Mẹ còn sống, chắc cũng ủng hộ
Tìm về xóm Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khi hỏi thăm cô gái trẻ Nguyễn Thị Sáng (21 tuổi) - người đã tự nguyện hiến tạng mẹ ruột chết não cho y học, chúng tôi được người dân nhiệt tình đưa đến căn nhà nhỏ nơi 3 chị em Sáng đang sinh sống.
Nỗi đau mất mẹ dường như vẫn chưa nguôi ngoai trong ngôi nhà sơ sài. Sự trống vắng, thiếu hơi ấm của người mẹ, người cha của chị em Sáng khiến người khác không thể cầm lòng. Dưới Sáng còn em gái Nguyễn Thị Lương (19 tuổi) và Nguyễn Ngọc Thùy (2 tuổi rưỡi).
21 tuổi nhưng người nhỏ thó, ốm yếu, Sáng ôm em gái út mới hơn 2 tuổi vào lòng, ứa nước mắt kể lại nỗi đau mất mẹ.
Vào đêm ngày 19/3 cách đây hơn 2 năm về trước, điện thoại của Sáng bỗng đổ chuông liên hồi, khi em bốc máy thì có người giọng khẩn khoản thông báo mẹ em là Nguyễn Thị Liễu (41 tuổi) bị tai nạn giao thông nặng tại Bình Dương, hiện cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Nhận hung tin, hai chị em Sáng hoảng loạn vội bắt xe đến bệnh viện chăm sóc mẹ.
“Em vẫn nhớ như in cái ngày khủng khiếp đấy, khi đó mẹ đang bế em út qua đường để mua dây sạc điện thoại thì bất ngờ bị chiếc xe máy đâm vào. Người dân đưa mẹ đi cấp cứu tại bệnh viện ở Bình Dương, nhưng tình trạng nặng quá mẹ được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy”, Sáng đau đớn kể.
Những ngày đó, Sáng và các em đều luôn túc trực bên mẹ, mong có một phép màu để mẹ sống lại, nhưng sức khỏe của mẹ ngày càng yếu đi. Và rồi bác sỹ đến thông báo với Sáng do mất máu quá nhiều nên mẹ em khó có thể duy trì sự sống nữa.Khi nghe được thông tin từ bác sỹ, 3 chị em Sáng chỉ biết khóc, lúc đó các em hoảng sợ, không dám tin điều đó là sự thật.
Khi đó có vị bác sỹ đến khuyên Sáng hiến tạng mẹ để cứu nhiều người khác. “Tình trang của mẹ các bác sỹ bảo mẹ yếu nên chỉ sống khoảng 1 – 2 ngày nữa. Bác sĩ bảo là nếu con đồng ý hiến tạng mẹ sẽ cứu được rất nhiều người. Em nói em đồng ý và em cũng nghĩ rằng mẹ sẽ ủng hộ với quyết định của em”, Sáng nhớ lại giây phút quyết định hiến tạng mẹ cách đây 2 năm.
Mặc dù biết chắc chắn mẹ sẽ mỉm cười với quyết định của mình, nhưng lòng Sáng vẫn đau như cắt, với thiếu nữ chỉ mới 19 tuổi, hành động này của em thật không dễ dàng gì. “Em đã hỏi ý kiến người thân và em gái, sau khi suy nghĩ kỹ thì mới quyết định hiến tạng của mẹ”.
Về phần em Nguyễn Thị Lương khi đó cô bé 17 tuổi chỉ nghĩ đơn giản rằng: Khi đó, nói về việc hiến tạng của mẹ em cũng không nói được chi nhiều nữa. Em chỉ thấy là rất buồn vì biết mẹ không cứu được nữa. Sáng hôm sáu đến thăm mẹ, nghe các bác sĩ nói việc hiến tạng. Em cũng nghĩ là mẹ mất đi khi chôn xuống đất sau cũng trở thành cát bụi, nếu mình cứu được cho ai thì mình cứu giúp người ta.
Sau quyết định dũng cảm của hai chị em Sáng, 4 gia đình khác đã có được hạnh phúc. Được biết, một phần bộ phận của mẹ Sáng quá cố gồm giác mạc, tim, thận được ghép cùng lúc vào ngày 22/3/2017 cho 4 bệnh nhân khác.
Nói về quyết định của mình Sáng chỉ mỉm cười, “Em không hối hận với việc đã làm, bởi cơ thể mẹ vẫn sống và góp phần cứu những người thực sự cần các bộ phận này. Em biết việc mất đi người thân yêu là như thế nào, em không muốn bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh như em”.
Sau khi nội tạng mẹ đã được hiến, chị em Sáng cùng người thân đưa thi hài mẹ về mai táng tại quê nhà là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi, ba chị em Sáng đang tá túc trong nhà của người cậu ruột Nguyễn Tiến Đường. Bàn thờ của mẹ khi đó cũng được lập vội ngay trong gian nhà nhỏ của cậu.
Phận đời cay nghiệt
Quyết định đầy tính nhân văn của cô gái mới 19 tuổi khi đó, đã nhận được sự sẻ chia, cảm phục của cộng đồng xã hội. Và hành động này của em Nguyễn Thị Sáng đã được Chủ tịch nước gửi Thư khen. Nhưng đằng sau hành động đẹp và ý nghĩa nhân văn đó, ít ai biết rằng, cuộc đời của mẹ con Sáng còn gặp quá nhiều khó khăn nhưng vẫn biết vươn lên trong cuộc sống.
Sáng kể, vì cuộc sống khó khăn nên gia đình em mới chuyển từ Hà Tĩnh vào Đắk Nông sinh sống. Thế nhưng không ngờ được một thời gian thì bố mẹ ly hôn, sau đó mẹ tái hôn với dượng. Nhưng dượng ác lắm, đánh đập mẹ và chị em Sáng suốt ngày. Nên năm 2015, mẹ đưa 3 chị em xuống Bình Dương lập nghiệp.
Sáng không thể quên được quãng thời gian sống trong “địa ngục” với người cha dượng. Những tưởng từ đây, 4 mẹ con sướng khổ có nhau, nhưng không ngờ cuộc đời cay nghiệt đã bắt người mẹ phải rời xa các em.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, thăm hỏi, trao quà của Thủ tướng Chính phủ cho ba chị em |
Ông Nguyễn Tiến Đường - cậu của ba đứa cháu mồ côi buồn bã kể về người em gái bất hạnh của mình. Chị Liễu lấy chồng là người cùng xã Cẩm Nhượng (tỉnh Hà Tĩnh). Cuộc sống khó khăn vợ chồng đưa nhau vào tỉnh Đắc Nông sinh sống rồi sinh được hai cô con gái là Sáng và Lương. Năm 2012, người chồng này đã bỏ vợ con đi lấy người khác.
Ba năm sau, mẹ Sáng đã tìm đến người đàn ông khác để nương tựa rồi sinh được cháu Thùy. “Người chồng sau này rất vũ phu. Nhiều lần em tôi bị đánh phải chạy trốn. Có đợt nó bỏ về đây than phiền rồi khóc, nhưng không biết làm gì sinh sống đành phải vào lại. Khi vào, em nó đã ôm con nhỏ xuống Bình Dương sinh sống để tránh đòn roi của chồng. Rứa rồi chẳng may bị tai nạn, bỏ lại con thơ...” – ông Đường buồn bã kể.
Về phần chị em Sáng cũng khổ sở, thiếu thốn tình cảm từ khi bố đi lấy vợ khác. Sau khi học xong lớp 12, Sáng phải gác lại giấc mơ đại học để làm công nhân kiếm tiền cho em Lương ăn học. Vì quá thương mẹ nhiều lần bị dượng đánh đập, ôm con nhỏ bỏ xuống tỉnh Bình Dương làm thuê kiếm sống nên học xong lớp 10, Lương phải bỏ học để đi trông em cho mẹ.
Sau đó vào ngày 10/4/2017, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã đến thăm hỏi, trao quà của Thủ tướng Chính phủ cho em Nguyễn Thị Sáng. Qua Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi sâu sắc, chia sẻ với các em cùng gia đình trước nỗi mất mát đau thương này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên đã cấp đất, hỗ trợ làm nhà ở cho 3 chị em Sáng. Em của Sáng là Nguyễn Thị Lương được tiếp tục đi học và ba chị em Sáng được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Quyền lợi của người hiến tạng
Theo thông tư 104/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác cụ thể như sau:
Với những người hiến mô: Người đã hiến mô (khi còn sống) được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.
Người hiến mô sau khi chết (giác mạc): Người hiến giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.
Quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống: Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.
Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế, được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.
Quyền lợi của người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác: Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.
Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.
Thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác phải xuất trình với cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến giấy tờ chứng minh là thân nhân của người đã hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác để nhận chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài theo quy định.