cũng đã cấm sử dụng dây diều Ấn Độ sau các tai nạn đau lòng.

Dù vậy các nhà quan sát cho rằng việc thực hiện lệnh cấm hoàn toàn việc bán và sử dụng dây diều Trung Quốc là rất khó khăn nếu cảnh sát Delhi không có quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực thi cũng như không có các biện pháp giám sát hiệu quả.

Theo các nguồn tin từ các khu chợ ở địa phương, khi lệnh cấm có hiệu lực, các tiểu thương có thể không bán dây diều Trung Quốc công khai như hiện nay nhưng những người có nhu cầu vẫn có thể mua dây diều này từ chợ đen với giá nhỉnh hơn 1 chút. 

Bên cạnh đó, cũng có nguồn tin cho biết phần lớn “dây diều Trung Quốc” có mặt tại thị trường Ấn Độ hiện nay là do chính người Ấn Độ sản xuất. Song, nó vẫn được gọi là dây diều Trung Quốc bởi người Ấn Độ cho rằng bất cứ thứ gì rẻ hơn, dù là bóng đèn hay đồ chơi, túi xách thì đều được gắn mác Trung Quốc. 

Ngược lại, lệnh cấm của giới chức Delhi cũng nhận được sự hoan nghênh của nhiều người ở nơi từng được xem là “thành phố dây diều”, trung tâm sản xuất dây diều bằng sợi bông nổi tiếng thế giới này. 

Theo tờ The Hindu, trên thực tế, sản xuất dây diều sợi bông vốn là nghề truyền thống đã có niên đại đến 200 năm của nhiều người dân ở đây. Nhưng khi dây diều Trung Quốc được nhập vào thị trường Ấn Độ thì ngành công nghiệp này bắt đầu sụt giảm nhanh chóng, khiến các công nhân hoạt động trong ngành này gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, lệnh cấm mới của chính quyền Delhi đang mở ra cơ hội khôi phục hoạt động sản xuất đối với nhiều nhà sản xuất dây diều truyền thống ở địa phương.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.