“Đau” mỗi kì thi
Chỉ cần gõ dòng chữ “áp lực thi cử” trên thanh tìm kiếm của Google, mạng xã hội Facebook, khoảng 18.300.000 kết quả được đưa ra trong 0,41 giây. Hàng loạt bài báo với tiêu đề: “Áp lực thi cử”, “Tự tử vì áp lực thi cử”, “Phát điên vì điểm số”…có thể khiến nhiều người giật mình. Phải chăng, con cái chúng ta đang chịu một sự kỳ vọng quá lớn về điểm số và thành tích học tập?
Mỗi kì thi THCS, THPT, xã hội lại chứng kiến những câu chuyện đầy đau lòng về việc các em học sinh áp lực, căng thẳng, phát điên thậm chí tự tử vì thi cử. Đầu năm 2018, một nữ sinh 12 tuổi tại Hà Tĩnh tự tử ngay tại lớp học. Trước khi ra đi, em để lại hai bức thư tuyệt mệnh, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Việt. “Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô”. Cả một lá thư dài chỉ với những lời xin lỗi đầy ám ảnh.
Chắc hẳn nhiều người vẫn ám ảnh về câu chuyện của nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh. Tất cả những lá thư cuối cùng gửi lại cuộc đời cho gia đình và bạn bè, cô bé đều thể hiện sự buồn chán vì kết quả học tập không đáp ứng được sự kỳ vọng dành cho em.
Trong thư gửi cho bố mẹ, Trang viết: “Tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nổi nữa rồi... Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt... Hết rồi, tất cả kết thúc rồi”.
Sự ra đi của Trang khiến nỗi ám ảnh kéo dài, dù sự việc trải qua đã 4 năm nhưng mỗi mùa thi nó vẫn “dấy” lên những bàng hoàng về chuyện học tập, thi cử của các em học sinh. Chúng ta phải nhìn lại một thực tế rằng con trẻ đang bị áp chế quá mức trước “con ma” kỳ vọng và thành tích. Và những nỗi đau lại kéo dài mỗi mùa “vượt vũ môn”.
Không hiếm mỗi năm những câu chuyện đau lòng vì áp lực học tập, thi cử, nhẹ thì nhập viện, điều trị tâm lý, nặng thì tự tử. Những ngày sát nút của kỳ thi THCS và THPT Quốc gia, các bệnh viện như Khoa Thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai, Viện Tâm thần Trung ương I, Khoa tâm thần bệnh viện 103 lại xuất hiện những hình ảnh bệnh nhân nhỏ tuổi đi điều trị tâm lý- thần kinh.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần. Số trẻ bị trầm cảm, rối loạn tâm lý vì áp lực học tập đang có xu hướng tăng nhanh.
Những đứa trẻ, chúng đang phải đối mặt với những “bóng ma” thành tích học tập từ chính chương trình học, sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình. Phải chăng, chính những bậc phụ huynh vô tình đẩy “cục đá nặng nề” ấy lên vai con trẻ?
Một trong những lá thư tuyệt mệnh |
“Những ngày ôn thi như địa ngục”
Bố mẹ N.T.Hiếu (lớp 9 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy) vốn là dân trí thức, công chức ở Hà Nội, nên đặt rất nhiều kỳ vọng ở H vào kỳ thi lớp 10 sắp tới. Hiếu hàng ngày phải đối mặt với một thời gian biểu dày đặc cho việc ôn thi. 6h sáng, em đã bị gọi dậy để chuẩn bị đến trường. 17h học xong ở lớp, em phải học thêm gia sư và trung tâm các môn: Toán, Văn, Tiếng anh đến 22h. Sau đó là khoảng thời gian Hiếu phải “chiến đấu” với tập đề ôn dầy hàng trăm trang của các môn. Năm nay, khu vực Hà Nội thi thêm môn thứ tư là môn Lịch sử nên em lại gấp rút học thêm gia sư môn này cho kịp kỳ thi gần sát nút. Dường như, ngày nào cũng vậy thời gian biểu lặp đi lặp lại như vậy. Đối với em thứ bảy, chủ nhật thực sự ám ảnh khi phải học thêm 4 môn này cùng một lúc.
Gương mặt của Hiếu hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều. Không ít lần em đã thức trắng đêm, đã bật khóc, đã ngủ gục trên bàn học, trên sàn nhà vì mệt. Anh Vũ Hồng Đam (gia sư của Hiếu) chia sẻ: “Nhiều buổi Hiếu hay ngồi đần người ra, hỏi không nói, mắt rất dại. Có khi lại rất dễ nóng nảy, bực tức, dễ kích động trong các giờ ôn thi tại nhà. Dù rất thương em, nhưng bố mẹ gửi gắm, kỳ vọng quá nhiều nên mình cố ôn được chút nào thì ôn”.
“Những ngày ôn thi như địa ngục”, câu nói đầy ám ảnh của cậu bé, khi mới chỉ đang tuổi ăn, tuổi vui chơi học hành, em lại phải chịu một áp lực nặng nề bởi sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình. “Nhiều lúc căng thẳng, mệt như không còn sức vì phải học quá nhiều, em muốn kết thúc mọi thứ vì quá mệt mỏi. Nó tù túng, ngột ngạt vì ngày này qua tháng nọ chỉ toàn học và học, không được làm gì khác”, Hiếu kể.
Tương tự trường hợp của em Hiếu, Nguyễn Thị Linh (lớp 2, Trường Tiểu học Nghĩa Tân) cũng bị ảnh hưởng bởi áp lực học tập dẫn đến bất ổn tâm lý. Cô bé nhỏ ngay từ đầu lớp 1 đã bị mẹ đưa đi học hết trung tâm này, lớp học kia. Sau thời gian biểu học tại trường. Linh phải học thêm Tiếng anh ở Trung tâm Anh ngữ, học luyện chữ, học toán gia sư, học múa, học nhảy. Cả một ngày chỉ quanh quẩn với học thêm, học bồi dưỡng, học năng khiếu. Chỉ sau một thời gian của kỳ II, lớp 1, Linh có biểu hiện lạ: trong lớp không chịu ghi bài, chỉ đứng một chỗ nhảy, luôn chạy khắp sân trường, về nhà không chịu nói chuyện. Quá lo lắng, chị Hiền (mẹ bé Linh) đưa đi khám bác sĩ tâm lý tại bệnh viện và được kết luận Linh bị trầm cảm do học quá nhiều. Sau một thời gian điều trị, hiện tại cô bé đã khỏi dần nhưng những sợ hãi và ám ảnh vẫn thường trực trong lòng chị Hiền.
“Hồi con lên lớp 1, do sợ bé không theo kịp các bạn, lại thấy con người ta học chỗ này, chỗ kia nên mình đăng ký cho bé đi học cho bằng bạn bằng bè. Một thời gian bé rất lạ, đi khám mới biết bị trầm cảm. Mình rất sợ và thực sự ân hận vì đã ép con vào guồng quay học tập quá tải như vậy” chị Hiền tâm sự.
Học bù đầu và những ám ảnh giải thoát |
Đừng bắt con “cõng” ước mơ của bố mẹ!
Sau nhiều cái chết thương tâm của các em nhỏ, các chuyên gia tâm lý giáo dục cảnh báo: đã đến lúc các bậc cha mẹ cần “thức tỉnh”, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình mà không cho chúng làm những điều theo mong muốn, sở thích và năng lực. Đừng bắt chúng “cõng” sự kỳ vọng nặng nề của cha mẹ đặt lên vai.
Chia sẻ với truyền thông, TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra quan điểm về câu chuyện áp lực học tập đối với con trẻ từ chính gia đình chúng. Nhiều bậc phụ huynh không nắm rõ mục tiêu học tập của con, mà chỉ chăm chăm chú trọng vào thành tích và điểm số trên lớp khiến con trẻ bị áp lực từ sự kỳ vọng. Nhiều cha mẹ còn có tâm lý so bì con cái với các bạn đồng trang lứa, từ đó bắt ép con học để không thua kém bạn bè khiến chúng bị áp chế tinh thần. Chính áp lực này đã dồn lên đứa trẻ. Khi đứa trẻ không đạt được mục tiêu, gặp thất bại, thay vì động viên, cha mẹ thường trách cứ khiến trẻ gia tăng áp lực dẫn đến chới với, tuyệt vọng.
Những kỳ vọng của người lớn áp đặt lên trẻ vô tình trở thành cánh cửa đẩy các em vào bệnh viện chứ không phải vào tương lai tương sáng. Hãy để con trẻ sống với ước mơ của chúng, đừng bắt chúng “chở” ước mơ cha mẹ. Như vậy, những câu chuyện đau lòng mỗi mùa thi tới sẽ không còn, để chúng được sống một cuộc sống hạnh phúc trong sự phát triển giáo dục toàn diện.
(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)