Ông Dương Văn Hòa (61 tuổi) là một doanh nhân giỏi của tỉnh Quảng Trị. Năm 2007, ông tham gia vào một dự án giảm nghèo tại địa phương và bất ngờ bị TAND tỉnh Quảng Trị kết án oan 18 tháng tù giam về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật”. Mười năm đã qua, vụ án vẫn chưa dừng lại…
Họa “trên trời rơi xuống”
Ông Dương Văn Hòa, nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành tại Gio Linh, Quảng Trị, chuyên kinh doanh con giống, cây giống. Tháng 4/2007, ông Hòa ký hợp đồng bán bò giống cho Trung tâm Khuyến nông – khuyến lâm tỉnh Quảng Trị để cung cấp 142 con bò cái giống lai sind và 148 con bò cái giống nội, vàng cho các hộ dân ở hai huyện Đăkrông và Hướng Hóa theo dự án giảm nghèo của địa phương.
Để có bò cung cấp cho dự án, ông Hòa ký hợp đồng mua bò của Xí nghiệp truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi Thanh Ninh ở Thanh Hóa và được cơ quan thú y có thẩm quyền ở Thanh Hóa xác định bò sạch bệnh. Ông Hòa cũng đồng thời thu gom bò tại Quảng Trị rồi về nuôi nhốt tại trang trại của mình, số bò này đã được tiêm phòng lở mồm long móng (LMLM) tuýp 0, không có dịch bệnh.
Sau khi nhận bò lai sind từ dự án do ông Hòa giao, từ ngày 8/6/2007, một gia đình được nhận bò phát hiện bò lai sind bị sưng chân (sau này được xác định chỉ bị đau chân đơn thuần do quá trình vận chuyển, không có các triệu chứng khác của bệnh dịch - PV). Sau đó dịch LMLM bùng phát ở sáu huyện, thị xã tỉnh Quảng Trị, trong đó có bốn huyện có bò giống do ông Hòa cung ứng.
Ngày 12/7/2007, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hơn nửa tháng sau, ngày 31/7/2007, ông Hòa cùng ba người khác bị khởi tố bị can. Ông Hòa được tại ngoại và bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Quá trình điều tra cơ quan chức năng không xác định được việc lây nhiễm bệnh là bò do dự án cấp hay bò của các hộ chăn nuôi nhiễm. Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương cũng có công văn giải thích đường lây lan dịch bệnh LMLM tuýp 1 có thể qua không khí, đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với các vết loét, thời gian ủ bệnh có thể từ 2 đến 14 ngày; đồng thời không thể xác định số gia xúc này tiếp xúc với mầm bệnh từ khi nào, không thể kết luận được bệnh LMLM thuộc tuýp 0, A hoặc 1; do đó không đủ cơ sở khẳng định bò lai sind của ông Hòa cung ứng mang nguồn bệnh truyền nhiễm cho gia súc. Trong khi đó, trước thời điểm dịch LMLM tuýp 1 xảy ra tại Quảng Trị, Nhà nước chỉ quy định bắt buộc tiêm phòng vắc xin LMLM tuýp 0 và không có khả năng miễn dịch với các tuýp khác, dịch LMLM tuýp 1 lúc đó là loại vi rút mới, chưa có bắt buộc tiêm phòng.
Mặc dù vậy, Viện KSND tỉnh Quảng Trị vẫn ra cáo trạng, khép ông Hòa vào tội danh “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”.
Mười năm đi tìm công lý
Tại bản án sơ thẩm do TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vào tháng 6/2008 đã tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù giam. Không chấp nhận bản án, ông Hòa kháng cáo kêu oan.
Tháng 9/2008, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại vì chưa đủ cơ sở để buộc tội các bị cáo. Sau khi án sơ thẩm bị hủy, CQĐT đã tiến hành điều tra lại và VKSND tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục truy tố các bị can theo các tội đã truy tố, xét xử trước đó.
Sau đó TAND tỉnh Quảng Trị lại ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đến tháng 12/2009, thì Viện KSND tỉnh Quảng Trị cuối cùng cũng ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Dương Văn Hòa (miễn trách nhiệm hình sự) theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo khoản 1 Điều 25 BLHS: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Cho rằng việc đình chỉ vụ án không đúng bản chất của vụ việc, ông Hòa cho rằng mình bị oan sai. Cho rằng mười năm nặng nề, tủi nhục khi gánh trên vai tội danh là kẻ phạm tội, cũng là 10 năm dài đằng đẵng trong thân phận kẻ hàm oan, ông Hòa ôm đơn đi gõ cửa khắp nơi kêu cứu, khiếu nại quyết định đình chỉ vụ án của Viện KSND tỉnh Quảng Trị. Với niềm tin mãnh liệt vào sự thật, vào lẽ phải, vào công lý, ông Hòa dành hết tinh lực của những ngày xế chiều để đội đơn đi kêu oan.
Trải qua hơn 10 năm đeo đuổi sự thật, cuối cùng VKSND Tối cao đã “chấp nhận nội dung khiếu nại” của ông Hòa, đồng thời yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hòa theo khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2003. Theo khoản 2 Điều 107: Không được khởi tố vụ án hình sự khi hành vi không cấu thành tội phạm.
Tháng 8/2017, Viện KSND tỉnh Quảng Trị cuối cùng đã phải thừa nhận việc oan sai của ông Hòa, ra quyết định đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 107 của BLHS năm 2003.
“Dù muộn, nhưng cuối cùng, cán cân công lý cũng đã nghiêng về phía lẽ phải”, ông Hòa chia sẻ trong tiếng gió vi vu lướt qua vườn ươm giờ đã tiêu điều, hoang phế.
Gia sản khánh kiệt
Vụ án oan sai của ông Hòa sau 10 năm dài dằng dặc cuối cùng cũng kết thúc, nhưng lại mở ra một vụ án khác khi ông Hòa khởi kiện để đòi bồi thường về những tổn thất vật chất, tinh thần mà ông đã gánh chịu trong 10 năm bị oan sai. Từ đây, một hành trình mới lại bắt đầu, cũng gian nan không kém hành trình kêu oan trước đó.
Từ một doanh nhân làm ăn phát đạt, không may vướng vòng lao lý, chỉ sau 10 năm, ông Hòa như biến thành người khác, thân hình ốm yếu, già nua, gương mặt chồng chất đầy những nếp nhăn. Doanh nhân giỏi năm nào trải lòng, ông lập nghiệp từ một cơ sở sản xuất tư nhân. Sau nhiều năm tích lũy, năm 2002 ông thành lập công ty tư nhân lấy tên là Thuận Thành. Công ty thời điểm đó làm ăn rất phát triển, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hàng chục người dân địa phương. Ông từng được Nhà nước tặng Bằng khen vinh danh doanh nghiệp trang trại vừa và nhỏ (2004), được nhận Kỷ niệm chương về sự nghiệp nông nghiệp nông dân nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng. Thời điểm đó, ông Hòa chính là một trong những doanh nhân điển hình của tỉnh Quảng Trị trong phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.
Rồi họa trên trời rớt xuống, ông bị khởi tố, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Các trang trại, cơ sở của công ty tại địa phương và nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả Lào phải ngừng hoạt động. Các đối tác kinh doanh ngừng giao dịch, hủy hợp đồng… Từ một doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, công ty ông Hòa rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, không có tiền để trả lương cho công nhân.
Đứng bên chuồng bò giờ đã tan hoang, cũ nát theo thời gian mưa nắng, ông Hòa chua xót nhìn mấy bức tường trơ lại, những tấm tôn rách nát rơi vãi khắp nền đất đầy cỏ dại, gai góc và lá rụng như thầm nhắc nhở về tấn thảm kịch của đời ông. Phía xa xa ngoài kia, vườn ươm cây giống một thời bạt ngàn màu xanh, lúc nào cũng ríu rít tiếng nói cười của công nhân làm vườn, giờ chỉ còn một màu xanh hoang phế của cỏ dại.
“Tôi tham gia dự án giảm nghèo cho bà con. Nhưng mà khi vụ án oan sai xảy ra đối với tôi thì bản thân tôi và gia đình tôi trở thành một người nghèo, một hộ nghèo ở địa phương”, ông Hòa nói trong chua xót, gương mặt đờ đẫn khi nhìn gia sản mình từng khó nhọc gầy dựng giờ lụi tàn.
Ngày đó, khi dịch LMLM xảy ra, đàn bò giống của ông vốn đã được tiêm phòng đầy đủ, có con đang chửa đẻ cũng bị lùa đi tiêu hủy mà không cần thông qua thủ tục giám định bệnh từng cá thể. Có con đẻ ngay bên hố tiêu hủy, con bò con cũng bị xô xuống hố hủy cùng bò mẹ.
Vốn là một doanh nhân luôn tâm niệm làm giàu cho quê hương, làm sao để dân quê mình thoát cảnh nghèo đói, giờ phải mang tiếng oan là người đem bệnh dịch đến cho quê hương. Có lúc ông Hòa tưởng chừng như không thể sống nổi bởi những tủi nhục, xót xa đó. Ông Hòa giờ đã được minh oan, nhưng đàn bò đã bị tiêu hủy hết, chuồng bò đã bị bỏ hoang, trại cây giống giờ đã điêu tàn. Trải qua hành trình hơn 10 năm tủi nhục, oan trái, gia sản khánh kiệt, thế nhưng những thiệt hại mà ông Hòa phải gánh chịu, hàng triệu cây trồng, vật nuôi, những thiệt hại về uy tín, danh dự của một doanh nhân chỉ được VKS tỉnh Quảng Trị bồi thường vỏn vẹn 249 triệu đồng. Những tổn hại về sức khỏe, về thu nhập bị mất, thiệt hại do tài sản bị xâm hại được VKS định giá là… 0 đồng.
Theo Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật Công Khánh, vụ án của ông Dương Văn Hòa kéo dài 10 năm đã để lại những thiệt hại khủng khiếp cho gia đình ông Hòa. Đáng lẽ sự việc đã kết thúc cách đây 10 năm nếu VKSND tỉnh Quảng Trị không vận dụng khiên cưỡng khoản 1 Điều 25 BLHS năm 1999 để đình chỉ điều tra (không thừa nhận oan sai mà đình chỉ vì “tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội”). Đến nay, việc bồi thường thiệt hại cho ông Hòa cần phải thỏa đáng là điều hết sức cấp bách để lấy lại niềm tin vào công lý, niềm tin vào cơ quan thực thi pháp luật.
Từng là cơ quan đã từng thực hành quyền công tố, VKSND tỉnh Quảng Trị giờ là bị đơn trong vụ án dân sự “yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự” mà nguyên đơn là ông Dương Văn Hòa. PLVN sẽ cập nhật thông tin vụ kiện đến bạn đọc trong phiên tòa sắp tới.