Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng băn khoăn cho rằng, phải chăng hàng rào pháp lý bảo vệ ĐVHD hiện vẫn chưa đủ chặt? Bởi một sự việc tưởng chừng như hiển nhiên phải xử lý như vậy nhưng qua hơn 5 tháng xem xét, cơ quan chức năng mới đưa ra hướng xử lý.
Cơ sở pháp lý đang “đá nhau” nhìn từ một vụ án
Nội dung vụ việc trộm 116 trứng vích (rùa xanh) tại Vườn Quốc gia Côn Đảo có thể tóm tắt như sau: Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo phát hiện đối tượng Phạm Văn Tân (29 tuổi, quê Sóc Trăng, hiện trú tại khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo) trong quá trình vận chuyển 116 quả trứng vích đi tiêu thụ nên báo cơ quan công an tạm giữ tang vật và tiến hành điều tra.
Qua khai thác ban đầu, đối tượng khai nhận đã trộm số trứng vích này tại hòn Bảy Cạnh. Trước đó, đối tượng đã hai lần bị lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo tạm giữ khi đang vận chuyển thịt vích.
Đáng nói, trong khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Côn Đảo ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, thì Viện kiểm sát nhân huyện Côn Đảo không phê chuẩn quyết định khởi tố với lý do “trứng vích không phải là sản phẩm của vích vì không qua chế biến từ một cá thể vích, trứng cũng không được xem là một cá thể hay bộ phận của cá thể”, do vậy không thể khởi tố vụ án hay bị can được.
Ngoài ra để bảo vệ quan điểm của mình, đơn vị này cũng viện dẫn quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự số trứng vích lấy trộm phải có giá trị 50 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Dĩ nhiên, trong trường hợp này rất khó xác định được giá trị của số trứng vì trứng vích không được bán trên thị trường nên không có sản phẩm cùng loại để làm căn cứ định giá, hơn nữa số lượng trứng không lớn.
Khách quan nhìn nhận, sự “đá nhau” của các cơ quan thực thi pháp luật trước sự việc này xét cho cùng đều có cơ sở. Nhưng cũng chính sự “vênh” này đã gián tiếp tạo ra lỗ hổng khi xử lý các vụ việc tương tự. Minh chứng rõ nhất là vụ bắt giữ hơn 10 tấn rùa biển khoảng cuối năm 2014 ở Khánh Hòa. Theo đó, để tạm giải quyết, cơ quan chức năng đã giữ 7.000 cá thể trong 6 nhà kho ở thành phố Nha Trang. Cho đến nay, gần 2 năm sau khi bị phát hiện, những đối tượng trong vụ việc vẫn chưa được xử lý.
Trong câu chuyện thống nhất hướng xử lý với đối tượng trộm 116 trứng vích, dư luận tỏ ra khá băn khoăn bởi nếu chỉ xử lý hành chính thì một đối tượng đã từng 2 lần bị phát hiện có hành vi liên quan sẽ khó đủ sức răn đe. Và hiệu quả trong công tác đấu tranh bảo vệ ĐVHD về lâu dài sẽ bị giảm sút. Trên khía cạnh pháp lý, những vụ việc trên phần nào cho thấy, các cơ quan chức năng địa phương đã và đang gặp nhiều lúng túng trong khâu viện dẫn, áp dụng các văn bản pháp lý vào trong thực tế.
Nói cách khác, hiện các văn bản pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ ĐVHD dù được ban hành nhưng vẫn nằm rải rác trong những văn bản khác nhau. Chẳng hạn, xét riêng về các quy định về xử phạt vi phạm liên quan thì đều có xuất hiện trong Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 09 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, cách thức xử lý tang vật là các loài ĐVHD cũng có thể được tìm thấy trong ít nhất 05 văn bản khác nhau như Thông tư 90/2008/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 159/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Dẫn như vậy để thấy rằng, việc thiếu tính hệ thống trong các văn bản pháp lý đã gián tiếp làm khó các đơn vị thực thi luật pháp, gây ra sự chồng chéo trong việc áp dụng các quy định về xử lý vi phạm.
Quan trọng vẫn là ý thức
Trở lại câu chuyện trộm 116 trứng vích tại Côn Đảo, trong văn bản gửi tới VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngày 30/12/2016 vừa qua, cả 3 ngành tư pháp Trung ương gồm VKSNDTC, TANDTC và cơ quan Cảnh sát điều tra đều khẳng định: “Hành vi trộm cắp 116 quả trứng vích để đem bán của Phạm Văn Tân đã cấu thành tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo Điều 190 Bộ luật Hình sự và có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự”.
Chia sẻ về thông tin này, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của ENV phấn khởi: “Chúng tôi rất vui mừng vì mọi nỗ lực sau nhiều tháng làm việc chặt chẽ với các VKS các cấp để có thể đưa đối tượng Tân ra trước vành móng ngựa đã mang lại kết quả tốt đẹp. Mọi hành vi gây tổn hại đến các loài ĐVHD được pháp luật bảo vệ đều phải bị trừng trị nghiêm minh, làm gương cho những kẻ có ý định vi phạm tương tự. Qua đây, chúng tôi cũng hoan nghênh sự chỉ đạo sáng suốt của VKSNDTC trong việc khắc phục các lỗ hổng pháp lý, không để tội phạm lọt lưới pháp luật”.
ĐVHD là chuỗi mắt xích quan trọng trong đa dạng sinh học. Nếu chuỗi mắt xích này bị đứt, toàn hệ thống sẽ tê liệt, như vậy tác động rất xấu đến môi trường. Việt Nam hiện đang có 418 loài ĐVHD được ghi vào Sách đỏ, phân bố rải khắp cả nước, việc bảo vệ ĐVHD, đa dạng sinh học ngày càng trở nên cấp bách.
Qua câu chuyện lúng túng trong xử lý đối tượng trộm trứng vích cho thấy, đã đến lúc các ngành chức năng cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp lý có liên quan đến công tác bảo vệ ĐVHD, trên cơ sở bảo đảm các khung hình phạt chặt chẽ, đủ sức răn đe. Bên cạnh một hành lang pháp lý đủ mạnh, bản thân mỗi người dân cũng cần tự trang bị kiến thức, nâng ý thức bảo vệ ĐVHD, không tiêu thụ hoặc tiếp tay cho đối tượng trộm cắp, tiêu thụ ĐVHD.