Sống ích kỷ, quên đạo đức, cái ác sẽ trỗi dậy

Đạo đức là nền tảng xây dựng nhân cách con người, xây dựng gia đình hạnh phúc
Đạo đức là nền tảng xây dựng nhân cách con người, xây dựng gia đình hạnh phúc
(PLO) -Đối với một đứa trẻ từ lúc sinh ra oe oe tiếng khóc cho đến khi cất tiếng gọi đầu đời, hình bóng của người bà, người mẹ rất quan trọng. Tiếng gọi bà, gọi mẹ là những tiếng đầu tiên trong đời vì không những nó đơn giản về mặt ngữ âm mà còn vì đó là những người gắn bó, gần gũi nhất. Vậy mà thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ án tàn ác bà giết cháu, mẹ giết con khiến người ta rùng mình. Phải chăng con người ta đã không còn nhân tính, không còn biết sợ để cái ác hoành hành đến vậy?
 

Đây là câu hỏi mà có lẽ nhiều người đã nghĩ đến khi biết về hai vụ án bà nội – bà ngoại giết cháu vừa xảy ra ở Tiền Giang và Thanh Hóa. Trả lời câu hỏi này của phóng viên, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL cho biết ngay chính bản thân ông cũng sốc vì mức độ tàn ác của những vụ án người ruột thịt sát hại con em như vậy. 

- Ông Hoa Hữu Vân: Có thể nói hai vụ án vừa qua nằm ngoài sức tưởng tượng của những người làm chuyên môn như chúng tôi, bởi lẽ nếu tiếp cận từ góc độ bạo lực gia đình thì không thể nói hết bản chất của sự việc. Giải thích nguyên nhân của những vụ việc này không dễ dàng gì, nhưng tôi cũng xin tạm nêu ra đây một vài suy nghĩ để trao đổi thêm.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi ngay sau khi biết về vụ án này là câu hỏi: Tại sao mạng sống của một con người bây giờ lại trở nên mong manh như thế, đặc biệt là mạng sống của những đứa trẻ, những hài nhi? Ở đời có câu “hổ dữ còn không ăn thịt con”, làm cha, làm mẹ yêu con đã đành, nhưng ông bà còn yêu cháu hơn cả cha mẹ. Khi ông bà có cháu, cháu là tất cả đối với ông bà, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình với mô hình gia đình ít con, rồi tình trạng đẻ khó, hiếm muộn nhiều như hiện nay. Điều khiến tôi trăn trở là phải chăng đã lâu rồi trong xã hội, một khái niệm nhân sinh, một cách tiếp cận của một chiều cạnh đạo đức dựa trên thuyết nhân quả, thiện ác đã không được chú trọng một cách sâu sắc. Con người ta đã không còn biết sợ và khi không còn biết sợ thì cái ác ắt sẽ thế chỗ cái thiện. 

Suy nghĩ thứ hai của tôi là ngày nay nhịp sống trở nên gấp gáp, vội vã, giá trị vật chất lên ngôi và chính những tác động này làm người ta không tĩnh tâm được như xưa. Giữa cái xô bồ của cuộc đời, con người khu trú mình lại với sự ích kỷ cá nhân, vì mình, nghĩ đến mình, chỉ biết mình nhiều hơn là từ bi, hỷ xả. Nguyên nhân của hai vụ việc ở Thanh Hóa và Tiền Giang dù chưa thể biết một cách tường minh, nhưng theo tôi suy đoán là vì một nguyên nhân gì đó có liên quan đến cá nhân của hai người bà này. Nếu theo như thông tin từ truyền thông thì vụ ở Thanh Hóa người bà đi xem bói và thầy bói phán là bà phải chọn mạng sống của mình hoặc của cháu, thì có thể nói người bà đó đã chọn phương án “vì mình”. Tương tự, một loạt các hành vi treo con nuôi lên xà nhà, gí kẹp nóng vào con ghẻ và kể cả vụ cô giáo hành hạ trẻ ở Trường Mầm Xanh mới đây, tôi cho rằng những người cha, người mẹ, người giáo viên ấy họ đánh những đứa trẻ không phải vì ghét mà vì họ không muốn bị làm phiền  cho dù sự phiền hà đó đến từ nét ngây thơ, từ nhu cầu sống, học, chơi tối thiểu của một đứa trẻ, một con người. Suy nghĩ và hành động vì mình, vì lợi ích cá nhân của mình đã lấn át khiến người ta không còn biết đâu phải, đâu trái nữa. Ngày nay tôi có cảm tưởng câu “mình vì mọi người” đã không còn được ai quan tâm nữa.

Suy nghĩ thứ ba như mọi người đều rõ, đó là sự xuống cấp đến mức không ngờ của đạo đức xã hội. Đây là gốc của mọi vấn đề. Người xưa rất chú trọng giáo dục lễ nghĩa, đạo đức lối sống thì ngày nay những nội dung này dường như bây giờ rất mờ nhạt trong giáo dục cả ở nhà trường và gia đình. 

Ông Hoa Hữu Vân
Ông Hoa Hữu Vân

PV: Nếu nói hiện nay chúng ta “quên” giáo dục về lễ nghĩa, đạo đức lối sống trong gia đình thì cũng không phải, nhưng có một sự thật rằng chúng ta đã quen với những cụm từ truyền thông như: phải ra sức, phải tăng cường, phải quyết tâm... mà bỏ qua những điều giản dị. Hay nói cách khác truyền thông, giáo dục về gia đình đang to tát quá, vĩ mô quá mà không chú trọng vào chiều sâu nên không đạt được hiệu quả, ông có nghĩ như thế không?

- Ông Hoa Hữu Vân: Nhận định này không sai. Bấy lâu nay công tác truyền thông giáo dục về đạo đức lối sống trong gia đình nói riêng và đạo đức lối sống nói chung thường nói đến những điều lớn lao, những mục tiêu cao cả. Đồng ý rằng những mục tiêu cao cả, những điều lớn lao là đúng, là cần thiết nhưng khi truyền thông về những điều lớn lao thì cũng phải nói về những điều giản dị bình thường nhất, nhưng lại là cơ sở của những điều lớn lao. Ví dụ như nói về gia đình hạnh phúc thì sự hạnh phúc phải được xây đắp từ nhân cách ý thức, hành động hàng ngày của người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con... Trong giáo dục gia đình, chúng ta dường như quên mất dạy về những điều giản dị như nhặt được của rơi phải trả lại người mất, kính già, yêu trẻ, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, người lớn là việc lớn ai cũng có trách nhiệm với bản thân, xã hội... Bên cạnh đó, kho tàng của tục ngữ ca dao cũng là một trong những nền tảng của đạo đức, có giá trị lâu bền cũng không được quan tâm.

Nghe tôi nói như thế này hẳn nhiều người sẽ phản đối với lý do bất lâu nay củng cố giá trị gia đình là việc vẫn làm, thế nhưng nếu chẻ chữ “hạnh phúc gia đình” ra thì phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất đó là thiên lương, cái tâm, cái đức trong mỗi con người là thành viên gia đình. Nói như vậy để thấy với những câu chuyện đau lòng xảy ra không thể đổ lỗi hết cho cơ quan chức năng ở địa phương, mà cái gốc của vấn đề là con người không được giáo dục lễ nghĩa, đạo đức lối sống một cách cụ thể, chi tiết  cộng với sức ép của cuộc sống nên không còn biết sợ, không còn nhân ái để sống với nhau, xa rời chân giá trị làm người. 

Năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1028 phê duyệt chương trình giáo dục đời sống gia đình  đến năm 2020 với mục tiêu làm cho mỗi thành viên gia đình có đủ năng lực tổ chức cuộc sống, thấy bản thân mình “trưởng thành” và sống hạnh phúc, cung cấp tới từng hộ gia đình kiến thức kỹ năng làm cha mẹ, ứng xử với nhau... Có rất nhiều điều được gửi gắm trong chương trình này đó là từng thành viên gia đình phải trau dồi thiên lương, cái tâm, cái đức, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của chương trình này trong việc giáo dục đạo đức gia đình.  

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.