Gần 25 năm qua, người trong vùng đã quen hình ảnh bà Mai Thị Tý (63 tuổi, ngụ phường Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với chiếc xe đạp cũ cùng chiếc liềm cột trên chiếc sào tre, sớm sớm chiều chiều cọc cạch đạp quanh các khu vườn ở Kim Long, Hương Long (TP Huế) cắt lá chuối.
Mỗi ngày, bà Tý cắt được khoảng 50 kg lá bỏ cho những người gói giò chả, gói bánh nậm, bánh lọc, bánh ít hoặc gói xôi buổi sáng. |
Ngày trước, khi kinh tế gia đình còn khó khăn, cả gia đình bà Tý sống nhờ vào mấy sào ruộng và đôi ba vạt bắp. Đến mùa bắp, bà tự nấu rồi mang ra chợ bán. Bắp hết mùa, bà lại quay sang bán bún, bán bánh.
Có lần thấy người ta bán bánh tét nhưng gói lá lỏng lẻo khiến bánh sau khi nấu xong, hạt nếp nhão nhoẹt vì úng nước, bà quyết định gói bánh tét để bán. Thấy bánh bà gói chắc, đẹp, ngọn lá xanh ngắt, bánh lột ra lớp nếp bọc bên ngoài nhuộm màu lá xanh rì, mùi nếp quyện với mùi lá thơm nồng, có người hỏi thăm lá, rồi đặt hàng bà cắt bán, vậy là bà bén duyên với nghề hái lá chuối từ đó.
Bà Tý cho biết, công việc hái lá chuối tuy đơn giản, những cũng đòi hỏi người hái phải “có mắt nhìn”. Lá hái phải là những tàu lá to bản, dày, có màu xanh mướt. Người hái lá không được “ham” mà cắt trụi lá. Thường mỗi cây chỉ nên thu hoạch từ 3- 4 lá, và để lại ít nhất là 2 lá trên cây, nhất là vào mùa nắng nóng.
Mỗi ký lá chuối, tùy thời điểm và chất lượng lá mà bà bán dao động từ 4.000 – 10.000/1 kg. Mỗi ngày, bà cắt được khoảng 50 kg lá bỏ cho những người gói giò chả, gói bánh nậm, bánh lọc, bánh ít hoặc gói xôi buổi sáng. Lá chuối bà hái bán cho khách là lá chuối sứ. Lá có phần bột trắng trên mặt, mềm, dai, nếu gói bánh khi luộc lên có màu xanh bắt mắt, trong khi lá chuối rừng vừa cứng, lại giòn, khi luộc chín có màu vàng ệch nên nên không được ưa chuộng.
Giữa trưa, bà Tý vẫn đang ngồi cần mẫn rọc lá giao cho khách. Đôi bàn tay đen nhẻm vì dính nhựa lá thoăn thoắt lia dao rọc lá. Bà Tý bảo, ngoài những ngày mưa gió phải bì bõm lội vào vườn, ngẩng đầu cắt lá mưa xối mắt không thấy trời thì cực một chút, còn lại hầu như là việc nhẹ. Cho nên dù thu nhập từ nghề lá không cao, chỉ đủ túc tắc sống qua ngày, vậy nhưng bà Tý chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.
“Làm nghề chi là yêu nghề nấy. Tui lỡ ghiền mùi lá rồi, nên không bỏ được. Chỉ cần vài hôm không đi vườn cắt lá, là đã thấy nhớ quay quắt cái mùi lá sau vườn”, bà Tý chia sẻ. Cũng nhờ gắn bó với nghề lá, cùng mấy sào ruộng của chồng, mà vợ chồng bà nuôi được ba con ăn học đàng hoàng.
Bà Tý kể, mấy chục năm trước, khi người dân đi chợ vẫn thường mang theo giỏ; thì cá, thịt, rau củ thường được người bán gói trong lá chuối, lá sen, nên khách hàng của bà; ngoài những người mua lá để gói nem chả, gói bánh, gói xôi buổi sáng; còn có những người buôn bán ở chợ mua lá để gói hàng, nhất là những người bán rau. “Rau, giá gói trong lá chuối, bao giờ cũng giữ độ tươi lâu hơn đựng trong bọc ni lông, nên cả người bán lẫn người mua rất thích”, bà Tý nói.
Sau này, sự “lên ngôi” của bọc ni lông khiến khách mua lá của bà thu hẹp lại. Nhưng những năm trở lại đây, khi mọi người trở lại ưa chuộng với lối sống xanh, những người mua lá để gói rau gói giá không hiếm, nhất là những người bán xôi, xôi bắp, bánh dày… đều dùng lá chuối để gói thức ăn, khách lấy lá của bà lại mở rộng hơn một chút.
Ở tuổi 62, bà Tý vẫn cần mẫn ngày ngày đạp xe đi cắt lá, rồi đi bỏ hàng. Bà chưa có ý định “nghỉ hưu” vì vẫn còn gắn bó với những phiến lá thơm nồng ấy. “Khi nào còn sức, và ngày nào người ta vẫn còn dùng lá chuối để gói hàng, gói thức ăn, thì ngày đó tui vẫn còn gắng bó với nghề ni”, bà khẳng định khi chất mấy cuộn lá chuối xanh ngắt được buộc gọn gàng lên xe, chuẩn bị rong ruổi đi giao cho khách giữa trưa nắng chang chang.