Hòn đá “trấn yểm” cửa chùa làm mất sóng điện thoại?

Ngôi chùa nhìn từ xa
Ngôi chùa nhìn từ xa
(PLO) - Ngôi cổ tự Châu Thớigắn liền với sự tích hòn đá thần cầu an toạ lạc ngay giữa bậc thang dẫn lên đỉnh chùa không thể phá bỏ, kể cả cho nổ mìn. Đặc biệt hơn, người ta cho rằng vì hòn đá này mà khu vực quanh chùa không có sóng điện thoại di động.
 
Hòn đá “trấn yểm” ngôi chùa
Chùa Châu Thới toạ lạc trên ngọn núi cùng tên thuộc phường Bình An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất trong số các chùa ở Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. 
Đi lên chùa Châu Thới, ở bậc thang thứ 170 du khách bắt gặp hòn đá to, lúc nào cũng nhang khói nghi ngút nằm ngay giữa lối đi. Người dân gọi hòn đá là “ông Tà”, vị thần giữ cửa chùa. 
Bà Tư, người bán hàng nước trước cổng chùa bắt chúng tôi phải gọi hòn đá là “ông Tà” chứ không được gọi "hòn đá", thì mới đồng ý tiếp chuyện. Bà giải thích, núi Châu Thới là núi đá nên khi làm đường xây bậc thang lên chùa, người ta phải đào bỏ rất nhiều đá chắn ngang, không hiểu tại sao duy nhất hòn đá này lại không thể đục bỏ.
Ai nấy nhớ như in vào năm 1971, sư trụ trì cho mở rộng lối đi, đổ bê tông con đường trước cổng tam quan. Những hòn đá vướng víu đều được đục, đào bỏ. Bằng chứng là hai bên đường đá được phá ra sắp thành hàng ngay ngắn. Nhưng khi đụng vào “ông Tà”, không ai làm gì được. 
Có người nổi giận dùng búa đập liên tục đến toé lửa nhưng vẫn không làm rơi mẩu đá nào. Sau đó, nhóm thợ chuyên nổ mìn phá đá được mời đến dọn “ông Tà”. Nhóm thợ đào sâu xuống lòng đất để nhét thuốc nổ vào, ý định dùng sức nổ đánh bật gốc hòn đá cho lăn xuống chân núi. Nhưng đào mãi nhóm thợ mới biết hòn đá dính liền với cả khối đá khổng lồ bên dưới lòng đất. 
“Tà lão trung sơn” tức ông Tà giữa núi
“Tà lão trung sơn” tức ông Tà giữa núi 
Sau nhiều lần đánh mìn bất thành, mọi người mới bất lực thú nhận với sư trụ trì. Nghe chuyện khó tin, sư trụ trì yêu cầu mọi người giữ nguyên hòn đá vì cho rằng có thể đây là “vị thần” giữ cửa chùa. “Người ta không làm đường tránh mà để nguyên hòn đá ở giữa đường như thế. Sư trụ trì dùng sơn viết lên đó mấy chữ hán có nghĩa “Tà lão trung sơn” tức ông Tà giữa núi.
Từ đó trở đi, chúng tôi phải hết lòng thờ cúng ông đá. Người nào đi qua đều phải vái lạy, thắp nhang. Nhất là những gia đình có người lái xe thường mang lễ vật đến dâng cúng cầu bình an”, bà Tư kể. 
Sư trụ trị Thiện Minh khẳng định hòn đá giữa lối đi chính xác có tên “ông Tà”: “Lúc mở đường, đụng phải hòn đá quá lớn không phá được mới để nguyên vị trí cũ luôn. Chuyện cầu được ước thấy ở hòn đá, nhà chùa chỉ nghe chứ không rõ thực hư. Nhưng quả đúng nhiều người qua lại thường ghé thắp nhang khẩn nguyện ở đá ông Tà. Nhà chùa mới đặt tại đó chiếc lư hương để tiện việc thắp nhang”. Vị trụ trì xác nhận bút tích trên hòn đá là của mình.
Điều khá thú vị, ít ai lý giải được, mỗi lần đi qua vị trí hòn đá “thần”, điện thoại đều bị mất sóng. Từ bậc thang này trở lên không có sóng điện thoại di động. Nhà chùa phải sử dụng điện thoại bàn, kéo dây từ dưới chân núi lên để liên lạc. Nhiều người cho rằng việc mất sóng điện thoại do “ông Tà” không muốn bị làm phiền. 
Cổ tự bị cho là “sát tình yêu”
Bên cạnh hòn đá lạ, chùa Châu Thới còn gắn liền với lời đồn chuyên “sát” tình duyên. Theo đó những cặp đôi yêu nhau tới đây sẽ bị tan vỡ. Lời truyền tai này bắt nguồn từ câu chuyện được những người già trong vùng kể lại:
Vốn xa xưa, trên núi Châu Thới có đôi vợ chồng hành nghề đốn củi. Cuộc sống nghèo khó, họ thường xảy ra mâu thuẫn. Trong một lần lời qua tiếng lại, người chồng lỡ tay xô vợ xuống vực sâu khiến vợ chết oan. Linh hồn người vợ không siêu thoát, cứ lởn vởn trên núi chờ cặp nào yêu nhau đến đây lại xui khiến chia tay người yêu bởi lòng thù hận đàn ông quá lớn. 
Còn người chồng sau khi lỡ tay xô vợ xuống vực rất ăn năn, đi tìm kiếm suốt mấy năm nhưng không thấy thi thể vợ đâu. Cư dân địa phương truyền tai nhau, trong vùng đã có mấy cặp đôi yêu nhau chia tay liên quan đến cổ tự Châu Thới.
Bác bỏ thông tin trên, sư trụ trì Thiện Minh cho hay: “Tôi có nghe lời đồn nhưng thấy vô lý bởi lúc mới lập tự, khu vực quanh núi Châu Thới không có bất cứ gia đình nào sinh sống. Người dân trước kia đều sống cách chùa vài km, đường lên chùa vô cùng khó khăn. Nếu thế liệu có đôi vợ chồng sinh sống trên núi như chuyện kể hay không”. Thực tế hằng ngày vẫn có nhiều đôi trai gái đến chùa cầu duyên lạy phật. Hiện nhà chùa đang xây thêm nhiều hạng mục khác phục vụ du khách đến vãn cảnh. 
Sử sách chép lại, chùa Châu Thới thành lập năm 1612 bởi thiền sư Khánh Long thuộc thiền phái Bắc Tông. Trước kia, cổ tự chỉ là am thờ nhỏ đơn sơ, sau đó được trùng tu thành chùa Hội Sơn trước khi có tên Châu Thới. 
Ngôi chùa gắn liền với lịch sử di dân lập ấp của người dân Nam Bộ. Tương truyền thiền sư Khánh Long đắc đạo phật pháp từ nhỏ. Vì thương những người dân phiêu bạt nơi rừng thiên nước độc xứ Nam Bộ, ông tự nguyện đi theo, ngày ngày tụng niệm kinh phật cầu an cho chúng sinh. Ngài chọn núi Châu Thới lập chùa bởi địa thế nơi đây nơi cao nhất của cả vùng đất rộng lớn. 
Bà Tư kể lại chuyện đục phá “ông Tà” bất thành
 Bà Tư kể lại chuyện đục phá “ông Tà” bất thành
Quay trở lại với hòn đá. Lý giải về việc điện thoại mất sóng khi đứng gần hòn đá “ông Tà”, mất sóng từ bậc thang có “ông Tà” án ngữ trở lên, thạc sĩ Trương Đình Tọa, giảng viên khoa vật lý trường ĐH Sư phạm TP.HCM giải thích: Sóng điện thoại là loại sóng thẳng, có phạm vi truyền tải hẹp và không phụ thuộc vào độ cao. 
Bởi vậy người ta thường xây dựng các cột phát sóng rất cao. Mặt khác, sóng điện thoại khi gặp vật cản như núi đá, cây cối sẽ không thể truyền qua được hoặc giảm cường độ gây nên hiện tượng sóng yếu, mất sóng. Hiện tượng này thường gặp khi ở trong các rừng có cây lớn, nhiều đá và dưới lòng đất. Có thể vì những nguyên nhân này mà khu vực không có sóng điện thoại.
Còn một giả thiết khác, rất có thể hòn đá có từ tính do lẫn tạp chất bên trong. Tuy nhiên muốn biết chính xác cần phải dùng dụng cụ đo từ tính mới khẳng định được: “Nhiều khả năng ngọn núi nằm xa cột phát sóng và có nhiều vật chắn trên đường đi gây ra hiện tượng mất điện thoại chứ không hề có chuyện thần thánh hiển linh như người dân đồn đại”, thạc sĩ Toạ nói./. 
Có dịp đến viếng chùa Châu Thới, đứng từ xa đã thấy rõ cổ tự với hai bức tượng phật Quan Âm cao 22,5m, nặng 100 tấn đặt trên đỉnh núi cao. Với 220 bậc thang được xây dựng vào năm 1971 đã tạo nên con đường quanh co uốn lượn lên chùa thật nên thơ.
Đỉnh mái chùa có chín con rồng lớn nhìn ra nhiều hướng với những họa tiết chạm trổ sinh động. Hiện cổ tự Châu Thới đang lưu giữ nhiều pho tượng quý đúc bằng đồng và đá cẩm thạch được các nghệ nhân tận xứ Huế vào chế tác. Ngoài ra nhà chùa còn thờ bộ Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương bằng đất nung, là hai bộ tượng xưa và độc đáo cho thấy nghề gốm ở địa phương phát triển khá sớm. 
Vào năm 1988, nhà chùa đúc đại hồng chung theo mẫu chuông ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế) nặng 1,5 tấn, cao 2m. Trong các năm từ 1996 đến 1998, cổ tự được trùng tu quy mô. Từ năm 1989 chùa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Đọc thêm

Mãn nhãn, ấn tượng chung kết Dalat Best Dance Crew 2024

12 nhóm nhảy hội tụ chung kết bảng quốc tế Dalat Best Dance Crew 2024.
(PLVN) - Tối 30/4, các nhóm xuất sắc nhất trong và ngoài nước ở bảng quốc tế Dalat Best Dance Crew 2024 – Hoa Sen Home International Cup chính có cuộc đối đầu đầy kịch tính ở vòng chung kết, đem lại những cung bậc cảm xúc tuyệt vời nhất cho khán giả có mặt tại quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Đa sắc màu chung kết Dalat Best Dance Crew 2024

Đa sắc màu chung kết Dalat Best Dance Crew 2024
(PLVN) - Trước sức nóng của hơn 20 nghìn khán giả tại Quảng trường Lâm Viên, 18 đội thi của Bảng phong trào mở rộng Dalat Best Dance Crew 2024 - Hoa Sen Home International Cup đã cho khán giả và ban giám khảo thấy được sự đầu tư chỉn chu từ biên đạo, âm nhạc, trang phục.

Những tiếng ca 'tiên phong' của dòng nhạc đỏ

Những tiếng ca 'tiên phong' của dòng nhạc đỏ
(PLVN) - Giữa bom đạn chiến trường khốc liệt, vẫn còn đó khúc ca hào hùng, bi tráng của một thời kỳ kháng chiến cứu nước. Có rất nhiều ca sĩ hát dòng nhạc cách mạng được nhiều người biết đến như Trần Hiếu, Lê Dung, Tường Vi, Thanh Huyền... Nhưng có những cái tên thuộc hàng ngũ tiên phong, trở thành “bậc tiền bối”, đàn anh, đàn chị cho dòng nhạc đỏ một thời.

Hùng tráng những khúc ca khải hoàn

Chương trình Đất nước trọn niềm vui tại Thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Hồng Nhung)
(PLVN) - Các tuyệt phẩm khải hoàn, bản tráng ca rộn ràng niềm vui mở hội mà người dân Việt Nam rất đỗi yêu thích được vang lên khắp các tỉnh, thành vào những dịp kỷ niệm các ngày chiến thắng oanh liệt, vĩ đại của dân tộc. Các chiến công thần kỳ của quân và dân ta khiến các nhạc sĩ tràn đầy niềm xúc cảm sáng tác những tuyệt phẩm bất hủ.

Đi tìm Hoa hậu Du lịch Việt Nam năm 2024

Nhiều hoa khôi, á khôi tham gia cuộc thi (ảnh H. Linh).
(PLVN) - Cuộc thi "Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024" được tổ chức nhằm mục đích tìm kiếm gương mặt Đại sứ du lịch hội tụ nhan sắc, trí tuệ, tài năng và bản lĩnh xứng với danh hiệu Hoa hậu Du lịch Việt Nam, góp phần quảng bá sâu rộng đến bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam hiện đại, năng động và không ngừng phát triển cùng với những cảnh quan du lịch tuyệt đẹp được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng.

'Đại tiệc' âm nhạc xuyên suốt dịp lễ 30/4-1/5 tại Đà Lạt

Cuộc thi nhảy Dalat Best Dance Crew 2024 hứa hẹn sôi động, hấp dẫn.
(PLVN) - Ngoài 2 chương trình lễ hội âm nhạc chính diễn ra từ 27 đến 30/4, tại các khu du lịch, phòng trà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có các chương trình ca hát để phục vụ người dân, du khách trong dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay.