Hơn 60 năm gắn bó
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là ông lão ở tuổi “gần đất xa trời” đang ngồi suy tư, tay chống cằm, mắt nhìn xa xăm.
Theo ông Vui, nếu lùi lại khoảng hơn 20 năm về trước, ông chẳng có thời gian ngồi uống nước trà như bây giờ. Vì thời đó, máy vi tính rồi máy photocopy chưa xuất hiện nhan nhản như bây giờ, nên công việc của ông luôn bận rộn. Từ các loại giấy tờ của cơ quan Nhà nước, nhất là các giấy tờ nhà đất bên xây dựng, rồi giấy khai sinh, giấy phép, di chúc, điếu văn, đơn thư... Thậm chí, các giấy tờ cần sao y bản chính, mọi người cũng đều tìm đến để đánh máy.
“Còn đơn ly hôn, trước khi tới tòa án Nhà nước thì phải qua tòa án lương tâm tôi trước. Có thể người ta chưa suy nghĩ thấu đáo, bởi đơn ký rồi là mất chồng, mất vợ, nên tôi hay khuyên về suy nghĩ kỹ lại nếu không thể tiếp tục sống với nhau thì quay lại đây tôi làm cho. Nhiều người, nghe tôi khuyên vậy rồi hòa giải được trở lại cảm ơn tôi rối rít”, ông Vui kể.
Nói rồi, ông bảo: “Thời TP.Quảng Ngãi còn là thị xã, chỉ có tất cả 4 địa điểm đánh máy chữ thuê nên khách đông nghịt. Khách hàng đủ thành phần, từ người cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp, người dân. Vì vậy chuyện khách phải chờ 1 đến 2 ngày là bình thường. Nhờ vậy, thu nhập lúc đó rất ổn định, một mình tôi làm có thể nuôi 10 nhân khẩu trong nhà, lại được xã hội coi trọng”.
Nghề này thịnh đến nỗi, năm 1992, ông Vui không ngần ngại bỏ ra 420 nghìn đồng, một khoản tiền không nhỏ vào lúc bấy giờ, để làm giấy kinh doanh hẳn hoi, dù thời đó tinh thần khởi nghiệp không sục sôi như bây giờ.
“Hồi đó không đăng ký kinh doanh cũng chẳng sao, chả ai ép, mấy nghề như mình chả ai làm cả, nhưng tôi làm giấy phép cho đàng hoàng, vì trân trọng nghề gõ chữ thuê mà tôi đã chọn”, ông Vui bộc bạch.
Ông bảo, người làm nghề gõ chữ đa năng, đôi khi biến thành nhà phiên dịch, rồi nhà thơ, nhà văn bất đắc dĩ lúc nào không hay. Nhiều khách hàng tìm đến cửa hàng, chỉ kể lại câu chuyện bằng lời nói, rồi nhờ mình viết lại bằng câu chữ, nên phải diễn đạt sao cho đúng ý người ta.
“Cũng có khách tự viết tiếng Việt, rồi nhờ mình dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, hoặc ngược lại. Thành thử, làm nghề này, tôi vừa trau dồi thêm vốn tiếng Pháp, vừa cần mẫn học thêm tiếng Anh, nhưng thi thoảng vẫn phải nhờ ông bạn giỏi tiếng Anh dịch giùm”, ông Vui cho biết.
Giữ lấy nghề xưa
Từng là một nghề hưng thịnh, nhưng từ năm 2000 trở về sau, khi máy tính xuất hiện, người ta ít sử dụng máy đánh chữ. Thế là dần dà, những chiếc máy gõ chữ cổ điển dần rơi vào quên lãng.
Theo ông Vui, sở dĩ vẫn còn khách, dù rất ít, tìm đến là vì lời văn của mình, rồi là những khách quen và cả những người thích cái cũ.
“Nói vậy chứ vẫn có người thích cái cũ, họ tìm đến nhờ đánh chữ để về lưu giữ. Rồi có khách đến thuê làm đơn, người ta kể câu chuyện của người ta, rồi nói ý muốn của người ta như thế nào, tôi làm ra đơn đúng như ý họ, nên người ta tìm đến tôi”, ông Hiếu tự hào.
Ông Đặng Văn Tiến (ngụ phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Cái máy vi tính mới, chữ in ra đẹp ai không thích, nhưng người thảo đơn bằng máy vi tính thường là người trẻ, ít kinh nghiệm nên không làm theo đúng ý tôi. Tôi đã quen nhờ ông Vui đánh máy chữ làm rồi nên tin tưởng. Chuyện mình sao mình trình bày đầu đuôi rõ ràng là ông ấy biết cách làm liền. Xong, ông ấy đọc lại cho tôi nghe, nếu tôi thấy hợp tình hợp lý rồi thì mới trả tiền, nếu còn chỗ nào chưa được thì ông ấy làm lại tới khi được thì thôi”.
Bao lần người ta trả giá cao để mua lại hai cái máy đánh chữ nhưng ông nhất quyết không bán. Ribbon mực máy đánh chữ dùng lâu sẽ hết mực, nhưng giờ chẳng còn cửa hàng nào bán ribbon thay thế. Vậy là ông mài than đá hòa thành mực nhuộm vào ribbon để có thể tiếp tục giữ lấy nghề, dẫu nó là cái nghề đã không còn hợp thời nữa.
Lúc chúng tôi sắp ra về, ông Vui biểu diễn cho chúng tôi xem tài nghệ đánh máy của mình. Hai bàn tay của ông như múa trên bàn phím. Những gọng kim loại đính con chữ trên đầu tựa chiếc búa bé xíu đua nhau dập vào cuộn giấy tạo thành chuỗi âm thanh tạch tạch liên hồi. Vừa gõ, ông vừa kéo, đẩy cuộn giấy qua lại một cách tài tình. Chỉ trong chớp mắt lá đơn ngẫu hứng của ông đã hoàn thành.
Chỉ vào chiếc máy đánh chữ vừa sử dụng, ông Vui nói: “Cái máy này chắc cũng đã hơn 50 năm. Tôi bảo quản nó rất kỹ, làm xong là lau chùi cẩn thận rồi bao lại đàng hoàng để đó, ai tới thuê mới mở ra. Hiện nay ở đây cũng còn duy nhất một ông thợ sửa máy đánh chữ, tụi tôi phải tôn trọng ông ấy như vua vậy, không dám làm phật ý vì sợ ông ấy không sửa thì treo nghề luôn”.