Theo một báo cáo mới vừa được công bố bởi WWF, hơn một nghìn loài mới đã được phát hiện tại khu vực sông Mekong mở rộng tại Đông Nam Á trong một thập kỷ vừa qua.
Báo cáo có tên “Sự tiếp xúc đầu tiên tại tiểu vùng sông Mekong (First Contact in the Greater Mekong)”, cho biết: Trong khoảng 1068 loài vừa được các nhà khoa học tìm thấy từ năm 1997 đến 2007, có loài nhện huntsman lớn nhất thế giới với sải chân lên đến 30 centimet và loài rết hồng tiết xyanua sặc sỡ.
Chuột đá Lào (trái) và rết hồng tiết xyanua sặc sỡ (phải). Ảnh: WWF |
Loài chuột đá Lào, được cho rằng đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước, đã được các nhà khoa học phát hiện tại một khu chợ thực phẩm địa phương, trong khi đó loài rắn pitviper tại bán đảo Thái Lan được tìm thấy đang trượt qua xà nhà của một nhà hàng tại Vườn quốc gia Khao Yai, Thái Lan.
Các loài phát hiện, được liệt kê trong báo cáo này, bao gồm 519 loài thực vật, 279 loài cá, 88 loài ếch, 88 loài nhện, 46 loài thằn lằn, 22 loài rắn, 15 loài có vú, 4 loài chim, 4 loài rùa, 2 loài kỳ nhông, và một loài cóc.
“Khu vực này đúng như những gì khi còn nhỏ tôi đã đọc trong những câu chuyện của Charles Darwin,” TS. Thomas Ziegler, phụ trách vườn thú Cologne nói.
Ông thốt lên: “Thật tuyệt vời khi đến những nơi chưa từng được khám phá và là người đầu tiên ghi lại sự đa dạng sinh học ở đó… Thật bí ẩn và đẹp đẽ!”
1068 loài đã phát hiện tại tiểu vùng sông Mekong 10 năm qua. Ảnh: WWF cung cấp |
Tiểu vùng sông Mekong có 6 quốc gia, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, và tỉnh Yunnan phía Nam Trung Quốc.
Người ta đã ước tính hàng nghìn loài động vật không xương sống được tìm thấy trong thời gian vừa qua, càng khẳng định thêm sự đa dạng sinh học vốn có của khu vực này.
Báo cáo này còn nhấn mạnh: phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cần đi đôi với nhau để đảm bảo sinh kế và xoá nghèo, cũng như đảm bảo sự tồn tại của các loài sinh vật và sinh cảnh tự nhiên của khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.
“Sự đa dạng sinh học chưa được hiểu hết ở nơi này đang phải đối mặt với những áp lực chưa từng có… Đối với các nhà khoa học, điều này có nghĩa là hầu hết những nghiên cứu thực địa đều phát hiện ra những đa dạng mới, nhưng việc dẫn chứng bằng tài liệu lại là một cuộc chạy đua với thời gian” - ông Raoul Bain, chuyên gia đa dạng sinh học tại Bảo tàng lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ nói.
Báo cáo gợi ý, điều cần nhất hiện nay để bảo vệ sự đa dạng sinh học khu vực này chính là một thoả thuận chính thức, xuyên biên giới giữa chính phủ các quốc gia trong khu vực.
Nguồn: VietNamNet