Các kết quả nghiên cứu đều thống nhất quan điểm năng suất và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam đã có giai đoạn phát triển liên tục theo chiều rộng khiến nguồn lực vật chất như vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên được khai thác gần như triệt để. Vấn đề đặt ra là tiếp tục mở rộng nguồn lực này về lượng để phát triển vấp phải giới hạn, trong khi đó, mức đóng góp của các yếu tố vốn và lao động lên tới 80%, đóng góp từ năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chỉ khoảng 20%.
Là một chỉ số chính của thị trường lao động, phản ánh tăng trưởng kinh tế bền vững, khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong sử dụng lao động của mỗi quốc gia, tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy Việt Nam hiện tại vẫn đang có một khoảng cách lớn về năng suất lao động giữa các ngành, cũng như khi so sánh với các nước khác trong cùng khu vực. Có rất nhiều nhân tố tác động đến năng suất lao động Việt Nam và chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố đó.
Chất lượng nguồn nhân lực (lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật) lại là nhân tố quan trọng tác động đến thay đổi năng suất lao động, song các nghiên cứu sử dụng rất nhiều các phương pháp phân tích, tiếp cận số liệu nhưng tựu trung lại đều có chung nhận định ở Việt Nam, mức độ tác động của chất lượng nguồn nhân lực (phản ánh trên tiêu chí đo lường trình độ đào tạo của người lao động) đến năng suất lao động còn rất thấp.
Hay nói cách khác, chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự là động lực của tăng trưởng năng suất lao động. Xét theo trình độ đào tạo, nhóm có trình độ đào tạo trung cấp (lao động được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng) có ảnh hưởng mạnh nhất tới năng suất lao động nhưng Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực này. Tỷ lệ lao động trẻ tuổi và chưa qua đào tạo rất lớn là rào cản của tăng năng suất lao động của Việt Nam.
Giai đoạn 2006-2016, mức đóng góp của năng suất lao động vào tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế khá lý tưởng, đạt 65,7% bình quân cả giai đoạn. Số liệu về tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2006-2016 của 20 ngành kinh tế cấp 1 cho thấy một bức tranh sáng lạn, tất cả các ngành kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng dương, tuy nhiên có tới 11/20 ngành kinh tế đạt được giá trị tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động. Trong đó, có 4/20 ngành suy giảm năng suất lao động bình quân trong giai đoạn 2006-2016 và 7/20 ngành tăng trưởng giá trị tăng thêm dựa vào tăng trưởng lao động (đóng góp của tăng năng suất lao động trong tốc độ tăng trưởng chưa đạt mức lý tưởng 60%).
“Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có tới 1/2 số ngành tăng trưởng giá trị tăng thêm không dựa vào tăng năng suất lao động. Nói cách khác, nền kinh tế đang tăng trưởng theo bề rộng, mặc dù có tăng trưởng kinh tế nhưng không bền vững, chưa có đổi mới sáng tạo, nâng cao khoa học công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển và nâng cao năng suất lao động…”- Báo cáo của NCIF nhận định.
Thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là lao động bậc trung, chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu lao động trong giai đoạn 2010-2015. Tỷ lệ thiếu hụt trình độ chuyên môn kỹ thuật chung của cả nền kinh tế trong giai đoạn này tăng từ 28% lên tới gần 33%. Ngoài ra, nền kinh tế còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực. Tỷ lệ không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam tăng từ 16% lên 24% trong giai đoạn 2010-2015.
Nghiên cứu cũng cho thấy, đổi mới công nghệ có tác động tích cực đến TFP. Cụ thể, nếu các DN nhỏ và vừa áp dụng đổi mới công nghệ sẽ làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp thêm khoảng 25%. Các kết quả cũng cho thấy các chiến lược công nghệ vững chắc liên quan đến việc kết hợp hoặc phát triển quy trình mới liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm mới có ảnh hưởng lớn hơn. Những tác động này được chuyển thành sự gia tăng hiệu quả trong thị phần dẫn đến sự phát triển của DN mạnh mẽ hơn trong dài hạn. Về đổi mới sáng tạo, trình độ của chủ DN quyết định rất lớn tới nhận thức và mức độ đổi mới công nghệ của DN…