Theo lãnh đạo công an xã Phương Độ cho biết, khoảng 8h ngày 4/11, Công an xã Phương Độ nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc, tại khu vực sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã Phương Độ, giáp ranh xã Đại Tự (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) có 03 tàu cuốc đang khai thác cát nên đã khẩn trương báo cáo UBND xã, Công an huyện để xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp xử lý.
Công an huyện Phúc Thọ ngay sau đó đã cử Tổ công tác thuộc Đội CSĐT tội phạm về Kinh tế - Ma túy - Môi trường cùng lực lượng Công an xã xuống hiện trường. Kết quả xác minh cho thấy, tại thời điểm, tại khu vực sông Hồng thuộc địa phận xã Phương Độ có 03 tàu cuốc đang tập kết có nhiều biểu hiện khai thác cát trái phép. Tổ công tác đã lập biên bản yêu cầu 03 tàu cuốc nói trên di chuyển ra khỏi địa bàn và không được khai thác cát trái phép.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng công an xã cho biết, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, ông lập tức báo cáo cấp trên và khẩn trương cùng tổ công tác của Công an huyện tới hiện trường.
“Thời điểm này, chúng không phát hiện thấy tàu hoạt động nhưng trong guồng thì vẫn thấy có cát”, ông Hà cho biết.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Phương Độ nhận định: “Hình như hôm đó họ định làm lễ động thổ để khai thác. Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu các tàu không được khai thác cát và di chuyển khỏi địa bàn. Đến nay, mặc dù tàu không hoạt động nhưng vẫn neo đậu trên khu vực xã Phương Độ quản lý, do thiếu về lực lượng và phương tiện nên đang tiếp tục phối với cấp trên để có biện pháp yêu cầu đoàn tàu di chuyển”.
Chủ tịch UBND xã Phương Độ cho biết, trước đây, tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho Công ty TMS và một công ty nữa khai thác khoáng sản nhưng chồng lấn sang địa giới hành chính của TP. Hà Nội 10,3ha, diện tích này nằm hoàn toàn trong phần quản lý hành chính của xã Phương Độ. UBND TP. Hà Nội đã có yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét lại việc cấp phép này và sau đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định điều chỉnh lại nội dung giấy phép đã cấp.
Theo tìm hiểu, năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép cho Công ty cổ phần TMS Khoáng Sản và Vật liệu xây dựng (Công ty TMS) được khai thác tại mỏ cát ở xã Đại Tự, xã Hồng Châu, xã Trung Kiên (huyện Yên Lạc) và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, diện tích mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chồng lấn sang địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.
Trước tình hình trên, ngày 29/5/2015 UBND huyện Phúc Thọ có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP Hà Nội; Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TMS về việc đề nghị đình chỉ việc khai thác cát của công ty TMS tại mỏ cát Đại Tự, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo UBND huyện Phúc Thọ, “tại Khu vực I và khu vực IV trong giấy phép 374/GP-UBND ngày 10/2/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp có cả phần diện tích thuộc địa bàn xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Hiện tại các hộ dân xã Phương Độ vẫn đang trồng ngô và đồng cỏ chăn nuôi nhưng công ty TMS đang khai thác cát bằng tàu Cuốc, vị trí khai thác trên sông Hồng thuộc địa phận của xã Phương Độ”.
Trước tình hình đó, ngày 08/6/2015, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc khai thác cát của công ty TMS. Văn bản nêu rõ: “Trong thời gian giữa hai tỉnh và các cơ quan chức năng xác định, làm rõ địa giới hành chính hai tỉnh theo văn bản của UBND huyện Phúc Thọ, yêu cầu Công ty TMS điều chỉnh kế hoạch khai thác…”.
Ngày 11/4/2016 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định số 1312/QĐ-UBND về điều chỉnh giấy phép số 374/GP-UBND ngày 10/2/2015 về việc khai thác cát Sông Hồng cho công ty TMS. Lý do điều chỉnh nhằm đảm bảo phạm vi, ranh giới khai thác nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc (không chồng lấn sang địa giới hành chính TP Hà Nội).
Theo người dân xã Phương Độ, mặc dù giấy phép khai thác của Công ty TMS đã được điều chỉnh nhưng bước điều chỉnh này mới chỉ thể hiện trên văn bản giấy tờ, còn trên thực địa thì vẫn chưa được cắm mốc, xác định vị trí và ranh giới rõ ràng. Chính sự “nhập nhèm” về ranh giới hành chính trên thực địa này đã tạo điều kiện cho tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra và chính những người dân bị mất đất canh tác là những người thiệt hại hơn cả.