Hội thi là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11), đồng thời tiếp tục tôn vinh, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý Nhà nước và kiến tạo sự phát triển của xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở tư pháp Đà Nẵng, các hòa giải viên ưu tú của 16 đội thi thuộc khu vực miền Trung- Tây Nguyên cùng tham dự.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thi |
Phát biểu khai mạc Hội thi, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, hoạt động hòa giải cơ sở giúp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột trong cộng đồng dân cư ngay tại địa bàn; góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, sự chia sẻ trong từng gia đình và toàn xã hội. Làm tốt công tác này, vừa mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, vừa góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giảm bớt các vụ việc phải giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho Nhà nước và nhân dân. Hoạt động hòa giải cơ sở còn nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật hòa giải cơ sở, đặt nền tảng pháp lý cho hoạt động hòa giải cơ sở về sau. Đặc biệt, năm 2016, Bộ Tư pháp xác định việc tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong năm.
Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng tặng hoa chức mừng |
Nêu bật những ý nghĩa tích cực của Hội thi, Thứ trưởng mong muốn mỗi thí sinh và từng đội thi thật bình tĩnh, tự tin, sáng tạo, thể hiện hết mình để đạt được điểm số cao nhất và quan trọng hơn là để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Ngay sau màn khai mạc rộn ràng, sôi động, các đội thi của 16 tỉnh, thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã sôi nổi bước vào những phần tranh tài đầy quyết liệt. Mỗi đội đều trải qua 3 phần thi: Giới thiệu; Lý thuyết, Xử lý tình huống; Tiểu phẩm. Các câu chuyện rất đời thường đã được các hòa giải viên thể hiện thật sinh động, nhờ vậy đã tuyên truyền bằng trực quan về tầm quan trọng của công tác hòa giải trong việc giữ gìn tình đoàn kết, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật…
Vòng thi thuộc khu vực miền Trung- Tây nguyên diễn ra trong 2 ngày (29-30/9).
Những người “cầm cân nảy mực” được xác định gồm: ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ tư pháp), làm trưởng ban; ông Trần Ngọc Tâm, Trưởng Ban Pháp luật (Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam), thành viên; bà Nguyễn Thu Hương, Phó trưởng Ban Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQVN), thành viên; bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Trưởng Ban Chính sách- Luật pháp (Trung ương Hội LHPNVN), thành viên; ông Trần Ái Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, thành viên.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu (trái ngoài cùng), cùng thành phần Ban giám khảo Hội thi |
Sau các phần thi, Ban giám khảo sẽ giúp Ban tổ chức chọn ra các phần thi, đội thi xuất sắc nhất khu vực miền Trung- Tây Nguyên để tham dự Vòng chung khảo Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III, được tổ chức vào tháng 11/2016 tại Hà Nội.