Đời Trình – nước mắt và ước mơ
Gặp Trình, nhìn niềm vui lấp lánh trên gương mặt tròn và đôi mắt một mí đặc trưng của người H’Mông, chẳng ai có thể đoán cuộc đời của em đã trải qua những nỗi đắng cay thế nào. Sinh ra và lớn lên ở núi rừng Thuận Châu, Sơn La, anh em Trình không nghĩ sẽ có một ngày đôi chân non nớt của hai anh em phải lưu lạc xa quê hương, xa cha mẹ.
“Bố mẹ em cưới nhau khoảng 10 năm mới sinh ra em và em trai. Em yêu bố nhất vì em thích gì bố đều mua cho em. Rồi bố và mẹ chia tay vì bố nghiện. Mẹ về nhà ngoại, em trai lên Điện Biên sống cùng bác họ, em lang thang xuống Hà Nội kiếm việc…” – Trình mở đầu câu chuyện cuộc đời mình như vậy.
Xuống Hà Nội, mảnh đất phồn hoa đô hội quá xa lạ với một đứa trẻ quen lớn lên ở núi rừng như Trình. Không nơi tá túc, không tiền, em lấy bốt bảo vệ bỏ hoang ở Thụy Khuê là mái nhà cho mình. Ngày ngày đi kiếm việc, Trình thường về ngủ ở bốt bảo vệ lúc 2h sáng, lúc nào không về được em ngủ trên bất kỳ chiếc ghế đá nào tìm được. Cơn đói hành hạ, Trình nhặt đồ thừa của người khác để ăn, gì cũng được, miễn sao đỡ đói lòng. Cạnh bốt bảo vệ có người phụ nữ bán nước dừa, nhiều lúc thấy Trình đói lả, thương xót mua cho cậu bé bát mỳ ăn tạm.
Cuộc sống lang thang nơi phố thị rất nhiều cám dỗ và sa ngã, nhưng Trình tự bảo với mình là không được như vậy vì em còn phải trở về thăm bố và chăm em. Em tự lân la, mày mò đi xin làm chân phụ hồ để kiếm bữa cơm sống qua ngày, ao ước mình lớn lên thật nhanh để có thể làm những công việc có thu nhập cao hơn, kiếm tiền nuôi sống bản thân và lo cho người thân.
Cuộc sống lang thang của Trình cứ thế trôi qua trong một thời gian dài để gió sương và sự khắc nghiệt của cuộc đời kịp khắc lên gương mặt non tơ của cậu bé những nét khắc khổ, cam chịu. Rồi vào một ngày, trên phố, Trình gặp nhân viên xã hội của một tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam…
“Em thấy mình như được sinh ra lần nữa, sau những ngày lang thang, em lại có chiếc giường ấm để nằm, có mái nhà che nắng mưa. Sau 9 năm bỏ học em lại được cầm sách vở để học môn Toán là môn em thích nhất, được đọc truyện, được chơi thể thao. Ở đây em hay xuống bếp phụ giúp việc nấu nướng, em rất mê nấu các món ăn Việt Nam, mơ ước sau này sẽ được theo học ở trường dạy nghề Hoa Sữa thành đầu bếp và có cơ hội sẽ mở một nhà hàng của riêng mình…” – Trình hồ hởi kể về cuộc đời mới và những ước mơ của mình với tôi.
Giàng A Trình và bộ ảnh kể lại câu chuyện cuộc đời mình do chính tay em tự chụp. |
Trẻ em mưu sinh trên đường phố kể chuyện đời mình qua nhiếp ảnh
Cùng với Trình,cô bé Đào Phương Trinh cũng có câu chuyện của mình. Bố mất sớm, mẹ bỏ đi nên em sống với bà nội. Hai bà cháu không nơi nương tựa nên phải dựng tạm một túp lều ở bãi đất trống để ở. Hàng ngày, hai bà cháu đi ăn xin, nhặt phế liệu trên phố.Bỗng một ngày, các cô chú cán bộ xã hội tới, trò chuyện và nói rằng sẽ trao cho các em những chiếc máy ảnh để có thể chụp lại những gì các em thấy trong cuộc sống của mình.Bức ảnh đầu tiên Trinh chụp là hình ảnh bà nội của mình, sau đó là túp lều nơi hai bà cháu sinh sống…
Bất kỳ trẻ em nào sinh ra đều có quyền được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Thế nhưng, với những đứa trẻ vì hoàn cảnh mà phải mưu sinh trên đường phố thìlại không được may mắn như vậy. Thay vì được đi học, được vui chơi với bạn bè phần lớn thời gian của các em dành cho công cuộc mưu sinh trên những vỉa hè huyên náo ở thành thị. Các em thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội: bạo lực gia đình, xâm hại, bóc lột sức lao động, thiếu thốn vật chất và tinh thần… điều đó gây nên những tổn thương lớn về mặt tâm lý và thể chất về lâu dài.
Năm 2020, Hội LHPN Việt Nam thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” và một trong những khía cạnh của việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em là giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đây cũng chính là tư duy nền để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu, thực hiện một dự án đặc biệt để tìm hiểu hoàn cảnh của những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố.Trao máy ảnh cho những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố, triển lãm đã có một chặng hành trình từ “Ngày ấy đã từng” cho tới “24 giờ trên phố” và “Tìm về chốn bình yên” như thước phim ghi lại hành trình cuộc sống xen lẫn với những nỗi niềm, tiếng lòng của những đứa trẻ đường phố qua các câu chuyện chân thực, dung dị nhất mà có lẽ các em ít chia sẻ cùng ai.
Đào Phương Trinh không giấu nổi niềm vui của mình khi những bức ảnh do em và các bạn tự tay chụp được trưng bày tại bảo tàng và khiến rất nhiều người xem xúc động. Câu chuyện bằng hình ảnh của Trinh đã mang những màu sáng tươi sáng hơn, khi em được đi học, hai bà cháu cũng được Hội và địa phương hỗ trợ để có thể thuê nhà ở.“Em được tham gia một lớp học để giúp trẻ em gái tự tin hơn trong cuộc sống, em đã có những trải nghiệm rất vui” Trinh chia sẻ.
Cũng như Giàng A Trình, Lê Thanh Sơn sinh năm 2005 ở Đắk Nông vì hoàn cảnh gia đình phức tạp nên em bỏ nhà ra thành phố mưu sinh. Sau một thời gian lang thang qua nhiều tỉnh thành, em về đến Hà Nội. Ghế đá ở cổng đền Ngọc Sơn là nơi em ngủ hàng đêm.“Sau cuộc gặp gỡ với anh Tính, cán bộ xã hội, cuộc đời em đã thay đổi và tìm lại được niềm tin. Em đang học biểu diễn xiếc và sau này muốn làm công tác xã hội giúp đỡ được nhiều người. Vì mơ ước đó em sẽ chăm chỉ tập luyện,” Sơn cho biết.
Nước mắt đã rơi trước các bức ảnh và trước cả những nụ cười hiện thời của các tác giả ảnh. Rơi vì cuộc đời của các em, rơi vì nghĩ suy tại sao lại có những gia đình, những bậc cha mẹ nỡ lòng nào đẩy con mình ra đường mà không hề có chút động tâm về yêu thương và trách nhiệm, rơi vì cảm động trước những bàn tay nhân ái đã chìa ra kịp thời…
Hay nói như bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Triển lãm giúp chúng ta thêm hiểu và cảm thông cho những số phận thiệt thòi. Đồng thời mỗi chúng ta cần thấy được vai trò của mình trong việc nuôi dạy, giúp đỡ, và phát triển toàn diện trẻ em, làm thế nào để trẻ cảm thấy an toàn trong chính gia đình của mình và trong cộng đồng.Triển lãm không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống, tuyên truyền về cuộc sống của trẻ em trên đường phố, mà còn mang tính giáo dục cao. Tôi tin rằng nhiều bậc phụ huynh sẽ đưa con mình đến tham quan triển lãm, để biết thông cảm, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn và biết trân trọng những gì mình đang có”.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu