Người mẹ nghèo hiến tạng con để cứu 6 người

Chị Võ Thị Ánh Phụng đã quyết định hiến tạng của con trai xấu số để cứu 5 người khác
Chị Võ Thị Ánh Phụng đã quyết định hiến tạng của con trai xấu số để cứu 5 người khác
(PLVN) - Cuộc sống khốn khó, sự hiểu biết có hạn nhưng chị Võ Thị Anh Phụng lại có một tấm lòng bồ tát. Người mẹ này đã gạt nước mắt đồng ý hiến tạng con trai của mình để cứu sống nhiều người khác.  

Tuổi 20 cứu 6 mạng người

Khuôn mặt khắc khổ, làn da ngăm đen, dáng người nhỏ bé đã nói lên phần nào cuộc đời đầy đau khổ và nhiều nước mắt của chị Võ Thị Ánh Phụng (48 tuổi, quê Bến Tre). 

Chị Phụng lập gia đình cách đây hơn 20 năm và sinh được hai người con. Cậu con trai tên Trần Văn Lành. Không được học nhiều, cuộc sống từ nhỏ đã gắn với đồng ruộng, sau ngày lấy chồng chị cũng chỉ biết mang lúa, mang rau ra chợ bán lấy tiền nuôi con sống qua ngày. 

Cuộc hôn nhân đầu chẳng may đứt quãng, chị Phụng một mình dắt hai người con lên TP HCM thuê trọ, tìm kế sinh nhai. Những ngày đầu lên Sài Gòn, chị mua được một chiếc xe đạp rồi rong ruổi khắp nơi nhặt ve chai. Mỗi khi chị đi làm, hai đứa con nhỏ phải để lại phòng trọ được dựng bằng mấy tấm tôn sơ sài trong khu đất giải tỏa bên Quận 2. 

Cũng may, hai đứa con chị ngoan ngoãn, biết bảo ban nhau nên chị cũng yên tâm. Mười mấy năm đằng đẵng trôi qua, lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn,  không được học hành đến nơi đến chốn nhưng chúng luôn lễ phép với cô chú hàng xóm và hiếu thảo với mẹ.  

Sau này, khi con gái lớn có chồng, chị Phụng đi thêm bước nữa và có thêm đứa con trai. Thấy mẹ khổ cực, Lành đi phụ quán ăn, làm phụ hồ ở tuổi 19 mặc cho trong người mắc căn bệnh máu loãng bẩm sinh. Mỗi khi con đi làm chị Phụng lại lo lắng và dặn con phải cẩn thận không để đứt tay, dập chân vì sợ khó cầm máu, vết thương cũng lâu khỏi. 

Suốt gần 2 năm làm phụ hồ được bao nhiêu tiền, Lành đều mang về đưa mẹ. Thế nhưng, một ngày giữa năm 2016, bi kịch xảy đến với mấy mẹ con. Hôm đó, Lành đang chạy xe đi phụ hồ, khi sắp tới đường lớn thì có hai vợ chồng từ trong hẻm băng ra. Lúc va chạm, hai vợ chồng họ lộn nhào qua xe của Lành. 

Nhớ lại, chị Phụng vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nghe tin người ta báo con bị nạn, tôi chạy vô trạm xá thì thấy chân nó bị trầy, đầu sưng lên. Lúc đó nó vẫn đi đứng nói chuyện đàng hoàng. Ai ngờ đến lúc đưa vô Bệnh viện Quận 2 chụp CT thì thấy nó ói, nói mệt rồi bất tỉnh. Rồi người ta chuyển nó lên bệnh viện Chợ Rẫy. Ở đây các bác sĩ nói cháu đã bị chết não. Tim còn đập nhưng không còn hi vọng cứu sống”. 

Lúc đó, chị Phụng như ngã quỵ, tâm chí của người mẹ lam lũ nặng trĩu những câu hỏi. Chị không thể tin rằng, đứa con trai ngoan hiền lại ra đi đột ngột như vậy. 

“Lúc đó dù rất đau đớn, nhiều suy nghĩ và đắn đo nhưng khi nghe bác sĩ tư vấn về việc hiến tạng con, tôi cảm thấy đúng nên chấp nhận. Dù con mình không còn nhưng nếu hiến tạng con mà cứu được nhiều người đang thoi thóp chờ đợi sự sống thì tôi nghĩ nên làm.

Nó hiền lành làm bao nhiêu tiền cũng đưa mẹ nuôi em, giúp đỡ bà con xóm trọ, thôi thì sống ở đời sao đến khi chết vẫn vẹn nguyên tấm lòng. Nhưng sợ gia đình bên nội Lành biết chuyện sẽ phản đối, tôi quyết định hiến tạng âm thầm”, chị Phụng giãi bày. 

Tuy nhiên do lưu lạc từ Bến Tre lên TP HCM làm mướn đã lâu nên mọi giấy tờ đều không có, các thủ tục hiến tạng con của chị Phụng gặp rất nhiều khó khăn. May mắn là vẫn còn sót lại tờ giấy viết tay để làm giấy khai sinh lúc nhỏ của Lành, người mẹ mang đến bệnh viện để chứng minh mình và nạn nhân có quan hệ huyết thống.

Cuộc sống đầy vất vả của chị Võ Thị Ánh Phụng và cậu con nhỏ
 Cuộc sống đầy vất vả của chị Võ Thị Ánh Phụng và cậu con nhỏ

Ngay sau khi thủ tục đăng ký hiến tạng được hoàn thành, 3h sáng hôm sau, một ekip bác sĩ từ Bệnh viện Việt Đức đã lập tức vào Nam để mang tim và phần gan người hiến ra Bắc kịp thời ghép cho hai bệnh nhân đang rất nguy kịch.

Nhờ sự tận tâm của ekip phẫu thuật, hai bệnh nhân được cho tạng từ chỗ sự sống chỉ còn tính bằng ngày đã dần dần bình phục. Đó cũng là ca ghép tạng xuyên Việt lần 2 đặt dấu ấn cho ngành y học. Ngoài tim và phần gan, hai quả thận và hai bên giác mạc của Lành cũng đã cứu nguy cho 4 bệnh nhân khác.

Vượt qua định kiến 

Ngày hè tháng 4/2016, chàng trai trẻ được hỏa táng, tro cốt của Lành được chị Phụng mang gửi ở một ngôi chùa bên Quận 9. Nhưng ngay khi thông tin chị hiến tạng con được nhiều người biết đến, cuộc sống của chị bắt đầu bị xáo trộn bởi những hoài nghi từ người thân.

“Mấy anh chị em trong nhà họ không biết nên nói mình đẻ con nuôi lớn lên không biết thương mà lại đem bán tạng. Họ chửi bới, chì chiết nhưng khi đó tôi nghĩ ai nói gì thì nói miễn là con mình và mình làm đúng, không làm sai là được. Bây giờ nó chết rồi để không thì cũng tan thành tro bụi. Vậy tại sao còn cứu được người lại không cứu? Nhiều người nói, tôi nói luôn: “Mai mốt tao chết, tao cũng hiến luôn”. 

Thấy hoàn cảnh của mẹ con chị Phụng, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người của bệnh viện Chợ Rẫy vô cùng trăn trở. Sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định nhận con trai thứ hai của chị Phụng làm con nuôi, vận động mạnh thường quân tài trợ để hỗ trợ cháu học đến hết phổ thông.

Sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận động để xin cho cháu vào học trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi trên địa bàn Quận 2. Nhưng khi vào học, Sơn Lâm không thể hòa nhập được với môi trường lớp học. May mắn, nhờ tấm lòng của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hồng, giáo viên chủ nhiệm của Sơn Lâm và cô Đinh Thị Kim Thoa, giáo viên về hưu kèm cặp thêm.

May mắn, sau 3 tháng hè Lâm đã thuộc lòng bảng chữ cái, làm toán thành thạo tự tin học lại lớp 1. Giờ đây Sơn Lâm là niềm an ủi, cũng là niềm hi vọng của chị Phụng. 

Thời gian qua đi, những người trong gia đình cũng hiểu và thông cảm cho quyết định của chị Phụng. Bây giờ, hằng ngày chị Phụng lại tiếp tục mưu sinh bằng việc dọn dẹp, rửa chén bán thời gian ở một quán bar bên khu Thảo Điền (Quận 2) để nuôi đứa con trai thứ hai ăn học đến nơi đến chốn.

Đọc thêm

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện Mahosot thực hiện các kỹ thuật can thiệp nội soi tiêu hóa.
(PLVN) - Chiều 13/4, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đoàn y bác sĩ của đơn vị này vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăng (Lào) đánh dấu sự hợp tác hữu nghị của ngành y tế hai nước, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Lào. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 nước.