Sư cô “nổi tiếng”
Sự việc được sư Thục thuật lại, do phòng riêng bị cắt điện, cắt nước, sư Thục lại không được ra ngoài nên sáng 14/6, đúng lúc cửa chùa mở cho khách vào, sư Thục tìm cách ra ngoài mua nước uống, bánh mỳ để ăn. Khi sư quay về bấm chuông cổng nhiều lần thì người trong chùa không mở cửa, sư Thục phải trình báo công an nhờ can thiệp.
Đại diện Công an phường Lê Đại Hành xác nhận sự việc sư Thục kể là có thật. Công an cùng đại diện chính quyền, tổ dân phố đã đến làm việc nhưng cũng phải sau hơn 2 tiếng, cổng chùa mới được mở. Theo lời đề nghị của bà con, công an đã đưa sư Thục vào chùa, đề phòng bị những người có mặt trong chùa đánh mắng. Công an kiểm tra phòng riêng của sư Thục thấy điện, nước đã bị cắt, trong khi điện, nước trong chùa vẫn có bình thường.
Được biết, sư Thục bắt đầu về tu tập ở chùa Vân Hồ từ năm 1990 khi mới 17 tuổi, đến năm 2009 được chuyển đến trụ trì chùa Cổ Liễn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), được hai năm thì quay lại chùa Vân Hồ ở đây cho đến nay.
Sư Thục “nổi tiếng” vì có thông tin “tố” sư ăn trộm tiền chùa, mắng chửi Phật tử, ăn nói hỗn hào với sư thầy trụ trì Thích Đàm Nhung. Sau dịp Tết Nguyên Đán năm 2014, người nào đi qua cổng chùa Vân Hồ cũng được người trong chùa gọi lại mừng tuổi 20.000 đồng và biếu một tờ báo, trong đó có bài viết về sư Thục như vậy.
Bà Hương – người dân ở tổ dân phố số 3, phường Lê Đại Hành cho biết, sư Thục là người lành hiền, suốt thời gian tu tập tại chùa rất được các Phật tử và người dân địa phương quý mến vì toàn tâm toàn ý tu tập, giúp đỡ bà con cúng tế mỗi dịp gia đình có việc hay vào chùa làm lễ. Vì vậy người dân đều nghi ngờ không biết thông tin về việc sư gây gổ, hỗn hào thực, hư như thế nào.
Sư bị nhà chùa bỏ đói?
Bà Dương Thị Hồi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Lê Đại Hành cho biết, cách đây vài tháng, khoảng 7-8 giờ tối, bà nhận được điện thoại của sư Thục nhờ mua cho sư ít xôi hoặc bánh mì để ăn vì bị cắt điện, không nấu được cơm ăn nên đói.
Bà Hồi rủ thêm vài người trong khu dân cư mang đồ ăn đến chùa cho sư Thục nhưng phải đứng chờ khá lâu, cổng chùa mới được mở ra. Phòng sư Thục tối om trong khi ngoài đường vẫn còn điện, vài gian trong chùa cũng vẫn sáng đèn. Sau đó, nhiều người dân biết chuyện cũng tìm cách vòng ra phía đường Bà Triệu “ném” bánh mì, đồ ăn vào cho sư Thục, có khi cả chai nước lọc nhỏ. Nhiều Phật tử mỗi khi vào được chùa đều giấu giếm ít đồ ăn mang đến cho sư Thục.
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Lê Đại Hành cho biết, trong Lễ Phật đản vừa qua, chính bà chứng kiến sư Thục bị người trong chùa chửi mắng thậm tệ ngay giữa gian Tam Bảo và trước đông đảo người dân. Mỗi lần biết sư Thục ra được ngoài chùa, bà đều gửi sư ít tiền và phải động viên mãi sư mới dám cầm.
Đã nhiều lần người dân xung quanh khuyên nhà sư này nên đi chùa khác, nhưng sư nói sẽ nhẫn nhịn ở lại chùa đến cuối đời vì đã hứa với sư cụ trụ trì trước.
Chùa đóng cổng, lắp camera “duyệt” khách
Chùa Vân Hồ còn gọi là Linh Thông tự, là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng năm 1992. Chùa hiện là nơi sinh sống và tu tập của sư Thích Đàm Nhung (trụ trì) và sư Thích Đàm Thục.
Đại diện Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ phường Lê Đại Hành đều cho biết, trước đây chùa Vân Hồ không xảy ra những vụ lình xình như trên, mối quan hệ của chùa với tổ dân phố, bà con khu vực cũng không có vấn đề gì. Nhưng từ ngày sư cụ Thích Đàm Hợp – nguyên trụ trì chùa Vân Hồ qua đời, rất nhiều chuyện phức tạp xảy ra, người tu tập trong chùa thì mâu thuẫn nhau.
Đã 4-5 lần chính quyền địa phương và công an phải đến chùa giải quyết nhưng những mâu thuẫn vẫn chưa được hóa giải. Nhiều lần họp tổ dân phố mời nhà chùa nhưng cũng không thấy đại diện có mặt, đến tận chùa thì không mấy khi gặp được trụ trì mới là sư Thích Đàm Nhung, và tuyệt nhiên chưa thấy sư Nhung có đóng góp gì cho các công tác xã hội ở địa phương.
Trong đó, người dân phường rất bất bình về việc cửa chùa luôn đóng kín, chỉ mở cửa vào ngày Rằm và mùng Một hàng tháng. Trước đây có 400 phật tử thường xuyên về chùa đọc kinh làm lễ nhưng từ Tết năm 2013, sau khi xảy ra sự việc đánh nhau giữa sư Thục và một vài người thường xuyên đến chùa giúp việc thì các phật tử xa dần, đến giờ không ai còn đến.
Bà Loan nói: “Khi sư trụ trì trước còn sống, mỗi lần tổ dân phố họp đều được sư cụ tạo điều kiện tổ chức họp trong chùa và cho các đệ tử chuẩn bị nước nôi, điện đóm, quạt đầy đủ. Nhưng sau khi sư cụ qua đời, khoảng 2 năm nay, dân không mấy khi được vào chùa vì cửa đóng kín cả ngày, cả tuần, có bấm chuông cũng không ai ra mở cửa.
Cổng chùa lắp camera, người bên trong phải nhìn mặt khách xem là ai mới ra mở. Người dân chúng tôi nhiều lần bấm chuông mà không có người ra nên giờ cũng không sang nữa, chỉ chờ ngày Rằm, mùng Một sang lễ chùa”.
Cách đây không lâu, nhà chùa mở cửa sau cho một nhóm đối tượng thuê để trông giữ xe trái phép. Công an và chính quyền phải xuống làm việc rất “căng” nhà chùa mới đóng cửa chỗ trông giữ xe này. Sự việc đã được chính quyền phường lập biên bản.