Hệ thống các cơ quan tư pháp ngày càng được kiện toàn
Trước những thay đổi to lớn, nhanh chóng về chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và hoàn cảnh khó khăn của đất nước cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có chủ trương đổi mới hệ thống tư pháp: “Quản lý đất nước bằng pháp luật”, “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật… Mọi vi phạm đều phải được xử lý”.
Tiếp theo, các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), lần thứ VIII (1996) và lần thứ IX (năm 2001) đều đề ra chủ trương đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp. Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo TƯ về tổng kết “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới”, Ban Nội chính TƯ cùng VKSNDTC và TANDTC phối hợp xây dựng Dự thảo Báo cáo “Kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn về đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng ban Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh cho biết, Dự thảo Báo cáo tập trung vào 3 vấn đề lớn là khái quát quá trình đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay; đánh giá tổng quát quá trình đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp từ năm 1986 đến nay; và phương hướng đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp nước ta trong thời gian tới.
Trình bày Dự thảo Báo cáo, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể nhấn mạnh: Cùng với quá trình đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp thì tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp cũng ngày càng hoàn thiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, từ năm 2002, TANDTC thêm thẩm quyền thực hiện việc quản lý các Tòa án địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức, nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức; TAND các cấp thêm thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết hầu hết các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính; TAND cấp huyện thêm thẩm quyền xét xử về hình sự và dân sự đối với hầu hết các loại vụ việc. Đối với VKSND, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong hoạt động tố tụng hình sự có nhiều đổi mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, đặc biệt là trách nhiệm phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và trách nhiệm thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Mô hình tổ chức cơ quan điều tra thì được quy định theo hướng sắp xếp lại đầu mối, giao thêm một số nhiệm vụ điều tra cho một số cơ quan, đơn vị, bỏ cơ quan điều tra của VKSND cấp tỉnh. Đối với các cơ quan thi hành án (THA), Luật THA hình sự năm 2010 đã thể chế hóa được nhiệm vụ của UBND cấp xã trong việc thi hành các hình phạt ngoài tù và trách nhiệm của các cơ quan Công an, Quân đội giúp UBND các cấp trong việc thi hành các hình phạt này.
Luật THA dân sự năm 2008 đã quy định rõ hệ thống THA dân sự được tổ chức theo ngành dọc. Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đáp ứng kịp thời yêu cầu hỗ trợ hoạt động xét xử, THA…
Cần nhìn thẳng vào nhiều vấn đề đang bức xúc
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương nhận định, hệ thống tư pháp của Việt Nam còn dàn đều cả về mặt thủ tục tố tụng lẫn tổ chức bộ máy. Ông Đương không tán thành chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra mà chỉ nên bố trí sắp xếp lại cơ quan điều tra vì “không thể độc quyền điều tra, độc quyền điều tra là chết, vấn đề là anh nào làm hiệu quả, tránh lãng phí. Trên thế giới, có nước có tới 14 đầu mối điều tra như Hải quan, Kiểm lâm…”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đánh giá: “Trong Dự thảo Báo cáo chưa thấy cái mới rõ nét lắm, có những vấn đề băn khoăn lâu nay chưa thấy được giải đáp”. Bên cạnh đó, ông Lộc cũng không thấy báo cáo đề cập đến sự đổi mới lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp, “là do ngại ngùng hay chưa nghĩ đến, trong khi cần khẳng định rõ Đảng ta là Đảng cầm quyền, đồng thời phải thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng”. Ông Lộc còn nêu vấn đề, trong lĩnh vực tư pháp, chúng ta kế thừa, tiếp thu cái gì để không lãng phí lớn và tránh gánh nặng cho người dân mà “trong một chuyến đi đến TP.HCM, tôi cảm nhận được việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại chính là kế thừa một thành tựu trong lịch sử nền tư pháp, đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng”.
Ý kiến của ông Lộc được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền và chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp Dương Thị Thanh Mai rất tán thành. Riêng ông Quyền thì mong muốn, Dự thảo Báo cáo cần phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống tư pháp hiện nay ra sao để đặt lên bàn tất cả các vướng mắc, bức xúc, tồn tại, hạn chế của các cơ quan tư pháp nhằm tạo chuyển biến trong thời gian tới.