Xảy ra xung đột bằng lời lẽ với nhóm công nhân xây dựng lấn vào đất của mình, một người dân ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) bị nhóm công an xã dùng còng số 8 còng tay, đưa về trụ sở “làm việc”. Trước sự lạm quyền quá mức này, hàng trăm người dân của xã đã tập trung phản đối, bản thân người bị còng yêu cầu phải lập biên bản sự việc và buộc Công an xã phải xin lỗi mình.
Vụ việc nhỏ, người dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình mà coi người ta như tội phạm hình sự, hành xử theo kiểu cậy thế, cậy quyền, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm công dân và hệ lụy của nó hóa thành việc to khi những người dân chung quanh bức xúc, phản ứng với thái độ hành xử này.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên những người thực thi công vụ lạm dụng cái còng đối với dân. Đã có nhiều trường hợp xảy ra trước đây như việc còng tay một nữ Hiệu trưởng trước đông đảo học sinh và phụ huynh, người vi phạm giao thông cự cãi bị còng tay và còn nhiều chuyện khác nữa liên quan đến cái còng khi người bị còng chẳng phải nghi phạm cũng như không phải là đang thực hiện một hành vi phạm tội bị bắt quả tang.
Cái còng là biểu tượng cho sự trấn áp của quyền lực và chỉ đối với tội phạm mà thôi, cùng lắm là để ngăn chặn những đối tượng quá hung hãn và quá khích. Vì mang tính biểu tượng nên đeo nó bên hông là đủ, chỉ dùng đến nó trong trường hợp thực sự cần thiết và không thể không dùng. Việc còng tay này của Công an xã khiến người ta buộc phải nghĩ lại đề xuất mới đây là trang bị súng cho hơn 10 nghìn Công an xã trong cả nước.
Lạm dụng cái còng còn mang một nghĩa bóng rộng rãi hơn, đó là lạm dụng pháp luật để trấn áp. Có thể nhận biết loại lạm dụng này ở các trường hợp người dân tụ tập phản đối xe tải chở cát, chở quặng chạy qua khu dân cư gây hư hại đường sá và phiền phức, thậm chí nguy hiểm cho người dân hoặc trường hợp dân tập trung phản đối việc doanh nghiệp lấn đất, xả thải ra môi trường mà bị bắt bớ, khởi tố vụ án, bị can mà nhiều người trong đó là phụ nữ, người già cả. Những việc này chỉ làm to chuyện ra và hệ lụy của nó là trái lòng dân, thấy rõ cách hành xử của công quyền là nhân danh bảo vệ trật tự xã hội nhưng thực chất là “bênh” doanh nghiệp làm hại dân thôi. Người dân nhận rõ điều này và vì thế, mâu thuẫn giữa người dân địa phương và chính quyền sở tại càng thêm gay gắt và xã hội càng mất ổn định thêm. Không thể lấy trấn áp để giải quyết những vấn đề cần thương lượng được.
Vì thế, đừng lạm dụng cái còng, cả nghĩa đen và nghĩa bóng!