Trước đây, đã từng xảy ra chuyện “vỡ quỹ” hàng loạt của tổ chức tín dụng nhân dân, có “đại gia” phải nhận mức án tử hình và sau đó là chung thân. Tuy nhiên, dân gửi tiền vào đó phải chịu thiệt hại vì họ chỉ được “phân chia lại” rất ít ỏi so với số tiền họ gửi vào đó.
Vụ “vỡ quỹ” ở Đồng Nai, Giám đốc đã bỏ trốn ra nước ngoài, có khoảng 80 người đã gửi tiền vào đây với số lượng 50 tỷ đồng. Ngân hàng nhà nước lập tức vào cuộc trấn an dư luận, hứa hẹn rằng sẽ giải quyết chuyện này, đảm bảo cho quyền lợi người gửi tiền.
Sự hoang mang đã lắng xuống khi Ngân hàng nhà nước thể hiện trách nhiệm và không còn việc người dân kéo đến Trụ sở của Quỹ tín dụng đòi tiền gây mất trật tự công cộng nữa. Dù sao, đây cũng là bài học cảnh báo để việc giám sát các tổ chức tín dụng chặt chẽ hơn, bởi vì, việc đổ bể này đã phát hiện từ tháng 4/2017 với các dấu hiệu không bình thường, Ngân hàng nhà nước đã có những biện pháp tăng cường giám sát mà vẫn để Giám đốc bỏ trốn “ra nước ngoài chữa bệnh” là việc khó có thể chấp nhận.
Cách đây chưa lâu, một Giám đốc Sở Y tế ở Long An và một nữ nhà báo tại Đà Nẵng, dù không có “dấu hiệu” gì vi phạm pháp luật vẫn bị Công an cấm xuất cảnh, khi ra sân bay làm thủ tục đi nước ngoài thì họ mới biết mình bị cấm. Trong khi, các “nhân vật cộm cán” vào tầm ngắm của việc chống tham nhũng thì tẩu thoát ra nước ngoài khá dễ dàng.
Cũng để trấn an dư luận và đảm bảo quyền lợi của người dân, trường hợp một nữ kế toán tại Trường chính trị huyện Sốp Cộp (Sơn La) vay khoảng 55 tỷ đồng và mất khả năng chi trả, Công an sở tại đã nhanh chóng bắt bà này để làm rõ, tránh việc tẩu tán tài sản cũng như ngăn chặn một cuộc bỏ trốn.
Đây có thể được coi là những động thái tích cực bảo vệ quyền lợi cho người gửi hoặc cho vay tiền, giữ gìn trật tự an ninh xã hội. Trên thực tế, việc “vỡ hụi” xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chính quyền đại phương phản ứng hết sức chậm trễ, thậm chí bỏ mặc những người đã trót tin mà “gửi trứng cho ác”, cho rằng đó chỉ là “việc dân sự” các bên tự giải quyết với nhau.
Mới đây, vụ “vỡ hụi” xảy ra ở thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ) do một phụ nữ chủ tiệm vàng thực hiện. Cô ta sau khi huy động được vài chục tỷ thì “đi chữa bệnh”, nhưng những người chủ nợ phát hiện các dấu hiệu lừa đảo báo Công an và kéo đến nhà đòi nợ. Tuy nhiên, Công an không cho truy lùng người bỏ trốn mà lại mang súng ống đến bảo vệ nhà con nợ khiến người dân bất bình. Đặc biệt, người vay nợ lại là em gái của một cán bộ lãnh đạo huyện nên dư luận cho rằng có việc bao che là có cơ sở.
Động thái trên dẫn đến hệ quả ngược với việc diễn ra ở Đồng Nai và Sơn La. Rõ ràng việc nhanh chóng vào cuộc của các cơ quan chức năng trong vụ Quỹ tín dụng ở Đồng Nai cũng như việc vay nợ ở Sơn La là những động thái kịp thời, đặng bảo vệ quyền lợi của dân một cách tốt nhất.